Tiếng Việt | English

04/02/2019 - 09:22

Đi để trở về

Được học tập, làm việc tại nước ngoài là điều không phải ai trong chúng ta cũng có cơ hội trải nghiệm bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, từ năng lực bản thân, điều kiện kinh tế và cả sự may mắn,... Bên cạnh nhiều du học sinh (DHS) quyết định bám trụ nơi xứ người thì cũng có không ít người luôn quyết tâm mang kiến thức, kinh nghiệm trở về phục vụ quê hương bởi họ luôn tâm niệm “đi để trở về”.

Anh Trương Như Ý, từng là du học sinh tại Anh, hiện công tác tại Sở Khoa học và Công nghệ

Anh Trương Như Ý, từng là du học sinh tại Anh, hiện công tác tại Sở Khoa học và Công nghệ

Không đắn đo trước điều kiện phát triển, khả năng tiến thân tại nước ngoài, nhiều DHS sau khi hoàn thành chương trình vẫn một lòng hướng về quê hương. Anh Trương Như Ý - Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An, là một người như thế! Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Cơ điện tử, gia đình khó khăn, chàng kỹ sư trẻ chưa bao giờ dám nghĩ đến một ngày được du học. Năm 2011, tình cờ biết thông tin về Chương trình Mekong 1000, anh nộp hồ sơ và may mắn trúng tuyển. Không chỉ vậy, anh còn nhận được học bổng cao học 10.000 bảng Anh (tương đương 300 triệu đồng lúc bấy giờ) ngành Cơ khí công nghệ cao từ Trường Sheffield Hallam, Vương quốc Anh.

Tháng 5/2013, anh về nước và công tác tại Sở Khoa học và Công nghệ với công việc phù hợp những gì được học tập như quản lý, đánh giá trình độ công nghệ các dự án đầu tư, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, quản lý phát triển thị trường về khoa học - công nghệ, quản lý an toàn bức xạ hạt nhân,... Anh chia sẻ: “Được tiếp cận nền giáo dục tiên tiến, tôi không chỉ tiếp thu kiến thức, trải nghiệm cuộc sống mà còn dần thay đổi tư duy, rèn luyện tác phong công nghiệp để ứng dụng, làm việc hiệu quả tại quê nhà. Tôi sẽ nỗ lực nâng cao kiến thức, nghiệp vụ, đóng góp công sức nhỏ bé của mình vì sự phát triển của quê hương”.

Chị Nguyễn Thị Kim Nguyên từng du học tại New Zealand, là giáo viên Tiếng Anh tại Trường THPT Chuyên Long An

Chị Nguyễn Thị Kim Nguyên từng du học tại New Zealand, là giáo viên Tiếng Anh tại Trường THPT Chuyên Long An

Tương tự, chị Nguyễn Thị Kim Nguyên - giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Chuyên Long An, cũng học cao học tại New Zealand. Với nền giáo dục tiên tiến của các nước phát triển, bên cạnh kiến thức, chị còn học được sự năng động, phong cách giảng dạy chú trọng thực hành, sáng tạo để học sinh tiếp thu bài hiệu quả. Khi trở về tiếp tục công tác, chị càng quan tâm đến học sinh, thường xuyên đổi mới, tổ chức các hoạt động thực tế, tạo môi trường thực hành thường xuyên để học sinh thêm dạn dĩ. Với những nỗ lực của mình, năm nào, học trò của chị nói riêng, đội tuyển tiếng Anh của trường nói chung cũng đạt thành tích tốt, mang về nhiều giải thưởng đáng tự hào, nhất là các giải thưởng cấp quốc gia.

“Với tôi, được hỗ trợ đi học và trở về, tôi phải có nghĩa vụ “báo đáp” cho quê hương. Điều đó thể hiện bằng chính tâm huyết bản thân xây đắp mỗi ngày, tôi sẵn sàng truyền đạt hết những gì đã tiếp thu được cho thế hệ trẻ, lan tỏa, “tiếp lửa” để các em cùng chung tay vì sự phát triển của tỉnh nhà” - chị chia sẻ.

Bên cạnh những người đã trở về, nhiều DHS vẫn đang miệt mài học tập với ước mơ cháy bỏng sớm trở về phục vụ quê hương. Với chị Trần Ngọc Uyển, trước khi du học tại Trung Quốc từ tháng 9/2017, chị là Phó Bí thư Tỉnh đoàn. Hiện tại, chị là nghiên cứu sinh ngành Giáo dục học, Trường Đại học Tây Nam, thành phố Trùng Khánh. Khi nhận được học bổng từ Chính phủ Trung Quốc - một cơ hội, vinh dự lớn nhưng chị cũng đắn đo nhiều vì con trai chỉ mới 10 tuổi. Tuy nhiên, cơ hội này không phải dễ dàng có được, do đó, chị vẫn quyết tâm “lên đường” để hoàn thiện bản thân. Có lẽ, hiểu được sự vất vả của mẹ, từ khi chị đi xa, con trai tuổi còn nhỏ nhưng ngày càng tự lập.

Chị Trần Ngọc Uyển (người ngồi, áo đỏ) cùng thầy cô và bạn bè tại Trung Quốc

Tuy xa quê nhưng chị thường đọc tin tức về Việt Nam, nhất là Long An. Theo kế hoạch, chị sẽ hoàn thành chương trình vào tháng 7/2021. Nhớ gia đình, nhất là con trai, nhớ quê, chị biến tất cả thành động lực học tập, đạt thành tích thật tốt để nhanh chóng trở về đúng kế hoạch, không phụ niềm tin của lãnh đạo và tình cảm của những người thân yêu nơi quê nhà. 

Chị xúc động: “Tôi được tin tưởng, tạo điều kiện để nâng cao trình độ nên luôn tâm niệm phải cố gắng hết mình. Sau khi về nước, dù được phân công, sắp xếp ở vị trí nào, tổ chức nào, tôi cũng sẽ chấp hành và nỗ lực làm việc, chọn lọc kiến thức được học một cách phù hợp để phục vụ công việc. Lúc này, tôi đang rất nôn nao được sớm về quê ăn tết cùng gia đình. Càng đi xa thì nỗi nhớ quê lại càng khắc khoải. Với tôi, xuân quê hương luôn là mùa xuân đẹp nhất, hạnh phúc nhất!”.

Những người đã và đang là DHS có tâm nguyện được trở về quê hương, mỗi người có chuyên môn, ngành nghề khác nhau nhưng cùng có điểm chung là ấp ủ những hoài bão cao đẹp, mong muốn cống hiến cho quê nhà. Thật ngưỡng mộ và trân trọng những tài năng và tấm lòng luôn hướng về Tổ quốc, dù đi xa vẫn khao khát trở về. Và quê nhà cũng sẽ dang rộng vòng tay chào đón, trân trọng tâm huyết để những người con ưu tú phát huy sức trẻ, năng lực, góp phần đắp xây thật nhiều mùa xuân cho Tổ quốc./.

Cát Tường

Chia sẻ bài viết