Tiếng Việt | English

31/07/2020 - 15:14

Để trẻ em có tuổi thơ an toàn

Hiện nay, các vụ xâm hại trẻ em xảy ra ngày càng nhiều, gây bức xúc, lo lắng cho các bậc cha mẹ. Vì vậy, sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các tổ chức xã hội, ban, ngành, đoàn thể, nhà trường trong việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em rất cần thiết.

Hãy cho trẻ tuổi thơ an toàn, vui tươi

Hãy cho trẻ tuổi thơ an toàn, vui tươi

Hầu hết các em khi bị xâm hại tình dục đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti, nên không dám chia sẻ, tố giác kẻ phạm tội. Nhiều bậc phụ huynh đôi khi vì e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên cũng không tố giác kẻ phạm tội. Nhằm tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ, người dân chung tay phòng, chống xâm hại trẻ em, Câu lạc bộ (CLB) Phòng, chống xâm hại trẻ em được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An thành lập vào tháng 9-2018 với 19 thành viên gồm các ngành, đoàn thể huyện, xã và hiệu trưởng các trường. Sau thời gian thực hiện, mô hình đã phát huy hiệu quả, việc chăm sóc trẻ em được cộng đồng quan tâm hơn.

Hội LHPNVN huyện chọn xã Phước Lý và Trường THCS Nguyễn Văn Chính (xã Phước Lý) làm điểm thực hiện mô hình. Theo đó, Hội phối hợp các thành viên, tổ chức nhiều buổi truyền thông về kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh từ khối lớp 6-9 (khoảng 800 học sinh tham gia); tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề giữa phụ huynh, học sinh,... Qua đây, giúp phụ huynh học sinh hiểu rõ hơn về những điều con mình cần, nhất là trẻ bước vào tuổi dậy thì cũng như góp phần nâng cao nhận thức của trẻ em trong việc tự vệ bản thân mình.

Chủ tịch Hội LHPNVN huyện Cần Giuộc - Huỳnh Thị Tuyết Hồng cho biết: “Hội thường tổ chức họp với sự tham dự của đông đảo học sinh, giáo viên và thành viên CLB Phòng, chống xâm hại trẻ em. Qua đây, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi có biểu hiện bạo lực, xâm hại trẻ em”.

“Ngoài việc tuyên truyền, giáo dục các em về kỹ năng tự bảo vệ, CLB cũng phối hợp Huyện đoàn tổ chức các hoạt động ngoại khóa, nhất là cho các em xây dựng tiểu phẩm với nội dung phòng, chống xâm hại trẻ em, kỹ năng tự bảo vệ,…” - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Chính - Võ Thanh Tuấn thông tin.

Từ khi thực hiện mô hình đến nay, xã Phước Lý chưa phát hiện trường hợp trẻ em nào bị xâm hại và bạo lực gia đình. Năm 2019, Hội LHPNVN huyện phối hợp Công an huyện, Hội LHPN xã nhân rộng mô hình tại các xã: Long Hậu, Phước Vĩnh Tây, Đông Thạnh.Mới đây, Hội tổ chức ra mắt mô hình Phòng, chống xâm hại trẻ em tại Trường THCS Nguyễn Thị Bảy. Ở đây, Hội tiếp tục phối hợp các ngành chức năng tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến trẻ em cũng như trang bị cho các em kiến thức tự bảo vệ bản thân mình thông qua các buổi sinh hoạt hàng quí lồng ghép vào các buổi chào cờ đầu tuần của tháng.

Việc bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em không thể giao phó, trông chờ vào trách nhiệm và sự nỗ lực của các sở, ngành mà cần có sự phối hợp đồng bộ của các tổ chức chính trị, xã hội, gia đình, nhà trường và mỗi người dân. Hiện tại, nhiều địa phương trong tỉnh triển khai các mô hình, hoạt động nhằm tuyên truyền mọi tầng lớp nhân dân,bảo đảm quyền lợi trẻ em. Điển hình là Tổ phụ nữ phòng, chống xâm hại trẻ em ở ấp 4, xã Vĩnh Công do Hội LHPNVN huyện Châu Thành thành lập vào tháng 9/2019. Theo Chủ tịch Hội LHPNVN huyện - Nguyễn Thị Bích Tuyền, nhiệm vụ chính của tổ là tuyên truyền pháp luật, vận động hộ gia đình bảo đảm quyền lợi trẻ em, không xâm hại cũng như bạo lực trẻ em.

Xâm hại trẻ em là hành vi không thể dung thứ trong đời sống xã hội. Nếu cơ quan chức năng làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình, quyết liệt thực hiện tốt, đầy đủ chính sách, pháp luật thì có thể xem là giải pháp hiệu quả trong phòng, chống xâm hại trẻ em hiện nay./.

Hà Lan

Chia sẻ bài viết