Tiếng Việt | English

16/09/2020 - 08:26

Để con được lớn

Việc giáo dục kỹ năng sống cho con vẫn là câu chuyện dài mà nhiều khi chính người trong cuộc lại không thực hiện được. Cách giáo dục, chăm lo cho con của một số phụ huynh đã vô tình biến con mình thành “gà công nghiệp”. Những ngày qua, khi các sinh viên đến trường làm thủ tục nhập học, nhiều bậc phụ huynh lại tất bật chuẩn bị cho con mọi thứ từ làm thủ tục đến ổn định nơi ăn, chốn ở. Không khó để nhận thấy hình ảnh các bậc cha mẹ lo làm thủ tục, đóng học phí,… thì những “cậu ấm, cô chiêu” vô tư chơi game, lướt web và mặc nhiên xem việc làm thủ tục nhập học cho mình là việc của cha mẹ.

Do được “chăm sóc” quá kỹ nên khi lên thành phố trọ học, nhiều em ngỡ ngàng, không thích nghi được với cuộc sống mới. Bên cạnh thay đổi môi trường học tập, sinh hoạt, giờ đây những “chú gà công nghiệp” còn phải tự lập nên gặp không ít khó khăn, có em sẽ không vượt qua được. Hỗ trợ con, một số bà mẹ lại tiếp tục bao bọc, gác lại công việc để “đi học” cùng con, lo cho con từng bữa ăn, giấc ngủ mặc dù các em đã bước sang tuổi 18. Những việc làm đó xuất phát từ tình yêu thương “vô bờ bến” của cha mẹ dành cho con cái, nhưng lại vô tình biến các con thành “gà công nghiệp”, thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn sống, thiếu cả bản lĩnh và ắt hẳn sẽ rất khó khăn trên bước đường lập thân, lập nghiệp. Tất nhiên, cha mẹ không thể làm thay con tất cả mọi việc và càng không thể ở bên cạnh để chăm sóc con đến suốt đời, vậy sao không giáo dục, trang bị những kỹ năng cần thiết để con có thể tự lo cho bản thân? Ai cũng phải trải qua những khó khăn, vấp ngã để trưởng thành hơn. Thế nên hãy để các con tự lập, tự chịu trách nhiệm càng sớm càng tốt.

ở các nước phương Tây, cha mẹ thường giáo dục tính tự lập cho con ngay từ khi còn rất nhỏ. Điều đó đã giúp các con không dựa dẫm và phụ thuộc vào cha mẹ. Người phương Tây thích ra ở riêng nếu có điều kiện, ngay từ khi vào đại học, các em có thể tự lo cho mình, thậm chí tự đi làm để trang trải cuộc sống mà ít cần đến sự hỗ trợ của gia đình. Trẻ em ở các nước phương Tây được trang bị kỹ năng sống ngay từ còn nhỏ nên dễ dàng thích nghi khi thay đổi môi trường sống và có tính tự lập rất cao.

Ở Việt Nam, do ảnh hưởng của nền văn hóa phương Đông nên cha mẹ thường xem con cái là tài sản quý. Vì là tài sản quý nên các con được chăm lo, bảo bọc từng ly từng tí dẫn đến việc thiếu tính tự lập và khó thích nghi với môi trường mới. Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi nhưng vẫn không tìm được việc làm bởi thiếu kỹ năng sống. Các em chỉ biết học tập, trau dồi kiến thức mà chưa rèn luyện cho mình những kỹ năng “mềm” nên khi làm việc, tiếp xúc với thực tế, không khỏi lúng túng, bỡ ngỡ và không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Hãy để con được lớn đúng với lứa tuổi của mình, đừng biến con thành “đứa trẻ to xác”, “không bao giờ lớn” mặc dù đã ở tuổi trưởng thành. Để các con tách rời sự hỗ trợ của cha mẹ, tự khẳng định năng lực bản thân là cách giúp con trang bị những kỹ năng cần thiết bước vào đời./.

Tâm An

Chia sẻ bài viết