Tiếng Việt | English

02/05/2018 - 10:45

Điểm tựa để ngư dân bám biển

Âu tàu Song Tử Tây đón tàu cá ngư dân vào tránh, trú bão số 11 năm 2017

Âu tàu Song Tử Tây đón tàu cá ngư dân vào tránh, trú bão số 11 năm 2017

Mỗi đảo nổi, đảo chìm thuộc huyện đảo Trường Sa là một điểm tựa để ngư dân vươn khơi, bám biển. Mặc dù quân và dân trên các đảo còn thiếu thốn đủ bề nhưng họ vẫn dành từng bát nước ngọt, từng viên thuốc chữa bệnh và cả những mớ rau xanh để chia sẻ cho ngư dân. Nhờ đó mà ngư dân luôn vững lòng để đánh bắt hải sản trên vùng biển thân yêu của Tổ quốc.

Đoàn công tác số 3 đến thị trấn Trường Sa, huyện đảo Trường Sa khi trời vừa đứng bóng. Cán bộ, chiến sĩ (CBCS) và người dân vui mừng vẫy tay đón chào những người từ đất liền ra thăm đảo như đón người thân lâu ngày trở về. Từ cầu cảng, chúng tôi quan sát thấy có rất nhiều tàu cá ngư dân đang thảnh thơi neo đậu sau một đêm vươn khơi đánh bắt.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây đang tổ chức cứu nạn tàu cá QNa 91739 trong bão số 11 năm 2017

Trung tá Trần Văn Quyển - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng đảo, cho biết: “Năm nào cũng vậy, CBCS và người dân trên đảo đều được đón hàng trăm lượt tàu thuyền của ngư dân ra đánh bắt hải sản. Cá trên vùng biển này nhiều nên tàu thường xuyên có cá đầy khoang, lại được bộ đội hải quân bảo vệ, hướng dẫn, giúp đỡ nên ngư dân phấn khởi lắm. Đặc biệt, nhiều ngư dân bị bệnh hay bị tai nạn đều được bệnh xá trên đảo kịp thời cứu chữa”.

Tối đó, khi đoàn công tác đang vui văn nghệ bên cột mốc chủ quyền thì được tin có ngư dân bị tai nạn được đưa vào cấp cứu tại bệnh xá. Thiếu tướng Trần Hoài Trung - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Hải quân, cùng với các thành viên trong đoàn đến thăm, động viên ngư dân bị nạn. Bệnh nhân là anh Lê Quốc Phong, quê Khánh Hòa. Nằm trên giường bệnh, anh Phong kể lại: “Khi tàu đang đánh bắt ở vùng biển Trường Sa, đang mải thả lưới thì tôi bị một sợ dây thừng cuốn vào chân rồi kéo căng cuốn vào mạn thuyền. Chỉ trong tích tắc, chân tôi bị cuốn chặt vào thành lan can nên bị rách toạc và chảy nhiều máu. Sau đó, tàu phát tín hiệu cấp cứu và được bộ đội hải quân có mặt kịp thời để cứu giúp đưa tôi lên tàu, rồi chở vào đây”.

Không chỉ khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho ngư dân, CBCS trên các đảo còn tổ chức cứu hộ, cứu nạn giúp đỡ tàu cá của ngư dân ra vào tránh, trú bão và tổ chức sửa chữa, tiếp nhiên liệu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm. Thượng tá Nguyễn Đăng Hồng - Chính trị viên đảo Song Tử Tây, cho biết: “Năm 2017, quân và dân trên đảo hướng dẫn giúp đỡ hàng trăm tàu cá của ngư dân ra, vào âu tàu của đảo để tránh, trú bão; sửa chữa, tiếp nhiên liệu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm cho gần 200 lượt tàu cá. Đặc biệt, trong 2 cơn bão số 11 và 12, CBCS cứu nạn thành công 2 tàu cá của tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, cứu 44 người; hướng dẫn gần 100 tàu cá của ngư dân vào trú, tránh tại âu tàu của đảo, bảo đảm cho gần 2.000 ngư dân tránh, trú, ăn nghỉ trên đảo. Tổ chức khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho gần 500 lượt ngư dân, cấp cứu hơn 30 ca, phẫu thuật hơn 10 ca, cấp nước miễn phí hơn 300 khối cho ngư dân đến đánh bắt trong vùng biển, tạo chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển. Chính vì vậy mà ngư dân rất an tâm khi ra khai thác, đánh bắt hải sản trên vùng biển này”.

Bệnh nhân Lê Quốc Phong vừa được đưa vào cấp cứu tại Bệnh xá đảo Trường Sa

Bệnh nhân Lê Quốc Phong vừa được đưa vào cấp cứu tại Bệnh xá đảo Trường Sa

Trong hành trình của đoàn công tác, đi đến bất cứ đảo nào, chúng tôi cũng đều được nghe chỉ huy đảo báo cáo về những kết quả trong hoạt động cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân lúc khó khăn, hoạn nạn. Tất cả những việc làm ấy đều xuất phát từ trái tim những người lính biển./.

Phạm Quang Tiến

Chia sẻ bài viết