Tiếng Việt | English

05/08/2016 - 10:20

Để người tiêu dùng có sản phẩm sạch

Chưa bao giờ vấn đề an toàn thực phẩm được người tiêu dùng, nhất là các bà nội trợ đặc biệt quan tâm như hiện nay. Mặc dù giá các loại thực phẩm sạch cao hơn từ 5-10% so với thị trường nhưng thực phẩm sạch vẫn được nhiều người tin dùng. Để người tiêu dùng có sản phẩm sạch, cần có những nơi cung cấp có uy tín và ổn định.

Chợ Lifsap - nơi cung cấp sản phẩm chất lượng, an toàn

Dự án Lifsap (Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)) do Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam tài trợ với tổng kinh phí 79 triệu USD chính thức đi vào hoạt động từ năm 2010 và kéo dài trong vòng 6 năm (đến năm 2015). Mục tiêu của Dự án Lifsap là nhằm tạo ra sản phẩm chăn nuôi có chất lượng và năng suất cao, bảo đảm tiêu chuẩn ATVSTP, giúp người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm chăn nuôi sạch, an toàn.

Các chợ Lifsap được đầu tư khang trang, sạch sẽ nhằm tạo điều kiện đưa nguồn thực phẩm sạch đến người tiêu dùng

Hiện tại, vùng GAHP có 38 nhóm GAHP với 718 hộ chăn nuôi heo và gà tham gia thuộc 12 xã của 4 huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc. Các nhóm GAHP được tổ chức sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm; đào tạo, tập huấn, tham quan học tập, thực hành quy trình chăn nuôi tốt; hỗ trợ trang thiết bị chăn nuôi và hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa chuồng trại.

Những năm gần đây, ngành chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung. Người dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi và từng bước thay đổi thói quen truyền thống sang hướng chăn nuôi theo công nghệ cao. Chuỗi liên kết sản phẩm chăn nuôi sạch từ trang trại, cơ sở giết mổ đến chợ của Dự án Lifsap ở Long An được triển khai từ vùng chăn nuôi an toàn của 4 huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước và Cần Giuộc. Ông Nguyễn Thanh Cảnh, ở xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ là một trong những hộ chăn nuôi heo trong nhóm GAHP cho biết: "Từ trước đến nay, nông dân thường chăn nuôi theo thói quen, chưa thực sự quan tâm đến các quy trình chăn nuôi khép kín. Từ khi tham gia vào nhóm GAHP, nông dân phải tuân thủ các quy định theo hướng dẫn để cho ra sản phẩm chất lượng. Từ đó, đầu ra sản phẩm ổn định hơn, thu nhập cũng cao hơn. Quan trọng hơn là nông dân muốn góp một phần trong việc đưa sản phẩm sạch đến người tiêu dùng nhằm bảo đảm sức khỏe cho họ".

Tại chợ Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Hưng), những quầy bán thịt tươi sống được nâng cấp ngăn nắp, sạch sẽ nhờ Dự án Lifsap. Chợ có vòi rửa tại chỗ, hệ thống chiếu sáng và hệ thống cấp, thoát nước hợp vệ sinh, hầm xử lý nước thải và nhà vệ sinh công cộng thuận tiện. Ngoài ra, chợ còn có máy bơm xịt rửa áp lực nên dễ dàng vệ sinh sau mỗi buổi chợ. Bà Hà Thị Bé Hai, tiểu thương ở chợ Vĩnh Hưng cho biết: "Thịt heo bán tại đây có nguồn gốc rõ ràng. Mỗi con heo khi giết mổ đưa ra thị trường, đều được đóng dấu kiểm tra thú y đầy đủ và phần lớn có bấm thẻ tai để truy xuất nguồn gốc".

Chị Nguyễn Thị Thu, một người tiêu dùng phấn khởi: "Từ khi chợ Lifsap ở Vĩnh Hưng được nâng cấp, chúng tôi rất yên tâm khi đi chợ mua thực phẩm bởi thịt ở đây đều là thịt tươi, được bày bán trên các sạp sạch sẽ, có nước rửa tại chỗ, có mua thịt xay sẵn cũng không còn e ngại ".

Dự án Lifsap còn đầu tư, nâng cấp các cơ sở giết mổ tại TP.Tân An và huyện Tân Trụ; cải tạo, nâng cấp các chợ bán thịt: Chợ phường 2 (TP.Tân An), chợ Cần Giuộc, Cần Đước, Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa,... Việc nâng cấp khu bán thực phẩm tại các chợ góp phần cải thiện điều kiện ATVSTP cũng như vấn đề xử lý và quản lý chất thải tại các chợ; giúp tiểu thương nâng cao nhận thức về vệ sinh cá nhân, vệ sinh chợ, khu kinh doanh thịt, vận chuyển thịt, bảo vệ môi trường trong kinh doanh thịt, công trình công cộng để tự bảo vệ sức khỏe cho người kinh doanh và người tiêu dùng tại các chợ.

Đến người tiêu dùng

Là 1 trong 12 tỉnh tham gia dự án Lifsap, Long An có nhiều chuyển biến trong phát triển chăn nuôi, cung cấp sản phẩm chăn nuôi đến người tiêu dùng. Đàn vật nuôi được kiểm soát chặt từ khâu chọn giống, thức ăn, nước uống, dịch vụ thú y, ghi chép nhật ký tăng trưởng đến xuất bán sản phẩm, hạch toán kinh tế,... là những điều dường như còn xa lạ với chăn nuôi nông hộ trước khi triển khai dự án.

Phương thức hỗ trợ của Dự án Lifsap là hỗ trợ trực tiếp 100% vốn cho các hộ kinh doanh. Các tiểu thương kinh doanh thịt tại các chợ chỉ trả một phần nhỏ chi phí cho việc duy trì hoạt động vệ sinh chợ hàng ngày. Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiêm Phó Giám đốc Dự án Lifsap Long An - Huỳnh Thị Kim Phượng cho biết: Đến nay, dự án hỗ trợ nâng cấp, nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng khu bán thực phẩm tươi sống tại các chợ: Vĩnh Hưng, Cần Đước, Cần Giuộc, Mộc Hóa và Bến Lức,...
Dự án xây dựng được 4 vùng GAHP áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn, hỗ trợ xây dựng 960 hầm biogas xử lý chất thải trong chăn nuôi; nâng cấp 24 chợ thực phẩm tươi sống và hỗ trợ nâng cấp 9 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.

Một trong những điểm nổi bật của Dự án Lifsap là ngoài việc tập huấn chăn nuôi thực hành tốt thì việc nâng cấp, sửa chữa các chợ được dự án chú trọng. Qua đó, có 24 chợ với 707 quầy được nâng cấp với kinh phí trên 30 tỉ đồng, trong đó, kinh phí cho mỗi chợ thấp nhất 700 triệu đồng, nhiều nhất 3 tỉ đồng. Riêng 9 cơ sở giết mổ được dự án hỗ trợ nâng cấp có công suất thấp nhất từ 50 con heo/ngày đêm và 3.000 con gia cầm/ngày đêm; cao nhất là 300 con heo/ngày đêm.

Đầu tư chăn nuôi theo quy trình khép kín

Từ khi tham gia vào nhóm GAHP, nông dân phải tuân thủ các quy định theo hướng dẫn để cho ra sản phẩm chất lượng. Từ đó, đầu ra sản phẩm ổn định hơn, thu nhập cũng cao hơn. Quan trọng hơn là nông dân muốn góp một phần trong việc đưa sản phẩm sạch đến người tiêu dùng nhằm bảo đảm sức khỏe cho họ.

Ông Nguyễn Thanh Cảnh (xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ)

Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án, sản phẩm từ chăn nuôi theo hướng GAHP chưa có sự khác biệt về giá bán so với những sản phẩm không theo GAHP nên một số hộ e ngại, chưa mạnh dạn đầu tư. Bên cạnh đó, một số chợ thực phẩm thuộc Dự án Lifsap trong quá trình vận động vẫn tồn tại một số hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới: Khâu vận hành chưa tốt, chưa thật sự mang lại hiệu quả, chưa đáp ứng mục tiêu của dự án, chưa chấp hành đúng quy định cam kết tham gia dự án như: Còn tình trạng hộ tiểu thương buôn bán bên ngoài (bỏ khu vực nâng cấp), chưa bảo đảm vệ sinh, thậm chí có chợ mất vệ sinh nghiêm trọng,... Qua hoạt động này, Ban Quản lý dự án nhận thấy, nơi nào được chính quyền địa phương và ban quản lý chợ quan tâm, đôn đốc thực hiện thì nơi đó chợ được vận hành tốt.

Để góp phần hiệu quả trong việc tạo chuỗi cung ứng sản phẩm sạch, ngoài việc được Dự án Lifsap đầu tư, các ngành chức năng, ban quản lý các chợ cần quan tâm hơn nữa đến hoạt động kinh doanh của các tiểu thương khi đăng ký vào buôn bán, tránh tình trạng đăng ký tràn lan, nhưng chỉ lác đác vài hộ vào bán.

Được biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trong quá trình khảo sát địa điểm, nếu thuận tiện sẽ mở nhiều điểm bán thực phẩm sạch gồm rau, thịt gia súc, gia cầm ở các chợ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các địa điểm thuộc TP.Tân An sẽ được ưu tiên thực hiện trước nhằm góp phần đem đến thực phẩm sạch cho người tiêu dùng./.

Song Hồng-Mai Hương

Chia sẻ bài viết