Tiếng Việt | English

02/08/2018 - 09:14

Địa phương chịu trách nhiệm chính về xử lý vấn nạn lục bình

Nhiều năm qua, người dân vùng sông nước, nhất là vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An bức xúc vì vấn nạn lục bình gây cản trở dòng chảy, ảnh hưởng giao thông thủy,...

Lục bình cản trở giao thông thủy, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy (Ảnh chụp tại sông Vàm Cỏ Tây thuộc địa bàn xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Hóa)

Lục bình cản trở giao thông thủy, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy (Ảnh chụp tại sông Vàm Cỏ Tây thuộc địa bàn xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Hóa)

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - Lê Quốc Dũng cho biết: Nhiều nhà khoa học nghiên cứu, tìm biện pháp hạn chế sự phát triển của lục bình nhưng chủ yếu vẫn là cơ giới hóa và thu hoạch đúng lúc. Việc thu hoạch đúng thời điểm đòi hỏi quyết tâm cao, huy động nhiều nguồn lực tham gia, sự chủ động của chính quyền địa phương và người dân. Vì vậy, chủ trương phân cấp việc xử lý lục bình cho chính quyền cơ sở là đúng đắn”.

Cũng theo ông Lê Quốc Dũng, qua việc thử nghiệm thiết bị thu hoạch lục bình của Công ty CP Mía đường Thành Thành Công (tỉnh Tây Ninh), trong 1 giờ, máy có thể thu hoạch khoảng 30 tấn lục bình và cỏ rác, chi phí 20.000-30.000 đồng/tấn. Máy có giá trị khoảng 2,6 tỉ đồng, được nhập từ Trung Quốc (có cải tiến). Theo phân tích của Sở KH&CN, vào mùa cao điểm, ước tính tổng khối lượng lục bình, cỏ rác, xác động vật chết, túi nylon,... khoảng 700.000-1.000.000 tấn. Như vậy, chi phí trục vớt, thu hoạch lục bình lên đến gần 30 tỉ đồng.

Sau khi trình diễn cắt vớt lục bình và cỏ với mật độ dày đặc trên kênh Hậu, xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh, Công ty CP Mía đường Thành Thành Công phối hợp Sở KH&CN nghiên cứu, cải tiến, hoàn thiện thiết bị vớt lục bình.

Theo ông Lê Quốc Dũng, khâu quan trọng nhất hiện nay là cải tiến những bộ phận của máy nhằm giảm giá thành xuống còn hơn 1 tỉ đồng/máy để phù hợp với điều kiện ngân sách của các địa phương vùng Đồng Tháp Mười.

Được biết, tại kỳ họp lần thứ 10, HĐND tỉnh vừa qua, lãnh đạo tỉnh giao trách nhiệm chính xử lý vấn nạn lục bình cho các địa phương. Trước mắt, các địa phương phải chủ động thời điểm thu hoạch lục bình khi chưa phát triển mạnh bằng những giải pháp phù hợp với điều kiện của từng nơi. Người dân không nên sử dụng thuốc diệt cỏ để diệt lục bình vì sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, tiêu diệt các loài thủy sinh vật, thủy sản. Những tuyến đường thủy nội địa quan trọng cần sử dụng máy thu hoạch lục bình để xử lý nhằm bảo đảm giao thông thông suốt. Ngoài ra, cần huy động sự tham gia của toàn xã hội, nhất là doanh nghiệp đầu tư, chế biến lục bình thành những sản phẩm hữu ích./.

Hiện nay, có doanh nghiệp đang làm thủ tục xin phép UBND tỉnh đầu tư khai thác lục bình để chế biến phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Hy vọng, dự án hoàn thành giúp người dân vùng sông nước không còn lo ngại vấn nạn lục bình.

Đại Lâm

Chia sẻ bài viết