Tiếng Việt | English

27/12/2017 - 03:30

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội

Năm 2017, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), trong đó chú trọng cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và đạt nhiều kết quả khả quan. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh - Nguyễn Văn Bon xoay quanh vấn đề này.

► PV: Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật công tác CCTTHC của tỉnh trong năm qua?

Ông Nguyễn Văn Bon: Từ đầu năm, Sở Nội vụ chủ động tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch CCHC năm 2017 nhằm tập trung lãnh đạo, điều hành. Theo đó, các sở, ngành tỉnh, địa phương chủ động ban hành kế hoạch năm và triển khai, thực hiện chất lượng, đúng tiến độ; nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách mới của tỉnh được cụ thể hóa trong các đề án, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển KT-XH.

Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong tỉnh ngày càng hiệu quả, bảo đảm chất lượng, khả thi, phù hợp quy định hiện hành. TTHC tiếp tục được rà soát, đơn giản, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức. Trong năm, các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành 76 quyết định, công bố 2.263 TTHC thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của 17 sở, ngành tỉnh. Sau khi công bố, các TTHC được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia đúng quy định.

Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh được thành lập, tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính của tỉnh

Bộ máy hành chính nhà nước được sắp xếp, tổ chức theo chức năng, nhiệm vụ quy định, hạn chế sự chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ bên trong và bên ngoài cơ quan, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước. Trong năm, tỉnh thực hiện tinh giản biên chế trên 100 người. Tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, góp phần giảm tỷ lệ hồ sơ giải quyết trễ hẹn của cơ quan, đơn vị; từng bước nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Toàn tỉnh có 100% cơ quan hành chính và các đơn vị ngành dọc đóng trên địa bàn thực hiện cơ chế một cửa; hơn 1.300 TTHC cấp tỉnh, 254 TTHC cấp huyện, 144 TTHC cấp xã được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được quan tâm, đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn được giao. Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động quản lý nhà nước được đẩy mạnh, đáp ứng nhu cầu cần thiết hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh. Toàn tỉnh có 100% cơ quan, đơn vị sử dụng phần mềm quản lý văn bản và mạng nội bộ (mạng LAN), có trang thông tin điện tử tích hợp vào Cổng điện tử của tỉnh và phần mềm một cửa điện tử phục vụ việc tiếp nhận, luân chuyển, giải quyết và công bố kết quả giải quyết hồ sơ TTHC trên môi trường mạng,...

► PV: Trung tâm Phục vụ hành chính công (PV HCC) tỉnh chính thức hoạt động từ ngày 17/10/2017 được xem là mô hình mới, tạo điểm nhấn trong CCTTHC của tỉnh. Vậy, năm qua, mô hình này được tiếp tục triển khai, nhân rộng ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bon: Qua hơn 1 năm hoạt động, Trung tâm PV HCC tỉnh thể hiện vai trò là đầu mối tập trung giải quyết TTHC, tạo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện tốt công tác CCTTHC Đây là đầu mối tập trung thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả TTHC thuộc quyền giải quyết của 9 sở, ngành tỉnh: Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức có thêm sự lựa chọn khi thực hiện TTHC, đến nay, Trung tâm PV HCC tỉnh triển khai, thực hiện Kế hoạch số 46/KH-UBND, ngày 28/3/2017 của UBND tỉnh về việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Cán bộ, viên chức làm việc tại trung tâm chấp hành khá tốt nội quy, quy chế làm việc, thái độ giao tiếp lịch sự, làm việc có trách nhiệm, bảo đảm tính công khai, minh bạch, không xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức.

Từ những thành công bước đầu của mô hình cấp tỉnh, năm qua, UBND tỉnh ra quyết định thành lập trung tâm HCC ở các huyện, thị xã, thành phố để giải quyết TTHC ở cấp huyện. Đến nay, tỉnh có 3 trung tâm HCC được thành lập và đi vào hoạt động: Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc, bước đầu tạo sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi đến thực hiện các TTHC. Theo kế hoạch, năm 2018, tỉnh sẽ triển khai, xây dựng, hoàn thiện 100% trung tâm HCC các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Trung tâm Hành chính công huyện Đức Hòa bước đầu tạo sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi đến thực hiện các thủ tục hành chính

► PV: để đạt kết quả trên, có sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, ông có thể đánh giá rõ hơn vấn đề này?

Ông Nguyễn Văn Bon: Để đạt kết quả trên, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác CCHC, xem đây là một trong những công tác quan trọng góp phần thu hút đầu tư, phát triển KT-XH của tỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp.

Theo đó, chỉ đạo người đứng đầu cơ quan hành chính có trách nhiệm trong việc lãnh đạo, điều hành đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ CCHC ở từng đơn vị, địa phương theo quy định của Chính phủ, của tỉnh; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất gắn với việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC; kịp thời phát hiện, biểu dương những điển hình tiên tiến, những sáng kiến hay. Thực hiện hiệu quả và nghiêm túc việc phê bình các trường hợp chậm trễ, kém hiệu quả, hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc của tổ chức và công dân,...

► PV: Ông có thể cho biết những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác CCHC trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Văn Bon: Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011-2020, giai đoạn 2016-2020; xây dựng kế hoạch CCHC năm 2018, khắc phục những tồn tại, hạn chế năm 2017; chỉ đạo nâng cao chỉ số CCHC (PARINDEX), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức; ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC;...

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả, trách nhiệm trong quá trình xây dựng, thẩm định và tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả; tiếp tục cải cách chế độ công vụ, công chức; phân công nhiệm vụ phù hợp trình độ đào tạo, chức danh đảm nhiệm; xây dựng, triển khai, thực hiện Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước năm 2018 phù hợp kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh và lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến 2016-2020.

Đưa 100% TTHC của sở, ngành tỉnh và cơ quan Trung ương tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh vào thực hiện tại Trung tâm PV HCC tỉnh vào năm 2018; thành lập và đưa vào hoạt động trung tâm HCC cấp huyện ở những địa phương còn lại, kết nối Trung tâm PV HCC tỉnh, tạo sự liên thông trong việc giải quyết TTHC theo cơ chế liên thông; đẩy mạnh việc tiếp nhận và trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích;...

► PV: Xin cảm ơn ông!

Sông Măng (thực hiện)

Chia sẻ bài viết