Tiếng Việt | English

16/05/2017 - 11:40

Di tích lịch sử, di sản quý cần được bảo tồn

Di tích lịch sử - văn hóa là những nguồn sử liệu cung cấp cho mọi người thông tin quan trọng về trang sử hào hùng của ông cha. Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa đang được các cấp, các ngành quan tâm, hướng đến phục vụ giáo dục truyền thống quê hương, là nơi tham quan du lịch, nghiên cứu khoa học,...

Công trình bia lưu niệm (xây dựng năm 1984 nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất Nguyễn Thông)

Long An là địa phương có nhiều di tích mang giá trị truyền thống về văn hóa - lịch sử, trong đó, nhiều di tích lịch sử được trùng tu, tôn tạo: Khu Di tích lịch sử cách mạng tỉnh, Khu Tượng đài Long An “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”, Khu di tích Vàm Nhựt Tảo, miễu Ông Bần Quỳ,...

“Tuy nhiên, còn nhiều khu di tích khác được quy hoạch nhưng vẫn chưa được trùng tu, tôn tạo - do nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo đối với các di tích được xếp hạng còn hạn chế so với yêu cầu thực tế” - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Long An - Phạm Kim Bửu cho biết.

Nhắc đến Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, không ít người nghĩ đến mảnh đất từng hứng chịu mưa bom, bão đạn trong 2 thời kỳ kháng chiến. 42 năm sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, nơi đây giờ như được khoác lên mình chiếc áo mới. Những đồng lúa trải dài, những đầm tôm hứa hẹn vụ mùa bội thu, trường học được đầu tư xây dựng, đường giao thông thuận lợi,...

Tất cả được dệt nên từ sự chung sức, chung lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Nơi đây, có 2 địa danh khá nổi tiếng là miễu Ông Bần Quỳ và Đám lá tối trời.

Miễu Ông Bần Quỳ là nơi thờ ông Mai Công Hương, một tấm gương trung liệt thời chúa Nguyễn. Ngôi miễu nhỏ này được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 1993. Kỷ niệm 310 năm ngày Mai Công Hương tuẫn tiết, năm 2014, miễu Ông Bần Quỳ được xây dựng mới thay ngôi miễu cũ xuống cấp.

Bí thư Đảng ủy xã Nhựt Ninh - Lê Văn Trường chia sẻ: “Miễu Ông Bần Quỳ được xây dựng mới làm cho người dân Nhựt Ninh rất đỗi vui mừng. Ngôi miễu được xây dựng mới quay mặt ra nơi hợp lưu của sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Tuy miếu được xây mới nhưng quần thể khu di tích chưa hoàn thiện, đặc biệt, bờ kè chưa được đầu tư nên nước sông tiếp tục làm xói mòn khu vực ngôi miễu”.

Ngôi miễu Ông Bần Quỳ được xây dựng mới nhưng quần thể di tích chưa hoàn thiện, đặc biệt, bờ kè quanh ngôi miếu chưa được xây dựng nên nước sông tiếp tục xâm thực khu vực ngôi miễu

Ngoài miễu Ông Bần Quỳ, Nhựt Ninh còn có địa danh nổi tiếng là Đám lá tối trời. Đây là căn cứ quan trọng trong hệ thống liên hoàn các căn cứ kháng chiến của tỉnh Long An trong suốt 30 năm kháng chiến (1945-1975).

Năm 1948, thực dân Pháp huy động lực lượng lớn, dùng xe bọc thép và tàu chiến bao vây căn cứ với ý đồ tiêu diệt lực lượng cách mạng đang trú đóng nơi đây.

Tuy nhiên, mọi cuộc hành quân của chúng đều thất bại vì gặp phải địa hình phức tạp, dưới thì sình lầy, trên thì rừng lá dừa nước âm u, rậm rạp, khó tìm được lối ra nếu không thông thạo địa hình.

Vì thế, lính Pháp gọi đây là Đám lá tối trời và cũng từ lúc này, Đám lá tối trời trở thành một địa danh nổi tiếng gắn liền với lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trên đất Long An. Tuy được công nhận là di tích lịch sử và có quy hoạch nhưng đến nay, Đám lá tối trời cũng chưa được phục dựng vì chưa có kinh phí.

Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An - Huỳnh Văn Chùm thông tin, trên địa bàn xã có 2 di tích lịch sử rất nổi tiếng là Bia chiến thắng miễu Bà Cố (nơi ghi dấu chiến thắng giặc Pháp của quân và dân cùng Tiểu đoàn 309 trong cuộc kháng chiến “chín năm” trường kỳ đầy hy sinh, gian khổ) và Khu Di tích lịch sử Nguyễn Thông.

Nếu như Bia chiến thắng miễu Bà Cố được trùng tu, tôn tạo thì Khu Di tích lịch sử Nguyễn Thông được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Quốc gia vào năm 2001 vẫn chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Theo ông Chùm, khu di tích được quy hoạch, giải tỏa trên diện tích khoảng 2.000m2. Hiện nay, khu vực này tuy được xây dựng hàng rào bảo vệ xung quanh nhưng vẫn còn dang dở.

Theo lời ông Chùm, trước đây trên nền đất cũ, khu vực nhà cụ Nguyễn Thông còn khá nhiều vật dụng gia đình sử dụng như những khối đá ong to, lu đựng nước, hũ sành,... nhưng nay bị thất lạc. Đây là điều đáng tiếc.

Bia đá cẩm thạch do chính Nguyễn Thông tạo lập năm 1868, loại bia một mặt có kiểu dáng và trang trí mang phong cách mỹ thuật thời Nguyễn. Nội dung bia xác định vị trí các ngôi mộ, năm sinh, năm mất và một bài minh ca ngợi công đức thân sinh ông là Nguyễn Hanh

“Di tích lịch sử - văn hóa là di sản quý báu, là một bộ phận quan trọng của di sản văn hóa dân tộc. Những vết tích qua thời gian được lưu lại là nguồn sử liệu trực tiếp, cung cấp cho chúng ta những thông tin quan trọng về trang sử hào hùng của ông cha ta, những thế hệ đi trước trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, di tích lịch sửcần sớm được trùng tu, tôn tạo nhằm giúp thế hệ trẻ nhận thức đúng về các sự kiện, nhân vật lịch sử để nâng cao lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước” - ông Huỳnh Văn Chùm cho biết như thế!

Mai Hương

Chia sẻ bài viết