Tiếng Việt | English

05/05/2020 - 10:33

Để vụ lúa Hè Thu hiệu quả

Lúa vụ Đông Xuân 2019-2020 được thị trường tiêu thụ với giá khá tốt, tạo tâm lý phấn khởi cho nông dân bước vào vụ Hè Thu (HT) 2020. Tuy hạn, mặn vẫn còn xảy ra xen lẫn phòng, chống dịch Covid-19 nhưng nông dân không hoang mang, việc sản xuất vẫn diễn ra bình thường.

Xuống giống tập trung

Đến nay, toàn tỉnh gieo sạ được hơn 94.000ha lúa HT 2020 (kế hoạch 217.640ha), trong đó thu hoạch khoảng 8.300ha, tập trung chủ yếu ở các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười. Huyện Tân Hưng, đã gieo sạ hơn 35.100ha lúa HT. Các trà lúa đang phát triển tốt. Anh Trần Thanh Tâm, ngụ xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng, chia sẻ: “Vụ HT 2020, gia đình tôi gieo sạ gần 6ha. Hiện lúa được hơn 10 ngày tuổi, phát triển khá tốt, chưa phải phun thuốc trừ sâu, bệnh lần nào. Song vụ này, chi phí sản xuất sẽ tăng cao do nắng nóng gay gắt, tôi phải thường xuyên bơm tưới cho lúa và tăng lượng phân bón. Rút kinh nghiệm từ những vụ trước, vụ này, tôi tuân thủ lịch thời vụ nhằm né rầy, bảo đảm năng suất”.

Nông dân tuân thủ gieo sạ lúa vụ Hè Thu 2020 đúng lịch thời vụ

Còn anh Nguyễn Anh Huy, ngụ cùng địa phương, cho biết: “Vụ này, chi phí dự kiến tăng ít nhất từ 1-2 triệu đồng/ha so với vụ Đông Xuân do phải tốn chi phí bơm nước và tăng lượng phân bón. Thời gian qua, nhờ Nhà nước quan tâm đầu tư hệ thống kênh, mương nội đồng nên đỡ lo thiếu nước sản xuất...”. Vụ này, trời nắng nóng, đồng ruộng dễ bị khô nước nên nông dân không chỉ tốn chi phí bơm tưới mà còn lo cỏ dại phát triển mạnh. Theo anh Huy, sản xuất lúa vụ HT không chỉ gặp bất lợi về thời tiết, thủy văn mà chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,... cũng tăng. Lúa vụ HT lại không trúng mùa bằng vụ Đông Xuân nên nông dân khó có lợi nhuận cao. “Sản xuất lúa vụ HT nhiều năm nay, tôi lời khoảng 1 triệu đồng/0,1ha. Tuy nhiên, nếu không tiếp tục làm lúa vụ này thì tôi không biết làm gì để kiếm thêm thu nhập, chuyển sang trồng màu thì sợ không có đầu ra! Nếu bỏ trống ruộng thì cỏ mọc um tùm lại phải tốn nhân công và chi phí diệt cỏ. Hy vọng, vụ này bán lúa được giá để bù khoản chi phí tăng” - anh Huy nói thêm.

Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ, huyện luôn quan tâm, theo dõi sát tình hình thời tiết, thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo tình hình dịch bệnh để chỉ đạo xuống giống, bảo vệ và chăm sóc tốt lúa HT của nông dân; thường xuyên thông tin diễn biến hạn, xâm nhập mặn và sâu, bệnh để người dân biết và chủ động ứng phó; chủ động rà soát, kiểm tra tình hình nguồn nước tại các tuyến kênh để có kế hoạch nạo vét kịp thời, bảo đảm nguồn nước tưới. Bên cạnh đó, huyện tập trung nguồn lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho nông dân về sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” nhằm bảo đảm hiệu quả sản xuất; tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật tư nông nghiệp để ổn định giá bán và ngăn ngừa tình trạng giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả, kém chất lượng. Cùng với đó, nông dân tuân thủ lịch thời vụ, xuống giống tập trung né rầy và phòng tránh thiếu nước, xâm nhiễm mặn. Ngành nông nghiệp huyện tăng cường công tác khuyến nông, phối hợp các địa phương hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng lúa như bón phân cân đối, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”, an toàn và hiệu quả, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, quy trình canh tác “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM),... Cán bộ tổ kinh tế kỹ thuật xã cùng nông dân thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện, xử lý những bất thường, bất lợi trong sản xuất lúa.

Còn tại huyện Tân Thạnh, vụ lúa HT 2020 đã xuống giống được 24.800ha, trong đó thu hoạch 6.000ha, hơn 15.000ha lúa giai đoạn đòng trổ và đẻ nhánh,... Trà lúa đang phát triển tốt, ít sâu, bệnh. Tuy nhiên, thời gian qua, tình hình xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến việc sản xuất của người dân. Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Lê Thanh Đông cho biết: “Hiện các ngành chuyên môn và các xã, thị trấn cử cán bộ thường xuyên cùng nông dân ra đồng để nắm bắt và xử lý kịp thời tình hình sâu, bệnh, đặc biệt là theo dõi thời tiết, nguồn nước để có kế hoạch trữ nước ngọt tưới, tiêu cho lúa, huy động mọi phương tiện, tận dụng mọi điều kiện để trữ nước ngọt. Đồng thời, vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng thật kỹ nhằm hạn chế cỏ dại, lúa chét, chuột, ốc bươu vàng; cày vùi rơm rạ kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học giúp tăng độ phì cho đất, hạn chế ngộ độc hữu cơ, cắt đứt mầm sâu, bệnh lây lan”.

khuyến cáo nhà nông

Hiện nay, nguồn nước ở đầu nguồn xuống rất thấp và dự báo mùa mưa năm nay đến trễ, khoảng giữa tháng 5-2020. Do đó, ngành chức năng tỉnh phối hợp các địa phương quản lý, vận hành đóng, mở cống thủy lợi phù hợp, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất, hạn chế tình trạng thiếu nước đầu vụ, nạo vét những kênh, mương nội đồng đã cạn, bồi lắng để tăng khả năng trữ nước ngọt bơm tưới cho lúa. Để tập trung chỉ đạo, bảo đảm sản xuất lúa vụ HT 2020 hiệu quả, hạn chế sự lây truyền của các đối tượng gây hại cũng như nguy cơ tác động của khô hạn, xâm nhập mặn,... vừa qua, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2076/UBND-KTTC về việc chỉ đạo sản xuất lúa HT và Thu Đông 2020. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo rà soát, bố trí kế hoạch xuống giống lúa HT hợp lý, bảo đảm thời gian cách ly với vụ Đông Xuân ít nhất 3 tuần. Lịch gieo sạ đợt 2 từ ngày 13 đến 23-5-2020, đợt 3 từ ngày 13 đến 25-6-2020. Các địa phương khuyến cáo nông dân xuống giống phù hợp với diễn biến nguồn nước tại các vùng chủ động được nước, vùng có nguy cơ thiếu nước, vùng có khả năng ảnh hưởng lũ sớm và theo lịch né rầy. Đối với những vùng bị nhiễm mặn, trước khi gieo sạ cần chú ý cày xới rửa mặn; các vùng không chủ động được nguồn nước, sử dụng chủ yếu là nước mưa thì kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại.

Nông dân chăm sóc lúa Hè Thu

Về cơ cấu giống, khuyến nghị ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường xuất khẩu, chú ý các giống phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn. Nhóm giống lúa chủ lực: OM 4900, OM 5451, nếp, Đài thơm 8, Nàng Hoa 9, ST, RVT, OM 6976,… Sử dụng các giống lúa chống chịu hạn, phèn mặn trung bình - khá: AS996, OM 5451, OM 6976, OM 1352,... cho những vùng khó khăn về nước tưới, chịu ảnh hưởng phèn, mặn,… Trong quá trình canh tác, cần chú ý kỹ để phát hiện sớm và chủ động phòng trừ sâu, bệnh.

Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Ngành chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường phối hợp các địa phương theo dõi tình hình rầy nâu vào đèn để dự tính, dự báo chính xác và hiệu quả; đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật như “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), trong đó chú trọng tuyên truyền thường xuyên việc giảm lượng giống gieo sạ, lượng giống gieo sạ khuyến cáo khoảng 100kg/ha; theo dõi các diễn biến thời tiết bất thường (mưa bão đầu vụ, cuối vụ) để đề xuất biện pháp hỗ trợ khắc phục, tránh thiệt hại nặng đến năng suất lúa. Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước đầu vụ và cuối vụ để thông tin kịp thời đến cơ quan chuyên môn, người sản xuất lúa. Đồng thời, dự phòng xây dựng các phương án, tổ chức thực hiện phòng, chống hạn, mặn, bão lụt, ngập úng, khắc phục hậu quả thiên tai; rà soát, tu bổ đê bao, cống, bọng, trạm bơm, đập thoát nước, vận hành và bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất lúa vụ HT 2020 hiệu quả, an toàn”.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết