Tiếng Việt | English

19/08/2015 - 05:12

Đề nghị mở rộng diện đại biểu dự thính tại các Kỳ họp Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 18/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội. Đây là nội dung sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết và dự kiến sẽ được áp dụng tại Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa XIV.

Sửa đổi để phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật

Sau hơn 12 năm thi hành, Nội quy Kỳ họp Quốc hội đã có đóng góp quan trọng đối với hoạt động của Quốc hội nói chung và nâng cao chất lượng các kỳ họp Quốc hội nói riêng; tạo cơ sở pháp lý để Quốc hội thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tại kỳ họp.

Tuy nhiên, để tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của kỳ họp Quốc hội, chất lượng, hiệu lực các quyết định của Quốc hội, bản Nội quy này cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tinh thần của Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội và nhiều đạo luật khác đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

Nội quy cũng cần được sửa đổi, thay thế các điều, khoản không còn phù hợp hoặc bổ sung các quy định mới để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Việc sửa đổi, bổ sung Nội quy Kỳ họp còn đảm bảo phù hợp với những đổi mới, cải tiến về công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, về quy trình, thủ tục thực hiện xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp theo hướng phát huy dân chủ, khoa học, tính chủ động, sáng tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan.

Gợi ý thảo luận tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, việc sửa đổi, bổ sung Nội quy Kỳ họp Quốc hội lần này kế thừa và phát triển những quy định trong bản Nội quy hiện hành và các văn bản pháp luật khác có liên quan; đồng thời cũng ghi nhận những cải tiến, đổi mới đã được thực tiễn kiểm nghiệm là hợp lý, đúng đắn, hiệu quả; khắc phục những hạn chế, bất cập của một số quy định hiện hành.

Nội quy (sửa đổi) lần này bao gồm các quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục cho việc tổ chức kỳ họp Quốc hội; quy định về thẩm quyền của chủ thể tiến hành một số thủ tục cụ thể trong các quy trình thực hiện tại kỳ họp Quốc hội.

Dự thảo Nội quy quy định dẫn chiếu đối với một số nội dung, nguyên tắc, trình tự, thủ tục đã được các luật khác quy định (như Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn,…).

Đề cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội

Tại lần cho ý kiến đầu tiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội. Một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo lưu ý đến việc bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Nội quy với quy định khác trong hệ thống pháp luật; đảm bảo tính khả thi cao; thực hiện thống nhất các nguyên tắc hoạt động của Quốc hội.

Một nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật tại kỳ họp; góp phần tích cực vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội nói riêng và hoạt động của Quốc hội nói chung.

Trong trường hợp không thể dự kỳ họp hoặc vắng mặt tại các phiên họp, đại biểu Quốc hội gửi văn bản đến Tổng thư ký Quốc hội, nêu rõ lý do và thời gian vắng mặt để báo cáo Chủ tịch Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng quy định này chưa đề cao được trách nhiệm của đại biểu Quốc hội.

“Đại biểu của nhân dân mà họp thấy hội trường vắng hoe. Cứ nói kiêm nhiệm nhưng có thành viên Chính phủ luôn có mặt, trừ khi đi công tác nước ngoài. Có những đại biểu chức trách không lớn lắm vẫn dự họp không thường xuyên. Do đó, quy định này cần chặt chẽ hơn,” ông Giàu đề nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, dự thảo cần đề cao trách nhiệm có mặt, tham dự các buổi làm việc trong Kỳ họp của đại biểu Quốc hội, tránh tình trạng nhiều phiên họp quá nhiều đại biểu vắng mặt. Việc điểm danh bằng thẻ đối với đại biểu Quốc hội cần có quy chế và chế tài đối với việc sử dụng thẻ.

Ngoài ra, quy định lý do vắng mặt tại kỳ họp phải được gửi bằng văn bản đến Tổng thư ký Quốc hội là chưa phù hợp mà trước tiên phải gửi trưởng đoàn đại biểu.

Tán thành quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng quy định về gửi lý do xin vắng mặt là chưa khả thi. Theo ông Dũng, cần phân loại vắng mặt bao lâu, một buổi, một ngày, dài ngày hay toàn kỳ họp để người xin vắng báo cáo Trưởng đoàn, Tổng thư ký kỳ họp hay Chủ tịch Quốc hội.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, không nên bố trí đại biểu Quốc hội đi công tác nước ngoài vào thời điểm diễn ra kỳ họp Quốc hội, trừ trường hợp đoàn cấp cao, cấp Nhà nước. Dự thảo cần quy định rõ trách nhiệm tham dự Kỳ họp của đại biểu Quốc hội để đảm bảo chất lượng Kỳ họp.

Mở rộng diện đại biểu dự thính

Quan tâm đến việc đẩy mạnh hơn nữa tính dân chủ đại diện trong hoạt động của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Ngô Đức Mạnh đề nghị, với sự đi vào hoạt động của Nhà Quốc hội, cần mở rộng diện đại biểu dự thính, cho phép người dân, nhất là thanh niên, thế hệ trẻ đến Nhà Quốc hội, chứng kiến các buổi làm việc của Quốc hội; qua đó, tạo điều kiện cho cử tri gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với các đại biểu của mình.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiển thì đưa quan điểm không nên quy định quá chi tiết các nội dung như trên vào Nội quy Kỳ họp mà chỉ nên ấn định những vấn đề mang tính nguyên tắc bởi, căn cứ vào tính chất của phiên làm việc mà Quốc hội có yêu cầu riêng.

Góp ý về dự thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị cần ấn định rõ thời gian đọc báo cáo, tránh tình trạng nhiều báo cáo quá dài dòng, đảm bảo thời lượng buổi làm việc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng gợi ý cơ quan soạn thảo xem xét, đưa vào áp dụng hình thức búa điều hành của Chủ tịch Quốc hội bởi đây là mô hình phổ biến tại nghị viện các quốc gia trên thế giới khi kết thúc, chốt các vấn đề bàn thảo.

Đây cũng là buổi làm việc cuối của Phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết