Tiếng Việt | English

31/01/2017 - 08:04

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống

Năm 2016, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tập trung nguồn lực cho nghiên cứu khoa học, ứng dụng KH&CN vào sản xuất, đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Đồng thời, triển khai thực hiện “Chính sách khuyến khích, hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và đổi mới công nghệ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa”, “Chính sách hỗ trợ chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ công nghệ” trên địa bàn tỉnh.

Nghiên cứu ứng dụng KH&CN

Cấp tỉnh, cấp cơ sở triển khai thực hiện 29 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Các đề tài, dự án được thực hiện trên các lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học kỹ thuật, khoa học y dược và khoa học nông nghiệp.

Đến nay, nghiệm thu 10 đề tài cấp tỉnh và 8 đề tài cấp cơ sở; đồng thời, chuyển giao kết quả nghiên cứu 25 mô hình để áp dụng trên toàn tỉnh, chủ yếu là trong sản suất nông nghiệp, trong đó có 4 kết quả thuộc lĩnh vực khoa học xã hội phục vụ giảng dạy và quản lý nhà nước các ngành: Công thương, y tế, quân sự, chính trị.

“Dây chuyền rửa và xử lý bề mặt quả thanh long sau thu hoạch” của Công ty TNHH Hiệp Phát Long An được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ đăng ký giải pháp hữu ích

Kết quả nghiệm thu cho thấy, số lượng các đề tài nghiệm thu có khả năng ứng dụng hiệu quả tăng nhiều như khoai mỡ Bến Kè; sơ chế, bảo quản chanh không hạt; mô hình thâm canh cây bắp lai trên nền đất lúa; giống lúa chịu phèn, năng suất cao, chất lượng tốt,... góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Một số mô hình như nuôi thương phẩm rắn ri voi, nuôi lươn thương phẩm, nuôi cá lăng đỏ, cá lóc, tôm thẻ chân trắng,... giúp tận dụng các nguồn giống tự nhiên, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật giảm thiểu dịch bệnh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Cấp Nhà nước đang thực hiện Dự án “Ứng dụng công nghệ sản xuất phân phức hợp hữu cơ vi sinh từ bùn đáy ao nuôi thủy sản và rơm rạ cho các loại cây trồng chính của tỉnh Long An”. Hiện, đầu tư hoàn thành xây dựng nhà xưởng, lắp đặt, vận hành thử nghiệm hệ thống dây chuyền sản xuất chế phẩm vi sinh và phân bón.

Dự kiến, năm 2017 nhà máy sản xuất đạt mức 3 tấn chế phẩm Fito-biomix dùng xử lý rơm rạ và 500 tấn phân hữu cơ vi sinh, góp phần phục vụ các mô hình trồng lúa, thanh long, rau thuộc Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Long An.

Bên cạnh đó, được Bộ KH&CN phê duyệt triển khai thêm 1 đề tài mới: Ứng dụng công nghệ sản xuất các chế phẩm sinh học từ hèm rượu, cám gạo, phân trùn quế (Perionyx excavatus) phục vụ nông nghiệp tại tỉnh Long An.

Triển khai chính sách về KH&CN

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 163/2014/NQ-HĐND về Chính sách khuyến khích, hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và đổi mới công nghệ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, Sở KH&CN cấp kinh phí hỗ trợ 9 doanh nghiệp vừa và nhỏ với tổng kinh phí 205 triệu đồng, chủ yếu hỗ trợ các nội dung: Xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở; đăng ký chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy.

Cụm phối trộn vô cơ - hữu cơ - vi sinh thuộc nhà máy sản xuất phân bón của Dự án “Ứng dụng công nghệ sản xuất phân phức hợp hữu cơ vi sinh từ bùn đáy ao nuôi thủy sản và rơm rạ cho các loại cây trồng chính của tỉnh Long An”

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 164/2014/NQ-HĐND về “Chính sách hỗ trợ chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ công nghệ” năm 2016, hỗ trợ áp dụng 11 kết quả nghiên cứu, điển hình: Nhân rộng mô hình chăn nuôi heo ứng dụng đệm lót sinh học; sản xuất nguồn nấm xanh Metarhizium anisopliae (Ma) và ứng dụng sản phẩm trong quy trình quản lý rầy nâu hại lúa; mô hình ươn từ bột lên giống và nuôi thương phẩm cá trê vàng;... năm 2017, xét duyệt, đưa vào hỗ trợ áp dụng tiếp theo 14 kết quả nghiên cứu được nghiệm thu.

Nhằm phát huy tài sản trí tuệ trong điều kiện hội nhập quốc tế, Sở KH&CN tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch số 3644/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch hỗ trợ xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm sáng tạo và nhãn hiệu tập thể trên địa bàn tỉnh Long An, giai đoạn 2016-2020.

Một số tổ chức, cá nhân được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu điển hình: Ông Đinh Văn Sơn (huyện Cần Đước) đăng ký sáng chế cho “Máy ép sấy cám viên” và “Máy bắt rầy”; Cơ sở Chín Nghĩa (huyện Thủ Thừa) đăng ký giải pháp hữu ích “Máy phun thuốc liên hợp”; Công ty TNHH Hiệp Phát Long An (huyện Châu Thành) đăng ký giải pháp hữu ích “Dây chuyền rửa và xử lý bề mặt quả thanh long sau thu hoạch” và “Máy băm dây thanh long” tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Thực hiện Quyết định số 2068/QĐ-UBND, ngày 24-5-2016 của UBND tỉnh Long An về việc phê duyệt “Đề án Phát triển doanh nghiệp và thị trường KH&CN”, Sở KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức thành lập doanh nghiệp KH&CN, tổ chức KH&CN. Trong năm, cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN tăng thêm cho 6 doanh nghiệp, 5 tổ chức KH&CN. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 9 doanh nghiệp KH&CN; 8 tổ chức KH&CN.

Hoạt động KH&CN cơ sở

Hoạt động KH&CN cấp cơ sở năm 2016 đi vào chiều sâu. Công tác tổ chức, nguồn nhân lực quản lý KH&CN của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh được tăng cường. Kinh phí sự nghiệp khoa học được phân bổ theo hướng tăng dần hàng năm, giúp hoạt động KH&CN cơ sở ngày càng thuận lợi và đạt những kết quả tốt hơn, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương và của tỉnh.

Kỹ thuật thăm trứng trong đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất giống cá lóc quy mô nông hộ tại huyện Tân Thạnh”

Năm 2017, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về “Phát triển mạnh KH&CN, ứng dụng tiến bộ KH&CN của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, là yếu tố quyết định đến tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa”, Sở KH&CN phấn đấu triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và đổi mới công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa; tham mưu ban hành mới quy định quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phù hợp với thực tiễn; triển khai giải pháp tăng năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP), tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa; hoàn thành Đề án xã hội hóa Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học vùng Đồng Tháp Mười tại tỉnh Long An; xây dựng cơ sở dữ liệu về KH&CN của tỉnh Long An; đồng thời triển khai vào thực tiễn cuộc sống các đề án, chính sách được ban hành.

Song song đó, Sở KH&CN tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chuyên ngành, góp phần thực hiện thành công mục tiêu chung của tỉnh: “Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế, huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm 2016; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm; phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động đối phó với thiên tai; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đối ngoại; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước các cấp, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính”./.

Sở KH&CN - Gia Khang

Chia sẻ bài viết