Tiếng Việt | English

20/06/2015 - 14:50

ĐBSCL: Đào tạo 552 thạc sĩ, tiến sĩ tại nước ngoài về phục vụ quê hương

Ngày 19-6, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức hội nghị sơ kết đề án đào tạo 1.000 cán bộ khoa học kỹ thuật sau đại học ở nước ngoài cho 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL (Chương trình Mekong 1000).

Chương trình này được thực hiện theo Quyết định 6143/QĐ-BGD&ĐT ngày 31-10-2005 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, do Trường Đại học Cần Thơ khởi xướng và được sự đồng lòng của các địa phương vùng. Theo kế hoạch, tổng số thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo của Chương trình Mekong 1000 là 1.015 người (825 thạc sĩ và 190 tiến sĩ), kinh phí đào tạo do các địa phương tự đảm bảo gần 50 triệu USD.

Ông Lê Việt Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Tính đến nay, các tỉnh, thành phố trong khu vực đã gửi 552 người đi đào tạo sau đại học ở nước ngoài, tại 160 viện, trường của 23 quốc gia khắp 4 châu lục (trừ châu Phi và các vùng Nam Mỹ, Tây Á). Trong đó, nghiên cứu sinh có 50 người, còn lại là thạc sĩ. Tổng kinh phí đã sử dụng tương đương 19 triệu USD (chi phí đào tạo mỗi thạc sĩ là 34.208 USD, tiến sĩ 59.121 USD). Một số địa phương thực hiện tốt chỉ tiêu đào tạo như Sóc Trăng, TP Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Vĩnh Long…

Theo đánh giá của các đơn vị tiếp nhận người đã được đào tạo sau đại học ở nước ngoài, các ứng viên đều có phẩm chất, đạo đức tốt. Đặc biệt, đến nay có gần 400 ứng viên sau khi tốt nghiệp về nước được bố trí công việc thuận lợi, phát huy tốt năng lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và vùng ĐBSCL. Chỉ có 2% số ứng viên vì các lý do khác nhau như kết hôn tại nước ngoài trong thời gian du học, vì mục đích thu nhập kinh tế mà không nhận việc như cam kết ban đầu…/.

Huy Phong/SGGP Online

Chia sẻ bài viết