Tiếng Việt | English

16/09/2017 - 21:16

Đêm rực lửa

Trung tâm Huấn luyện biệt kích Hiệp Hòa (bên cạnh Chi khu Đức Huệ) là 1 trong 2 căn cứ quân sự thuộc loại lớn nhất Nam bộ thời kỳ đó. Chiến thắng trận Hiệp Hòa như mở ra thế phá ấp chiến lược của địch tại Long An. Chỉ mấy tháng sau đó, sau ngày 23/11/1963 lịch sử ấy, nối tiếp trận Hiệp Hòa, quân và dân Long An tiêu diệt thêm nhiều đồn bót địch, mở ra một vùng giải phóng rộng lớn, liên hoàn trong toàn tỉnh...

Trận đánh điển hình của 3 mũi giáp công

Đầu năm 1963, Mỹ - Diệm áp dụng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” nhằm bình định các vùng nổi dậy. Long An thuộc vùng trọng điểm đặc biệt mà chính quyền Ngô Đình Diệm xác định là “ưu tiên số một” của chương trình ấp chiến lược. Địch tăng cường nhiều lực lượng tinh nhuệ cùng phương tiện chiến tranh về Long An, đồng thời tập trung lực lượng tiến hành nhiều cuộc càn quét, cưỡng bức, gom dân vào các ấp chiến lược hòng cô lập với cách mạng, phá vỡ thế trận chiến tranh nhân dân. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Long An đưa ra phương hướng chỉ đạo nhằm đánh bại âm mưu bình định của địch: “Phá toàn bộ ấp chiến lược của địch, mở rộng căn cứ, khôi phục lại thế của vùng giải phóng, tạo điều kiện đẩy chiến tranh nhân dân lên một bước mới...”.

Mục tiêu trong tầm ngắm là căn cứ Hiệp Hòa, Trung tâm Huấn luyện biệt kích có quy mô vào loại lớn nhất ở miền Nam và là nơi đào tạo cán bộ khung đại đội biệt kích ngụy, do cố vấn Mỹ trực tiếp huấn luyện, đồng thời là một cứ điểm quân sự hiện đại, khống chế vùng căn cứ cách mạng ở Đức Huệ và án ngữ khu vực ngã ba của trục hành lang nối liền Đông Nam bộ - Đông Nam Campuchia và Đồng bằng sông Cửu Long. Đại đội 1 Cơ động - tiền thân của Tiểu đoàn 1 Long An, được giao nhiệm vụ chủ công trong trận đánh căn cứ Hiệp Hòa.

Đêm 22/11/1963, lực lượng công đồn gồm 4 đại đội, trong đó có 2 đại đội đặc công, 1 đại đội DDK75 của Quân khu 8 tăng cường, 1 phân đội hỏa lực cối 82. Đại đội 2 của tỉnh mới thành lập nên làm nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài. Theo kế hoạch, khi chiếm lĩnh trận địa, đặc công của ta sẽ cắt các hàng rào thép gai, dẫn xung kích tiến sâu vào tiếp cận mục tiêu. Đúng 0 giờ, đồng chí Vũ Điệp - Chỉ huy phó điểm đánh, dẫn tổ bộc phá đánh vào lô cốt. Bắt được ám hiệu, nội tuyến Ba Tô quay trở vào lô cốt quay nòng khẩu đại liên vào trong. Một nội tuyến khác dùng đèn pha rọi về trung tâm căn cứ. Đúng lúc này, một tiểu đội biệt kích đi tuần tra tới, quát hỏi um sùm. Khi chúng còn cách khoảng 6-7m, đặc công và nội tuyến đồng loạt nổ súng tiêu diệt gọn rồi ôm bộc phá xung phong vào khu nhà chỉ huy Mỹ. Khu nhà này chất các thùng đạn cao ngất ngưởng nên khi mìn nổ kéo theo cả “tường thành” này nổ tung. Điện tắt toàn bộ, đài thông tin vô tuyến điện của địch cũng bị phá hủy. Căn cứ Hiệp Hòa rực lửa.

Chớp thời cơ, bộ binh tràn vào, các mũi xung kích đánh ào ạt khiến địch không kịp trở tay. Chỉ trong khoảng nửa giờ đồng hồ, căn cứ biệt kích Hiệp Hòa bị tiêu diệt. Gần 90 tên địch bị tiêu diệt, hơn 100 tên bị bắt sống, thu gần 800 súng các loại và gần 4 tấn đạn các loại. Số tù binh bắt được, cán bộ binh vận tỉnh Long An phối hợp bộ đội chỉ giáo dục rồi thả ngay tại chỗ. Riêng 4 cố vấn Mỹ được áp tải bằng xuồng máy về căn cứ của tỉnh...

Trong trận đánh vào căn cứ huấn luyện của Mỹ - ngụy cách đây hơn 50 năm, số người tham gia còn lại giờ đếm chưa đầy bàn tay. Với ý định ban đầu tìm gặp người chỉ huy trận đánh ấy là ông Nguyễn Văn Chiểu (Tư Chiểu) - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An, để nghe ông kể lại chuyện chiến đấu và chiến thắng oanh liệt trong trận Hiệp Hòa, thế nhưng không thực hiện được bởi một người quen cho biết: “Ông Tư Chiểu nay không khỏe lắm, nhưng còn một người tham gia trận đánh ấy nữa, đó là ông Ngô Văn Phê - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh”.


Ông Ngô Văn Phê (sinh năm 1943), nhân chứng lịch sử, kể lại diễn biến trận đánh vào trại huấn luyện của Mỹ tại Hiệp Hòa đêm 22 rạng sáng ngày 23/11/1963

Tiếp chúng tôi tại văn phòng Hội Luật gia tỉnh vào một buổi sáng, bên tách trà nóng, ông Ngô Văn Phê (sinh năm 1943) cho biết: “Năm 1963, Mỹ - Diệm triển khai quyết liệt “Ấp chiến lược”. Từ đầu, chúng có ý định chia cắt khu Đức Hòa, Đức Huệ của tỉnh Long An nhập vào Củ Chi, Trảng Bàng để thành lập tỉnh mới Hậu Nghĩa. Địch xây dựng trại huấn luyện ở Hiệp Hòa và xem đây là căn cứ quân sự lớn nhằm khống chế hành lang Đông - Tây làm bàn đạp đánh vào vùng căn cứ của ta ở khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia. Tuy nhiên, ngày 23/11/1963, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, quân và dân Long An tiến hành cuộc tập kích đánh vào trại huấn luyện biệt kích của Mỹ - ngụy, lập nên chiến công hiển hách. Đây là trận thắng lớn có tiếng vang trên chiến trường Nam bộ và cả miền Nam lúc bấy giờ”.

Đổi thay trên quê hương anh hùng

Bí thư Đảng ủy thị trấn Hiệp Hòa - Lại Văn Huông thông tin: “Hiện nay, thị trấn Hiệp Hòa có 670ha đất sản xuất nông nghiệp, năng suất lúa bình quân 6,5-7 tấn/ha. Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn chỉnh. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. 5 khu phố của thị trấn đều được công nhận khu phố văn hóa, 100% số hộ đăng ký gia đình văn hóa (1.196 hộ), thu nhập bình quân đầu người 24 triệu đồng/năm. Thời gian qua, dù còn không ít khó khăn trong việc vận động người dân hiến đất để đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, các công trình phúc lợi xã hội, nhưng với sự tích cực tuyên truyền của các tổ chức chính trị - xã hội, mọi người đều đồng tình hưởng ứng”.

Ông Trần Văn Dân, ngụ khu phố 4, chia sẻ: “Sự thay đổi lớn nhất của người dân ở đây chính là tập quán sản xuất. Trước đây, từ việc sản xuất nhỏ, lẻ, giống lúa chất lượng thấp, nay người dân tự nguyện đăng ký tham gia cánh đồng lớn, xây dựng vùng lúa chất lượng cao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất hướng đến mục tiêu xuất khẩu, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Lãnh đạo địa phương hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình 3 giảm - 3 tăng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên đời sống của người dân ngày càng khá lên. Ngoài cây lúa, nông dân còn chuyển sang một số loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao như chanh, ổi,...”.

Một góc thị trấn Hiệp Hòa đổi thay sau 54 năm chiến thắng trận Hiệp Hòa và sau 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Còn ông Nguyễn Văn Thành (76 tuổi), ngụ khu phố 2, cho biết: “Ngày xưa, dù cuộc sống nghèo khó, bọn giặc hung ác tàn phá quê hương nhưng người dân thị trấn Hiệp Hòa vẫn anh dũng bám trụ, kiên trung với cách mạng, nuôi giấu cán bộ, không hề sợ hy sinh, mất mát bằng tất cả lòng quyết tâm, tùy theo sức người mà chiến đấu dù với vũ khí thô sơ. Phát huy truyền thống anh hùng, ngày nay, người dân thị trấn Hiệp Hòa tích cực lao động, sản xuất để làm giàu trên chính quê hương mình”.

54 năm trôi qua sau đêm 22 rạng sáng ngày 23/11/1963 lịch sử ấy, thị trấn Hiệp Hòa ngày nay luôn phát huy truyền thống hào hùng. đời sống của người dân đang từng ngày đổi mới, thế nhưng, ký ức về những năm tháng chiến tranh vẫn không phai mờ trong lòng người dân nơi đây. Họ luôn tự hào về quê hương anh hùng của mình góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc./.

Hoàng Lê

 

Chia sẻ bài viết