Tiếng Việt | English

28/02/2017 - 19:27

Điểm tựa vùng biên

Việc khám, chữa bệnh ban đầu của người dân biên giới Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An không còn gian nan, vất vả như trước. Từ ngày Phòng khám quân dân y kết hợp Ba Thu đi vào hoạt động, mỗi khi “trái gió trở trời” hay mắc các bệnh thông thường, người dân 2 bên biên giới lại đến đây khám, nhận thuốc thay vì phải đến trung tâm huyện như trước.

Blouse trắng nơi biên cương

Từ một phòng khám nhỏ - tận dụng phòng làm việc với 2 y sĩ của đồn biên phòng làm nhiệm vụ khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân, cách đây hơn 2 năm, Phòng khám quân dân y kết hợp Ba Thu ở ấp 6, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ được xây mới gồm 4 phòng: Sản - kế hoạch hóa gia đình; Khám bệnh - siêu âm; quầy dược và Cấp cứu - tiêm thuốc. Hiện tại, Phòng Khám do 5 người đảm nhiệm, trong đó có 1 bác sĩ, 2 y sĩ, 1 dược sĩ và 1 điều dưỡng. Họ là những thầy thuốc tận tâm, tận lực vì sức khỏe người dân nơi biên giới nên dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng vẫn gắn bó với mảnh đất Mỹ Quý Tây.

Khi nhận thuốc, người bệnh được ân cần hướng dẫn cách sử dụng

Thiếu tá Bùi Công Tiếp - Phó Phòng khám quân dân y kết hợp Ba Thu nhiều năm gắn bó với chiếc áo blouse trắng nơi biên cương. Đối với anh, mỗi ngày trôi qua ở mảnh đất biên giới lắm bụi, nhiều nắng này là được phục vụ người dân.“Điều này không những vì sức khỏe mà qua đó, tình cảm dân - quân 2 bên biên giới ngày thêm thắt chặt”.Nhiều năm là thầy thuốc quân hàm xanh, anh nhớ mặt, quen tên và nắm rõ từng loại bệnh của người dân khi đến khám. Và, dĩ nhiên, có những câu chuyện trong nghề anh mãi không thể nào quên.Đó là câu chuyện cách đây 10 năm, bà mẹ người Campuchia da đen nhẻm, tóc rối xù hốt hoảng đưa con gái đến phòng khám nhờ anh cứu giúp. “Năm đó, cháu hơn 1 tuổi, khi chơi, lấy hột trâm nhét vào mũi nên khó thở và đến đây nhờ tôi gắp ra... Mấy năm trôi qua nhưng khi gặp lại, 2 mẹ con đều chắp tay cảm ơn” - anh Tiếp nhớ lại.

Câu chuyện vừa kết thúc, anh kể tiếp: “Có lần, một phụ nữ trạc tuổi 30 tuổi lặn lội từ Campuchia sang gõ cửa phòng khám lúc nửa đêm vì đau bụng. Sau khi thăm khám và chẩn đoán đau ruột thừa, tôi bảo người nhà chuyển đến bệnh viện để mổ. Lúc đó, tôi gọi xe dịch vụ để chuyển bệnh nhân và tháp tùng đi theo đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa, chờ mổ xong đến sáng hôm sau mới trở về đơn vị. Từ lần đó, cứ mỗi dịp tết, gia đình lại mang con gà từ bên huyện Chanh Tria, tỉnh Svay Rieng sang bên này tặng anh em phòng khám”.

Còn bác sĩ Nguyễn Thị Mộng Đào - người sinh ra, lớn lên và gắn bó gần 30 năm với người dân Mỹ Quý Tây cũng không nỡ rời bỏ mảnh đất này. Một tuần làm việc, 3 ngày chị “trực chiến” ở Phòng khám Ba Thu, những ngày còn lại ở Trạm Y tế xã Mỹ Quý Tây. Chị Đào chia sẻ: “Dẫu biết về đây công tác sẽ thiếu thốn trang thiết bị nhưng được phục vụ người dân quê mình là hạnh phúc. Người dân đến khám chủ yếu những bệnh thông thường: Cảm, ho, huyết áp, tiểu đường, dạ dày, viêm mũi họng,... còn những trường hợp bệnh nặng hơn thì tư vấn đi tuyến trên.

Khi có kiến thức chuyên môn để tư vấn người dân chọn đúng tuyến, đúng nơi khám, chữa bệnh sẽ giúp họ đỡ tốn kém hoặc khi người dân đi khám tuyến trên có những thắc mắc trong chẩn đoán kết quả và mang đến phòng khám hỏi thì tôi cũng tận tình giải thích. Tư vấn để họ hiểu rõ về bệnh tình, sức khỏe là điều cần thiết với người dân biên giới”.Chị Đào nhiệt tình nên người dân tin yêu. Nhà có con gà, bó rau hay nải chuối cũng mang sang biếu chị. Rồi, cái tình, tính thật thà của người dân nơi đây chạm vào trái tim để chị đủ nghị lực, làm tốt vai trò một bác sĩ vùng biên.

Bác sĩ Nguyễn Thị Mộng Đào tận tình khám bệnh cho người dân

Địa chỉ tin cậy

Sáng sớm, Phòng khám quân dân y kết hợp Ba Thu đã có người đến khám.“Bà bớt đau lưng chưa?Còn ông huyết áp ổn chứ?” - những thầy thuốc của phòng khám ân cần hỏi thăm sức khỏe từng người. Thiếu tá Bùi Công Tiếp nói vui: “Khám riết thành quen, biết mặt, biết bệnh từng người. Hơn nữa, công tác ở đây lâu năm nên người dân với lính biên phòng nào có xa lạ!”.

77 tuổi, bà Nguyễn Thị Anh, ngụ ấp 5, xã Mỹ Quý Tây hay bị chóng mặt và đau khớp vì thoái hóa cột sống.Trước đây, hàng tuần, bà đi Bệnh viện Xuyên Á ở huyện Củ Chi, TP.HCM điều trị. “Bây giờ đi xa không ngồi xe nổi nữa nên từ ngày có Phòng khám Ba Thu, tôi qua đây khám bệnh vừa đỡ phải đi xa, vừa ít tốn kém vì có bảo hiểm y tế nên được cấp thuốc miễn phí” - bà Anh nói. Còn bà Phan Thị Thu, ngụ ấp 5 là bệnh nhân thường xuyên của phòng khám.Cứ 5 ngày, bà lại đến đây tái khám bệnh đau dạ dày, cao huyết áp và đau thần kinh liên sườn.Bà Thu nói rằng, trước đây, mỗi lần đau, bà nằm điều trị cả tuần ở Bệnh viện huyện Đức Huệ.Nhà làm nông nên mỗi lần đi bệnh viện tốn kém.Từ ngày khám ở Phòng khám Ba Thu, bà đỡ vất vả hơn. Mỗi lần tái khám, bác sĩ đều khám lại rất ân cần, nhẹ nhàng hướng dẫn sử dụng thuốc và dặn dò kỹ lưỡng.

Không riêng gì bà Anh, bà Thu - những người bệnh “thân thiết” của phòng khám mà bất kỳ ai đến, đội ngũ thầy thuốc ở đây đều thân thiện và tận tình. Anh Tiếp thông tin, trung bình mỗi ngày, phòng khám tiếp nhận hơn 40 người bệnh, chủ yếu khám và nhận thuốc rồi về. Cũng có vài trường hợp nằm theo dõi nhưng chỉ vài giờ, khi thấy nặng, bác sĩ tư vấn chuyển đến tuyến trên chữa trị.

Môt đội ngũ thầy thuốc làm việc tận tình, hiệu quả làm hài lòng người bệnh. Vì thế, Phòng khám quân dân y kết hợp Ba Thu chính là địa chỉ tin cậy, điểm tựa của người dân biên giới./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết