Tiếng Việt | English

01/04/2020 - 16:20

Dịch bệnh Covid-19, bán hàng bằng công nghệ được thời

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, việc hạn chế đi lại, đến nơi đông người khiến người tiêu dùng thay đổi thói quen, đem lại cơ hội lớn cho kênh mua sắm online, đặt hàng từ nhà.

Ảnh: Minh họa
Ảnh: Minh họa

Tăng mua sắm qua mạng

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thay vì đến những khu vực tập trung đông người (trung tâm thương mại, siêu thị, chợ,…) để mua sắm, nhiều người chuyển sang mua sắm trực tuyến. Hình thức mua sắm này thuận lợi, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Trong những ngày này, trang Facebook, trang web của Co.opmart Bến Lức thu hút nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng. Ngoài việc thông báo vẫn mở cửa phục vụ bình thường, còn có thêm thông tin người dân có thể đặt hàng mua sắm thực phẩm, vật dụng thiết yếu trong gia đình qua điện thoại, nhận hàng tại nhà để bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch bệnh Covid-19.Giám đốc Co.opmart Bến Lức - Nguyễn Long Trung chia sẻ, Co.opmart luôn nỗ lực chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong giai đoạn hiện nay, lượng khách hàng mua sắm bằng cách đặt hàng qua mạng, qua điện thoại tăng hơn trước đây khá nhiều. 

Theo đó, hệ thống Co.opmart đang tăng cường dự trữ nhiều loại thực phẩm tươi sống, đóng gói, vật dụng thiết yếu, nước tẩy rửa, nước rửa tay,... Bình quân mỗi ngày, doanh thu của Co.opmart Bến Lức ở mức từ 500-700 triệu đồng, trong đó, đơn đặt hàng mua sắm qua mạng, qua điện thoại tăng hơn nhiều lần so với trước đây, chiếm hơn 20% tổng doanh thu trong ngày. Thay vì trước đây, Co.opmart tăng cường cho nhân viên túc trực ở quầy, kệ thì nay nhân viên được giao nhiệm vụ hỗ trợ bộ phận giao hàng tại nhà cho khách theo đơn đặt hàng. Tất cả hóa đơn của khách từ 200.000 đồng trở lên với bán kính 6km được miễn phí giao hàng. 

Bà Lê Thị Ngọc, ngụ phường 4, TP.Tân An, cho biết, hiện gia đình bà có đứa cháu nội chỉ hơn 1 tuổi. Trước dịch bệnh nguy hiểm, dễ lây lan, mấy ngày qua đi chợ hay siêu thị, bà đều thực hiện tiêu chí đi nhanh về nhanh. Vừa qua, khi đi Co.opmart Tân An, bà được nhân viên phát tờ rơi, trong đó có thông báo về dịch vụ giao hàng tận nơi, số điện thoại đặt hàng khiến bà nhẹ nỗi lo. Bây giờ, mỗi khi mua sắm, bà luôn chọn lựa cách đặt hàng qua điện thoại, bởi giảm bớt thời gian đi mua sắm và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Đây cũng là kênh bán hàng có uy tín về chất lượng hàng hóa nên rất an tâm.

Không chỉ hệ thống Co.opmart, hiện nay thực hiện chủ trương chung, nhiều cơ sở kinh doanh như nhà hàng, quán ăn, nước giải khát đều ngưng phục vụ tại chỗ và nhận đặt hàng online, qua điện thoại từ khách hàng. Nếu như trước đây, quán ăn Đông Nam thuộc địa bàn phường 3, TP.Tân An tấp nập khách hàng, cao điểm nhất là vào buổi trưa, chiều tối, thì nay, quán đã dẹp dọn bàn ghế và thông báo nhận đặt hàng qua điện thoại. Bên cạnh đó, quán cũng thay đổi thực đơn, giảm bớt các món dùng với rượu, bia và tăng cường các món ăn với cơm để khách hàng chọn lựa. Đại diện quán chia sẻ, không phục vụ tại chỗ khiến doanh thu của quán giảm. Để duy trì kinh doanh, quán chọn cách phục vụ các món dùng cho bữa trưa và chiều của khách hàng như cơm với các món kho mặn, xào, canh,...Những ngày đầu, khách đặt hàng chưa nhiều nhưng nay, lượng khách đặt hàng bắt đầu tăng. Thay vì trước đây, nhân viên phục vụ tại bàn thì nay chịu khó đi giao hàng cho khách tận nhà sau khoảng 30 phút đặt hàng, tất cả đều không tính phí giao hàng. 

Trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh, người dân nên ưu tiên sử dụng hình thức mua hàng trực tuyến, hạn chế đến những nơi tập trung đông người

Trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh, người dân nên ưu tiên sử dụng hình thức mua hàng trực tuyến, hạn chế đến những nơi tập trung đông người

Cần lựa chọn nơi bán hàng uy tín 

Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 phức tạp, dễ lây lan như hiện nay, không ít người tiêu dùng lựa chọn mua hàng thông qua đặt hàng qua điện thoại, online. Tại Long An, có không ít đơn vị bán hàng theo cách này nhưng nhiều người tiêu dùng chưa thật sự an tâm, bởi có
một số cơ sở kinh doanh bán hàng giả, hàng kém chất lượng hay hàng cận ngày sử dụng. 

Bà Tuyết Loan, ngụ phường 5, TP.Tân An, chia sẻ, bà có đặt hàng qua điện thoại đến một cơ sở chuyên kinh doanh các loại bánh, mứt đặc sản để dành biếu người thân. Khi đặt hàng, bà cẩn thận dặn chủ cơ sở lấy hàng mới sản xuất nhưng khi nhận hàng, mở ra xem thì hầu hết đều được sản xuất khá lâu, sản phẩm biến mùi và chỉ còn 15 ngày là hết hạn dùng. Bà nhanh chóng gọi điện đến cơ sở kinh doanh hỏi vì sao giao hàng gần hết hạn sử dụng thì được chủ cơ sở trả lời hàng vẫn còn đến 15 ngày nữa mới hết hạn dùng và tranh thủ bán khi có khách mua.

Theo Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Sở khuyến khích người dân ưu tiên sử dụng hình thức mua hàng trực tuyến, hạn chế đến những nơi tập trung đông người. Khi mua, người tiêu dùng nên lựa chọn những đơn vị phân phối, trang web uy tín có đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng như: Địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế,... để mua hàng, tránh tình trạng vừa mua phải hàng giá cao mà chất lượng lại thiếu bảo đảm. 

Ngoài ra, khi mua hàng online, người tiêu dùng cần cảnh giác trước những trang web, tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo các dịch vụ, sản phẩm với giá thấp hoặc khuyến mãi lớn. Đặc biệt, người tiêu dùng phải cẩn trọng với những yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân (họ tên, số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng,...) từ những trang web lạ để tránh bị đánh cắp thông tin, tài khoản,... Trong trường hợp người tiêu dùng gặp các phiền toái về chất lượng sản phẩm khi mua hàng trực tuyến, cần phản ánh đến các cơ quan chức năng: Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết. Khi nhận hàng phải kiểm tra kỹ hàng hóa rồi mới thanh toán tiền.Khi mua, nhận hàng từ các trang bán hàng trực tuyến, người mua cần giữ lại các chứng từ liên quan để có cơ sở giải quyết khi phát sinh tranh chấp./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích