Tiếng Việt | English

06/05/2019 - 10:54

Đẩy mạnh kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn

Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh Long An bước đầu thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Qua đó, những mô hình trồng trọt, trang trại chăn nuôi bảo đảm an toàn, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế và có sức cạnh tranh trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều.

Chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học góp phần cải thiện cuộc sống của người dân

Sản xuất an toàn mang lại hiệu quả kinh tế

Ông Trần Tiết Giao, ngụ ấp Long Giêng, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, là một trong những nông dân tiên phong sản xuất rau theo hướng an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng. Gắn bó lâu đời với nghề trồng rau, ông dần tích lũy nhiều kinh nghiệm, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, bảo đảm các điều kiện cơ bản về đất trồng, phân bón, nước tưới và phòng, trừ sâu bệnh. Với hơn 4.000m2 trồng rau, ông mạnh dạn đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm, sử dụng phân chuồng ủ hoai mục. Nhờ đó, ông giảm được chi phí đầu tư (phân bón, nhân công lao động), mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với kiểu sản xuất truyền thống. Trung bình mỗi năm, ông thu lợi nhuận gần 200 triệu đồng từ vườn rau của mình.

“Trong sản xuất, tôi ưu tiên sử dụng những loại thuốc nằm trong danh mục theo quy định và chỉ dùng khi thật sự cần thiết, bảo đảm thời gian phân giải dư lượng thuốc. Đồng thời, tôi chú ý sử dụng nguồn nước tưới không ô nhiễm, độc hại; thực hiện tốt các biện pháp luân canh giữa các loại rau khác họ nhằm giảm thiểu thiệt hại do sâu, bệnh gây ra” - ông Giao chia sẻ. 

Cuộc sống của gia đình ông Lê Văn Chôm, ngụ ấp Ao Gòn, xã Tân Lân, huyện Cần Đước, dần được cải thiện nhờ nuôi gà theo phương pháp an toàn sinh học, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Với 8.000 con gà cho trứng thương phẩm, trung bình mỗi năm, ông thu lợi nhuận 300 triệu đồng. Theo ông Chôm, để sản phẩm trứng gà đạt yêu cầu, ngoài tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật từ khâu xử lý chuồng trại nuôi, ông còn đầu tư hệ thống máy lạnh, chọn thức ăn không lẫn tạp chất nên lượng trứng luôn đều, được thị trường ưa chuộng.

“Trước đây, nuôi gà theo kiểu truyền thống, tôi có lãi ít, thậm chí còn lỗ do chất lượng trứng không đạt yêu cầu và đàn gà thường xuyên mắc các bệnh liên quan đường hô hấp, đường tiêu hóa. Thế nhưng, từ khi ứng dụng phương pháp nuôi hiện đại, khoa học, số lượng đàn gà đẻ được duy trì, hiệu quả kinh tế mang lại cũng cao hơn” - ông Chôm bày tỏ.

Chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học góp phần cải thiện cuộc sống của người dân

Đầu ra chưa ổn định

Người dân ngày càng chủ động đầu tư sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, đồng thời có những chiến lược để kết nối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng trang trại sản xuất theo hướng an toàn trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Nguyên nhân chủ yếu là đầu ra sản phẩm của các trang trại chưa ổn định, sự kết nối giữa người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ nông sản sạch còn gặp nhiều khó khăn.

Được xem là một trong những vựa rau an toàn lớn của tỉnh nhưng Cần Giuộc hiện gặp nhiều vướng mắc trong khâu tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến gặp khó trong quá trình duy trì, mở rộng diện tích rau an toàn của địa phương. “Điều kiện tự nhiên của huyện không khó để xây dựng các vùng chuyên canh trồng rau, củ, quả an toàn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khiến không ít nông dân chùn bước trong phát triển vùng rau là sản xuất rau an toàn vất vả, tốn nhiều công sức nhưng đầu ra sản phẩm chưa ổn định, giá cả chưa thỏa đáng” - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Năm, ngụ xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, bộc bạch: “Gia đình tôi có 0,2ha rau trồng theo hướng VietGAP trong nhà lưới, đến nay đã cho thu hoạch. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là giá bán rau an toàn không chênh lệch nhiều so với rau sản xuất truyền thống”.

Theo ông Nguyễn Hoàng Trung, ngụ ấp 5, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, sản xuất rau an toàn còn gặp khó trong giải quyết đầu ra do khâu quản lý an toàn thực phẩm ở các chợ thiếu chặt chẽ khiến người tiêu dùng không thể phân biệt giữa rau an toàn và rau thường. Đồng thời, công tác tuyên truyền về thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng chưa được chú trọng đúng mức; vẫn còn tâm lý muốn mua rau đẹp, xanh mướt, giá rẻ.

Sản xuất rau màu theo hướng an toàn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu

Tháo gỡ khó khăn

Theo Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Huỳnh Hải, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy của người trực tiếp tham gia sản xuất, thời gian qua, phòng phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, các chất độc hại; áp dụng nghiêm nguyên tắc “4 đúng”, “3 không” trong trồng trọt và chăn nuôi: Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp; không chất cấm, không sử dụng kháng sinh ngoài danh mục, không dùng kháng sinh không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Qua đó, góp phần xây dựng, tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn với mục tiêu mang đến cho người tiêu dùng những bữa cơm bảo đảm sức khỏe”.

“Hiện nay, hầu hết việc thu mua nông sản của các trang trại, tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn chỉ dựa trên yêu cầu ngắn hạn của thị trường, chưa ký kết được những hợp đồng cung ứng dài hạn. Vì vậy, để các trang trại, THT, HTX hoạt động hiệu quả, thời gian tới, huyện tập trung xây dựng sản xuất theo quy trình VietGAP. Đối với các trang trại, THT, HTX hoạt động hiệu quả, ngành nông nghiệp vận động mở một số cửa hàng bán sản phẩm rau an toàn cung cấp cho thị trường tại chỗ cũng như giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng và các đối tác ngoài tỉnh” - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương thông tin.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh, thời gian qua, ngoài chính sách của Trung ương, tỉnh có nhiều cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy, tạo chuyển biến trong “nếp nghĩ, cách làm” của người sản xuất, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng lựa chọn nông sản sạch, sản phẩm hữu cơ. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục khuyến khích phát triển hình thức hợp tác, liên kết, xem doanh nghiệp là trung tâm, HTX là cầu nối giữa người sản xuất và doanh nghiệp, đẩy mạnh liên kết “4 nhà” (nhà nông, Nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học); ưu tiên, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, người dân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng, mở rộng hình thức cho vay tín chấp, tham gia các dự án sản xuất nông nghiệp sạch hiệu quả kinh tế cao,...

Việc phát triển nông nghiệp sạch, sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ người tiêu dùng là hết sức cần thiết. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc hơn nữa của các ngành chức năng nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân thay đổi tư duy trong sản xuất, hướng tới nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đáp ứng yêu cầu thị trường ổn định, lâu dài./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết