Tiếng Việt | English

16/11/2015 - 19:38

ĐBQH Dương Trung Quốc phản ứng việc tích hợp môn Lịch sử

Ông Dương Trung Quốc: “Để Lịch sử đứng độc lập là môn riêng còn nan giải thì nay đem tích hợp thì sẽ mang lại hiệu quả ra sao?”.

Trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến, dự kiến tích hợp môn Lịch sử với môn Đạo đức – Công dân và Quốc phòng – An ninh thành môn mới là “Công dân với Tổ quốc” đã gây xôn xao dư luận trong thời gian qua.

Trao đổi với PV bên lề kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, đại biểu Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai) đã cho rằng đây chỉ là dự án của một nhóm tác giả do Bộ GD-ĐT chỉ đạo, chưa từng được lấy ý kiến rộng rãi mà đã tuyên bố như công cụ để thay thế.

ĐBQH Dương Trung Quốc trao đổi với PV tại hành lang Quốc hội

“Không phải giới lịch sử chúng tôi đề cao môn học này, mà trong bối cảnh tình hình đất nước, láng giềng, khu vực và quốc tế như hiện nay cho thấy vấn đề chủ quyền, hội nhập là rất hệ trọng. Vì thế, hơn bao giờ hết, không thể lãng quên lịch sử, đánh mất mình. Do vậy, nếu muốn thay đổi thì cần làm hết sức cẩn trọng, không thể làm đơn giản”, đại biểu Dương Trung Quốc bày tỏ.

Đại biểu cho hay, kết quả là nhiều người thất vọng với ý tưởng “khai tử” môn Lịch sử. Thất vọng không phải vì mọi người không ủng hộ Bộ GD-ĐT tìm ra phương hướng phát triển trong sự nghiệp trồng người, mà thất vọng vì 2 điều.

Thứ nhất, những gì mà Bộ GD-ĐT đã làm, tạo nên thực trạng dạy và học Sử hiện nay. Thứ hai là cách làm, cách triển khai. “Bộ GD-ĐT luôn lập luận không bỏ môn Lịch sử nhưng theo tôi, đó chỉ là cách nói và chúng tôi rất nghi ngờ”, đại biểu Dương Trung Quốc nêu vấn đề.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, Bộ GD-ĐT cần hết sức thận trọng. Dường như những người đưa ra ý tưởng và triển khai sự đổi mới này đã quá tự tin vào việc vận dụng mô hình tích hợp theo hướng giảm nhẹ áp lực học cho học sinh, đi sâu vào trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản.

Vấn đề dạy và học Lịch sử đã được báo động cách đây 2 thập kỷ, ở thời điểm năm 1996. Khi đó, báo chí cũng đã nhắc nhiều về vấn đề thờ ơ, lạnh nhạt với môn Lịch sử ngày càng trầm trọng.

“Mặc dù có nhiều lý do để dẫn đến tình cảnh này nhưng lẽ ra, thay vì Bộ GD-ĐT tăng cường cải thiện tình hình, khắc phục hạn chế để thúc đẩy môn Lịch sử, thì nay lại chủ trương thay đổi bằng một phương thức hoàn toàn mới. Dù môn Lịch sử vẫn được dạy ở một số môn học tích hợp, nhưng đến giai đoạn quan trọng nhất là bậc THPT thì lại tích hợp gộp 3 môn lại. Hơn nữa, mục tiêu đặt ra trong việc tích hợp môn Lịch sử cũng chưa được những người soạn thảo trình bày một cách thấu đáo” – đại biểu bức xúc.

Đại biểu Dương Trung Quốc thắc mắc, mục tiêu của tích hợp là gì thì Bộ GD-ĐT chưa lý giải được thấu đáo, hay chỉ đơn thuần là con số cộng. Mặt khác, để Lịch sử đứng độc lập là môn riêng còn nan giải thì nay đem tích hợp thì sẽ mang lại hiệu quả ra sao?

Hơn nữa, Bộ GD-ĐT muốn thay đổi bất cứ điều gì cũng cần căn cứ trên cơ sở luật pháp. Môn Giáo dục Quốc phòng - An ninh có hẳn Bộ luật riêng là Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, có thể gọi riêng, được định vị rõ ràng, nay lại xóa cả môn học như không có gì. Vì vậy, nhiều nhà sử học không tán thành cách ứng xử với môn Lịch sử của Bộ GD-ĐT theo kiểu “cái gì không làm được thì bỏ đi”.

“Chúng tôi mong muốn Bộ GD-ĐT nên tham khảo, tranh thủ ý kiến của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng như nhiều tổ chức liên quan trong quá trình xây dựng dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Ngay trong Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã có riêng một bộ phận giảng dạy Lịch sử.

Ngay cả tại hội thảo, những người tham dự trong đó có tôi, rất lấy làm thất vọng khi những ý kiến đóng góp từ giới sử học được đáp lại bằng việc đại diện bên soạn thảo luôn khẳng định cách làm của họ là đúng, không có gì sai” – ông Dương Trung Quốc nói.

Theo đại biểu Dương Trung Quốc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ lắng nghe và sẽ cho ý kiến rõ ràng trong buổi hội thảo riêng về vấn đề này vào giữa tháng 11/2015./

Lại Thìn/VOV.VN
 

Chia sẻ bài viết