Tiếng Việt | English

25/09/2019 - 15:19

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp chất lượng cao và ứng dụng công nghệ cao

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra 3 chương trình đột phá, trong đó, Chương trình Phát triển nông nghiệp chất lượng cao (CLC) được tập trung thực hiện, đạt kết quả khả quan, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Nông dân trong vùng ứng dụng công nghệ cao áp dụng cấy lúa bằng máy

Nông dân trong vùng ứng dụng công nghệ cao áp dụng cấy lúa bằng máy

Nghị quyết đi vào cuộc sống

Để thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp CLC, Thị ủy ban hành Chương trình hành động số 06-CTr/TXU, ngày 23/9/2015 về phát triển nông nghiệp CLC giai đoạn 2015-2020. Tiếp theo đó, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 04/3/2016 của Tỉnh ủy về Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Thị ủy ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TXU, ngày 04/4/2017 về Phát triển vùng lúa CLC và ƯDCNC trên địa bàn thị xã đến năm 2020.

Bí thư Thị ủy Kiến Tường - Nguyễn Minh Lâm cho biết: “Qua 4 năm triển khai thực hiện, nghị quyết đã đi vào cuộc sống, nhận thức của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân được nâng lên. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn được cải thiện rõ rệt. Kinh tế nông nghiệp không ngừng phát triển, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung,… Từ đó, góp phần quan trọng vào việc phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn”.

Đến thời điểm này, thị xã hoàn thành quy hoạch vùng lúa CLC với diện tích 7.755ha (xã Thạnh Hưng 3.708ha, xã Tuyên Thạnh 1.939ha, xã Bình Hiệp 1.463ha, xã Thạnh Trị 398ha, xã Bình Tân 247ha) và hoàn thành quy hoạch vùng lúa ƯDCNC với diện tích 3.350ha (xã Thạnh Hưng 1.265ha, xã Tuyên Thạnh 1.424ha, xã Bình Hiệp 661ha). Kết quả tổng diện tích nông dân tham gia sản xuất vùng lúa CLC là 7.755ha và ƯDCNC là 3.550ha, đạt 100% chỉ tiêu.

Theo Phòng Kinh tế thị xã, hiện nay, 100% diện tích vùng lúa CLC được cơ giới hóa và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; 100% diện tích vùng lúa chất lượng được đê bao khép kín và bảo đảm phục vụ tưới tiêu; 100% đường trục chính nội đồng trong vùng quy hoạch được cứng hóa và lưu thông bằng phương tiện cơ giới trong sản xuất thuận tiện; 37,5% diện tích ƯDCNC bảo đảm tưới tiêu bằng trạm bơm điện (vùng lúa ƯDCNC có 6 trạm bơm điện, trong đó, xã Thạnh Hưng 2 trạm và xã Tuyên Thạnh 4 trạm).

Chất lượng nông sản nâng lên

Từ năm 2015 đến nay, sản lượng lương thực hàng năm phần lớn đều đạt và vượt so với chỉ tiêu của nghị quyết đề ra (175.000 tấn/năm). Trong đó, các giống lúa CLC được nông dân ưu tiên sản xuất: OM 4900, RVT, Nàng hoa 9, Đài thơm 8,… Ông Võ Thành Hội, ngụ ấp Sồ Đô, xã Thạnh Hưng, nói: “Khi tham gia vào mô hình, nông dân sử dụng giống xác nhận, áp dụng kỹ thuật sạ thưa, quy trình “1 phải, 6 giảm”, sử dụng phân hữu cơ,... Dù giá nông sản không tăng nhưng giảm chi được phí sản xuất giúp nông dân tăng lợi nhuận đáng kể so với trước đây”.

Theo đánh giá của Phòng Kinh tế thị xã, các mô hình sản xuất ƯDCNC có tính nổi trội và hiệu quả hơn so với bên ngoài mô hình. Cụ thể, chi phí đầu tư thấp hơn nhờ giảm lượng giống gieo sạ (trong mô hình chỉ sạ từ 100-120kg/ha), ít tốn chi phí thuốc bảo vệ thực vật và công phun xịt (ngoài mô hình xịt nhiều hơn từ 2-3 lần). Mặt khác, do sử dụng phân hữu cơ bón lót nên làm giảm lượng phân bón đáng kể, nhất là phân đạm,... góp phần tăng lợi nhuận bình quân cho nông dân từ 2-3 triệu đồng/ha (không tính tiền hỗ trợ nông dân).

Để nông dân an tâm sản xuất, công tác xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp luôn được quan tâm. Năm 2017, có 10 doanh nghiệp tham gia với hình thức đầu tư, thu mua và tổ chức thu mua với diện tích thực hiện 4.413ha, có 1.412 hộ tham gia. Năm 2018, có 16 doanh nghiệp tham gia thu mua với diện tích thực hiện 4.570ha, có 1.524 hộ tham gia. Từ đầu năm 2019 đến nay, có 11 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn thị xã, với diện tích thu mua 2.881,7ha, có 939 hộ tham gia.

Bên cạnh đó, thị xã thành lập được 6 hợp tác xã, với 164 thành viên, trong đó có 4 hợp tác xã nằm trong vùng lúa ƯDCNC, đạt 100% chỉ tiêu. Hoạt động của các hợp tác xã bước đầu có những đóng góp tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, ổn định xã hội, tạo sự đoàn kết gắn bó, tương trợ, giúp đỡ nhau. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Sự, ngụ ấp Bắc Chan 2, xã Tuyên Thạnh, hiện nay, nông dân chủ yếu bán cho thương lái nên thường xuyên bị ép giá, giá lúa trong mô hình không cao hơn bên ngoài nên nhiều hộ dân chưa mặn mà khi được vận động tham gia sản xuất theo quy trình ƯDCNC.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Trưởng phòng Kinh tế thị xã - Nguyễn Hùng Dũng thông tin, mặc dù thị xã có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhưng hoạt động của hợp tác xã hiệu quả chưa cao, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Danh mục các công trình đầu tư trong vùng lúa ƯDCNC, nhất là hệ thống trạm bơm điện triển khai còn chậm nên ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của nghị quyết chưa đạt so với yêu cầu (chỉ tiêu diện tích ƯDCNC bảo đảm tưới, tiêu bằng trạm bơm điện chỉ đạt 37,5%).

Việc nhân rộng các mô hình sản xuất lúa ƯDCNC còn gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận nông dân còn e ngại áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo quy trình sản xuất ƯDCNC như cấy bằng máy, bón phân hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học trừ rầy, trồng hoa sinh thái,… Việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm trong một số mô hình vẫn còn hạn chế; số doanh nghiệp tham gia cánh đồng lớn, nhất là bao tiêu sản phẩm còn rất ít. Do đó, khó tuyên truyền, vận động nông dân tham gia mô hình sản xuất lúa ƯDCNC.

Cơ giới hóa giúp giảm nhân công lao động trong sản xuất lúa

Cơ giới hóa giúp giảm nhân công lao động trong sản xuất lúa

Từ những hạn chế trên, để thực hiện tốt Chương trình Phát triển vùng lúa CLC và ƯDCNC trên địa bàn thị xã đến năm 2020, Thị ủy xác định một số nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về quan điểm, chủ trương, giải pháp thực hiện phát triển nông nghiệp CLC và ƯDCNC gắn với các xã trong lộ trình xây dựng nông thôn mới; tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong các cấp, các ngành và nông dân.

Tiếp tục quan tâm củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo, tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thị xã và các xã thực hiện chương trình. Các thành viên Ban Chỉ đạo thị xã chủ động theo dõi, nắm tình hình địa bàn mình phụ trách; kịp thời báo cáo và tham mưu, đề xuất ban chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ. Chú trọng quy hoạch đồng ruộng, khuyến khích việc hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung. Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế và thân thiện với môi trường.

“Song song đó, thị xã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển kinh tế tập thể của tỉnh gắn với liên kết 4 nhà. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển nông nghiệp ƯDCNC. Quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, trạm bơm điện, thủy lợi nội đồng,… bảo đảm phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp” - Bí thư Thị ủy Kiến Tường - Nguyễn Minh Lâm cho biết thêm./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết