Tiếng Việt | English

08/02/2019 - 10:05

Để thanh long “bay” xa

Long An có trên 10.000ha thanh long, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành (hơn 8.500ha); sản lượng đạt hơn 200.000 tấn/năm. Từ khi trái thanh long xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, cuộc sống của người trồng ngày được cải thiện, có điều kiện đón tết đủ đầy, sung túc hơn.

Ngồi trong ngôi nhà mới khang trang, đầy đủ tiện nghi, ông Trần Văn Năm (xã Long Trì, huyện Châu Thành) kể về hành trình “đổi đời” nhờ thanh long. 10 năm trước, với hơn 1ha đất nông nghiệp, ông phải quần quật quanh năm trồng lúa, hoa màu nhưng chỉ đủ ăn. Sau chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở tỉnh Bình Thuận, ông quyết định chuyển toàn bộ diện tích đất lúa, hoa màu sang trồng thanh long. Ông Năm bộc bạch: “Sau một thời gian cực khổ chăm sóc, vụ thanh long đầu tiên cho trái. Tuy giá còn bấp bênh, đầu ra chưa ổn định nhưng vẫn thu lãi cao hơn trồng lúa. Điều này giúp tôi có thêm động lực bám trụ với cây thanh long”. Hiện nay, ông Năm trồng thanh long theo hướng VietGAP, sản phẩm tham gia xuất khẩu, lợi nhuận mang về cao hơn, cuộc sống trở nên khá giả. Vụ tết, với hơn 1ha thanh long ruột đỏ, sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi gần 500 triệu đồng.

Thanh long Long An tham gia xuất khẩu sang thị trường của 25 nước và vùng lãnh thổ

Tết này, ông Phan Kim Truyết (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) phấn khởi khi vườn thanh long ruột tím hồng hơn 1ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP vừa thu hoạch trúng mùa, được giá. Theo ông, tham gia sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao, nông dân không còn bón phân gà tươi, ghi chép nhật ký sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý hơn trong quản lý dịch bệnh. Đặc biệt, việc ứng dụng tưới tiết kiệm giúp nông dân giảm được chi phí nhân công lao động, điện, nước,...

Hiện nay, thanh long Long An được nhiều khách hàng ưu chuộng, xuất khẩu sang thị trường của 25 nước và vùng lãnh thổ. Tuy vậy, cũng như nhiều loại nông sản khác, thanh long vẫn dễ rơi vào tình trạng “được mùa - rớt giá”, nhất là phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc - nơi tiêu thụ gần 80% lượng thanh long xuất khẩu. Vì vậy, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng, sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là yêu cầu cấp thiết hiện nay. 

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, nhằm xây dựng thương hiệu cho cây thanh long, tỉnh có kế hoạch phát triển ổn định vùng thanh long, trong đó xây dựng 3.000-4.000ha xuất khẩu kết hợp tiêu chuẩn hóa và hệ thống kho vận, chợ nông sản. Đặc biệt, tỉnh chọn huyện Châu Thành triển khai Đề án sản xuất 2.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đến nay, huyện thực hiện trên 1.300ha với 2.260 hộ tham gia, đạt 65% kế hoạch. 

Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tỉnh tập trung các giải pháp phát triển đồng bộ nhằm đổi mới phương thức sản xuất, chuyển đổi từ các hộ cá thể thành liên kết hợp tác, xây dựng hợp tác xã; hướng dẫn người dân tiếp tục ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho thanh long với mục tiêu phát triển thanh long trở thành thương hiệu quốc gia, góp phần tham gia xuất khẩu vào các thị trường khó tính: Châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc,.../.

Sông Măng

Chia sẻ bài viết