Tiếng Việt | English

12/07/2019 - 08:24

Đi tìm đầu ra cho nông sản

Hiện nay, nông dân trong tỉnh đang thu hoạch lúa Hè Thu 2019. Tuy nhiên niềm vui không đến, trái lại, nông dân lo lắng vì năng suất lúa không cao, giá thấp và việc tiêu thụ cũng gặp khó khăn. Hiện giá lúa bán tại ruộng bằng hoặc cao hơn giá thành sản xuất chỉ vài trăm đồng/kg, thấp hơn giá lúa cùng kỳ khoảng 1.500 đồng. Với mức giá này thì nông dân không có lãi, thậm chí còn lỗ vốn. Trong khi đó, giá lúa liên tục giảm…

“Được mùa, mất giá” luôn là nỗi lo, điệp khúc buồn của người nông dân khi vào vụ thu hoạch nông sản. Thành quả lao động “một nắng hai sương” của nông dân hiện còn phụ thuộc vào thị trường và thương lái. Trong báo cáo sơ kết tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm 2019, UBND tỉnh cũng nhận xét: Sản xuất nông nghiệp chưa ổn định, còn khó khăn, dịch bệnh trên đồng ruộng diễn biến phức tạp. Tình hình tiêu thụ nông sản còn khó khăn, chưa ổn định, giá các nông sản như lúa, mía, chanh,.. thấp hơn so với cùng kỳ. 

Thời gian qua, nhiều cây trồng, vật nuôi được áp dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho các nông sản chủ lực của tỉnh tiếp tục được tỉnh quan tâm, triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức như tổ chức hội chợ, hội thảo kết nối cung - cầu trong tỉnh, ngoài tỉnh, nước ngoài; trong tỉnh đã xây dựng được nhiều điểm bán nông sản an toàn. Nhiều địa phương quan tâm xây dựng “cánh đồng lớn” ký kết hợp đồng liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản. Qua đó, việc tiêu thụ nông sản có khá hơn.

Tuy nhiên, vấn đề này không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tuy đạt kết quả bước đầu nhưng trong triển khai thực hiện còn khó khăn như việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm trong một số mô hình vẫn còn tình trạng không tuân thủ hợp đồng liên kết, ảnh hưởng đến việc nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả; ý thức người dân trong việc sản xuất sản phẩm sạch, an toàn còn hạn chế; một số tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp hoạt động còn yếu về năng lực quản lý, khoa học - kỹ thuật, tài chính,...

Để giải quyết vấn đề đau đầu “được mùa, mất giá” thì phải tăng cường liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nông và cả nhà băng). Trước hết, Nhà nước phải hỗ trợ nông dân về hạ tầng kỹ thuật trong sản xuất như giao thông - vận tải, thủy lợi, điện, trạm bơm, khoa học - kỹ thuật, thông báo thời vụ, chính sách thu mua; thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện liên kết. Tỉnh tiếp tục thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo kế hoạch, tập trung xây dựng các hợp tác xã điểm trên 3 cây và 1 con gắn với việc tăng cường khuyến cáo, vận động, hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất theo mô hình, hợp tác xã điểm, bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật và tuân thủ các cam kết, hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Nhà khoa học thì giúp nhà nông cải thiện, nâng cao chất lượng giống, năng suất, chất lượng sản phẩm, biện pháp canh tác và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho vay vốn, tránh để nông dân sa vào tín dụng đen, vay nóng, vay lãi suất cao. Doanh nghiệp thì liên kết với nhà nông trong hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm, cung ứng giống, vật tư,...

Riêng nhà nông phải thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất nhỏ, lẻ, manh mún, tự phát sang sản xuất lớn, liên kết (tổ hợp tác, hợp tác xã). Phải bảo đảm gieo sạ theo lịch thời vụ; tìm tòi, nghiên cứu, học tập, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cần cù, thường xuyên thăm đồng. Nông dân cần tích cực tham gia chuỗi sản xuất an toàn, bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới để cải thiện chất lượng cuộc sống./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết