Tiếng Việt | English

04/05/2016 - 14:22

Đề phòng virus Zika xuất hiện trở lại trùng với dịch sốt xuất huyết

Phun thuốc diệt muỗi phòng chống lây truyền virus Zika và dịch sốt xuất huyết. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 1/5, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết Bộ Y tế đã tổ chức họp Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC) nhằm tăng cường chia sẻ thông tin và đánh giá nguy cơ dịch bệnh do virus Zika tại Việt Nam trong thời gian tới để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh do virus Zika phù hợp với tình hình dịch.

Tham gia cuộc họp có đại diện các vụ, cục trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện và đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hoa kỳ (CDC).

Tại cuộc họp, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, đến ngày 28/4, đã ghi nhận 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lưu hành hoặc có sự lây truyền virus Zika, trong đó có 55 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục ghi nhận có sự lây truyền của virus Zika do muỗi truyền.

Tại Việt Nam, theo báo cáo từ các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur và các địa phương, kết quả giám sát trọng điểm và tại cộng đồng cho thấy chưa phát hiện thêm trường hợp mới nhiễm virus Zika.

Tuy nhiên, sau khi phân tích các thông tin về tình hình dịch bệnh trên thế giới, đặc điểm sự phân bố, lưu hành muỗi Aedes (một loại muỗi vừa truyền bệnh sốt xuất huyết, vừa truyền bệnh do virus Zika), các chuyên gia nhận định: Có thể do đặc điểm virus Zika tại Việt Nam thuộc phân tuýp khu vực châu Á, không hoàn toàn giống với phân tuýp virus Zika khu vực châu Mỹ Latinh nên không bùng phát thành dịch lớn với mức độ lây lan nhanh.

Song trong thời gian tới hoàn toàn có thể sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh mới rải rác tại một số địa phương nơi lưu hành dịch bệnh sốt xuất huyết cao, đặc biệt có thể gia tăng trùng với mùa dịch sốt xuất huyết sắp đến gần.

Cục Y tế dự phòng khẳng định: Hiện nay, cả nước đang áp dụng mức độ cảnh báo ở mức độ hai theo Kế hoạch hành động phòng chống dịch bệnh do virus Zika nhằm tăng cường phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới, không chủ quan trước tình hình dịch bệnh.

Thời gian tới, các đơn vị liên quan thuộc Bộ Y tế tiếp tục cảnh giác cao với dịch bệnh do virus Zika; đồng thời, đẩy mạnh việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm xác định virus Zika để phát hiện sớm, xử lý kịp thời ổ dịch; thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động truyền thông cho cộng đồng, thực hiện các chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) để phòng bệnh.

Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai hoặc chuẩn bị mang thai thực hiện các biện pháp tránh bị muỗi đốt, chủ động theo dõi sức khỏe, khám thai định kỳ; nếu có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ở quan y tế để được khám, tư vấn và chẩn đoán điều trị kịp thời; không nên tự ý đi xét nghiệm xác định khi chưa có ý kiến tư vấn của cán bộ y tế.

Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới và các tổ chức quốc tế để tiếp tục hoàn thiện, cập nhật các tài liệu hướng dẫn chuyên môn trong giám sát, phòng chống, đáp ứng với dịch bệnh do virus Zika; đồng thời thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống để phổ biến tới các cán bộ y tế, người dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

Trước đó, liên quan đến các trường hợp nhiễm virus Zika, Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ đã cùng thống nhất về mặt khoa học, virus Zika là một trong các nguyên nhân gây ra chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh; tuy nhiên có rất ít thông tin ghi nhận về các trường hợp sảy thai hoặc thai chết lưu ở những phụ nữ nhiễm virus Zika.

Tại Mỹ năm 2016 ghi nhận 2 trường hợp sảy thai, tại Brazil trong năm 2015-2016 ghi nhận 235 trẻ chết trong thời gian mang thai hoặc sau sinh (gồm xảy thai hoặc chết non) trong số 7.015 trường hợp có chứng đầu nhỏ hoặc biến chứng thần kinh (ước tính trong khoảng thời gian từ cuối năm 2015 đến nay Brazil ghi nhận khoảng 400.000 đến 1.300.000 trường hợp nhiễm virus Zika).

Thai lưu là tình trạng thai bị chết mà còn lưu lại trong tử cung trên 48 giờ. Đây là một bệnh lý phức tạp, thường gặp ở các nước trên thế giới.

Tại châu Á, tỷ lệ thai lưu chiếm 25-40/1000 trường hợp đẻ sống. Tại Việt Nam, tỷ lệ này chiếm khoảng 10/1.000 ca đẻ sống và đặc biệt cao ở phụ nữ nhóm tuổi 20-30 (59,9% số trường hợp)...

Thai lưu do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có một số nguyên nhân chính từ bệnh lý của người mẹ, nhiễm trùng hoặc nhiễm độc thai nghén trong quá trình mang thai, tuy nhiên có từ 20-50% số trường hợp thai chết lưu không tìm thấy nguyên nhân./.  

Thu Phương/Vietnam+

 

Chia sẻ bài viết