Tiếng Việt | English

09/01/2019 - 14:39

Đến năm 2030, Long An có 4 vùng phát triển nông, lâm, ngư nghiệp

Ngày 09/01, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Long An tổ chức Hội nghị Công bố quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển nông, lâm, ngư nghiệp tỉnh đến năm 2030.

Đại biểu lắng nghe công bố điều chỉnh quy hoạch

Theo Quyết định số 4711/QĐ-UBND, ngày 14/12/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển nông, lâm, ngư nghiệp đến năm 2030, Long An có 4 vùng phát triển nông, lâm, ngư nghiệp để đầu tư kết cấu hạ tầng.

Theo đó, vùng I (vùng Đồng Tháp Mười) có diện tích tự nhiên 198.000ha (đất nông nghiệp 160.000ha), gồm toàn bộ thị xã Kiến Tường, các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và 3 xã phía Tây huyện Thạnh Hóa. Định hướng phát triển lúa gạo chất lượng cao xuất khẩu, mở rộng diện tích luân canh lúa - màu, tăng diện tích cây ăn quả ở những khu vực có đê bao kiểm soát lũ triệt để; ổn định diện tích tràm hiện có, phát triển chăn nuôi trang trại heo, gà ở những khu ngập nông, giao thông thuận lợi; nuôi trâu, bò dọc biên giới; nuôi vịt chuyên trứng; phát triển bền vững nuôi thủy sản nước ngọt.

Vùng II (Đức Huệ, Bến Lức, Thủ Thừa và Thạnh Hóa) có diện tích tự nhiên 103.000ha (đất nông nghiệp 96.000ha), gồm toàn bộ huyện Đức Huệ, phần phía Bắc kênh Thủ Thừa - huyện Thủ Thừa, 3 xã phía Tây sông Vàm Cỏ Đông - huyện Bến Lức và các xã còn lại của huyện Thạnh Hóa. Định hướng phát triển vùng chanh, một số cây đặc sản, lúa chất lượng cao ở những nơi có điều kiện phù hợp, đẩy mạnh phong trào luân canh lúa - màu trên vùng đất xám Đức Huệ. Duy trì diện tích tràm hiện có làm nguyên liệu cho chế biến lâm sản. Nuôi trâu thịt ở Đức Huệ, phát triển trang trại heo, gà đất ở những nơi ngập nông, nuôi thủy sản và thủy đặc sản.

Giám đốc Sở NN&PTNT - Lê Văn Hoàng trao báo cáo điều chỉnh quy hoạch nông, lâm, ngư nghiệp cho các địa phương

Vùng III (vùng ven đô TP.Tân An) có diện tích tự nhiên 40.000ha (đất nông nghiệp 35.000ha), gồm toàn bộ TP.Tân An, huyện Tân Trụ, Châu Thành, các xã phía Nam kênh Thủ Thừa, phía Tây sông Vàm Cỏ Tây - huyện Thủ Thừa. Định hướng phát triển bền vững ngành hàng thanh long xuất khẩu, ưu tiên trồng lúa nếp và lúa đặc sản. Sản xuất lúa giống cung ứng cho vùng Đồng Tháp Mười, hình thành vùng chuyên canh rau an toàn ở TP.Tân An. Phát triển thuỷ đặc sản, thủy sản nước lợ, chăn nuôi bò sữa, gà đất, gà thả vườn. Phát triển nông nghiệp ven đô.

Vùng IV (vùng giáp ranh TP.HCM) có diện tích tự nhiên 106.000ha (đất nông nghiệp 60.000ha), gồm huyện Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc và các xã phía Đông của huyện Bến Lức. Định hướng hình thành vùng rau an toàn phát triển theo hướng GAP, khôi phục diện tích trồng đậu phộng. Duy trì diện tích trồng bắp làm thức chăn nuôi, bắp giống. Phát triển đàn bò sữa, nuôi bò thịt, trâu thịt, chăn nuôi gà công nghiệp; ổn định diện tích nuôi thủy sản nước lợ; phát triển nhanh mô hình nông nghiệp ven đô.

Bên cạnh đó, Quyết định số 4711/QĐ-UBND còn quy định rõ cách thức thực hiện quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 3467/QĐ-UBND, ngày 24/9/2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nông, lâm, ngư nghiệp tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; giao cho các sở, ban, ngành, địa phương liên quan thi hành quyết định này./.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết