Tiếng Việt | English

13/03/2019 - 14:47

Để phát triển phong trào đờn ca tài tử

Huyện Cần Đước, tỉnh Long An là nơi Nghệ nhân - Nhạc sư Nguyễn Quang Đại dừng chân truyền dạy nhạc, đào tạo nhiều thế hệ học trò tài danh, góp phần truyền bá phong trào đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ. Trong những năm tháng chiến tranh, mặc dù gặp nhiều khó khăn, người dân huyện Cần Đước luôn duy trì phong trào ĐCTT. Từng lời ca, tiếng đờn không chỉ giúp nhiều người giải trí sau một ngày lao động vất vả mà còn thắp lên tình yêu quê hương, đất nước, tình nghĩa bạn bè,...

Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh được tổ chức tại Cần Đước là hoạt động góp phần duy trì phong trào đờn ca tài tử của địa phương

Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh được tổ chức tại Cần Đước là hoạt động góp phần duy trì phong trào đờn ca tài tử của địa phương

Cần Đước thuận lợi để phong trào ĐCTT phát triển vì nơi đây có nhiều nghệ nhân am hiểu và tham gia hoạt động ĐCTT, có mối quan hệ thân thiết với giới văn nghệ sĩ TP.HCM. Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT của huyện được hình thành, thu hút đông đảo nghệ nhân, nghệ sĩ và người dân tham gia. Ngoài CLB của huyện, các xã đều có đội, nhóm tham gia sinh hoạt, giao lưu hàng tuần, hàng tháng. Nhiều bạn trẻ hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp cũng bắt đầu từ các đội, nhóm ĐCTT của địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây, do khán giả tiếp cận nhiều loại hình nghệ thuật, giải trí khác và không gian hoạt động của ĐCTT bị hạn chế nên phong trào thu hẹp dần. CLB ĐCTT của huyện gần như không còn duy trì, chỉ còn một số người tham gia sinh hoạt tại CLB xã Long Hòa, phần lớn là người lớn tuổi, về hưu. Liên hoan ĐCTT Nam bộ tỉnh được tổ chức tại Cần Đước trong nhiều năm gần đây chỉ có sự xuất hiện của những tên tuổi quen thuộc như Tín Nghĩa, Kim Hoa, Huyền Trân,... mà không có những gương mặt trẻ, trong khi nhiều ban ĐCTT các tỉnh, thành đến dự liên hoan có nhiều tài tử trong độ tuổi thiếu nhi. Điều đó cho thấy yếu tố kế thừa của huyện Cần Đước là một hạn chế hiện nay.

Liên hoan ĐCTT Nam bộ tỉnh những năm gần đây được tổ chức khá chu đáo, Ban Tổ chức luôn cố gắng thay đổi hình thức giao lưu, biểu diễn và được các đơn vị tham gia đánh giá cao nhưng trong các đêm giao lưu, hầu như chỉ có thành viên các ban đờn ca còn khán giả đến xem không nhiều. Điều này cũng có thể lý giải do ĐCTT khá kén khán giả nên việc ít khán giả đến xem liên hoan cũng là điều dễ hiểu. Có một thực tế đáng lo là số lượng nghệ nhân am hiểu về ĐCTT trên địa bàn huyện ngày càng ít, những nghệ nhân trụ cột của phong trào ĐCTT huyện như nghệ nhân Út Hinh, Năm Giai, Tư Bền, Nghệ sĩ ưu tú Ba Tu,... đều qua đời. Thế hệ kế tiếp am hiểu bộ môn ĐCTT của huyện như nghệ nhân Út Bù, Tám Toàn, Thạch Văn Đây,... đã bước vào tuổi 70, trong khi đó, tài tử đờn, tài tử ca vững vàng bài bản rất ít. Qua đó, cho thấy sự hụt hẫng về đội ngũ kế thừa và nếu không có giải pháp tích cực thì việc duy trì, phát triển phong trào ĐCTT của huyện sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Để duy trì, phát triển phong trào ĐCTT, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, lãnh đạo tỉnh có định hướng lâu dài, riêng huyện Cần Đước - nơi được xem là chiếc nôi của phong trào ĐCTT, cần sớm có kế hoạch trong việc duy trì, phát triển phong trào, tạo điều kiện để nghệ nhân, nghệ sĩ hoạt động, đồng thời tổ chức giới thiệu, quảng bá ĐCTT, có chế độ hỗ trợ những nghệ nhân dân gian, hỗ trợ các CLB sinh hoạt, tổ chức giao lưu, mở lớp dạy đờn ca,... góp phần giữ gìn các bài bản nhạc lễ, nhạc tài tử nhằm tiếp tục duy trì phong trào./.

Kim Khánh

Chia sẻ bài viết