Tiếng Việt | English

17/07/2018 - 18:07

Điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”

Thực hiện lời Bác Hồ dạy đối với công tác dân vận (DV): Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm, những năm qua, trên địa bàn tỉnh Long An xuất hiện nhiều cá nhân tích cực tham gia, đóng góp vào phong trào thi đua “DV khéo”.

Người dân đóng góp 100% kinh phí xây dựng cầu giao thông nông thôn ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước

Người dân đóng góp 100% kinh phí xây dựng cầu giao thông nông thôn ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước

Gần dân, sát dân

Được Ban DV Huyện ủy Thạnh Hóa giới thiệu, chúng tôi đến gặp ông Nguyễn Văn Giếng - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, một trong những cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác DV tại địa phương.

Ấp Đá Biên hiện có 519 hộ dân với 2.221 nhân khẩu, trong đó chỉ còn 7 hộ nghèo. Người dân chủ yếu sống bằng nghề nông như trồng lúa, tràm và chăn nuôi. Mặc dù thu nhập của một bộ phận người dân chưa cao nhưng tất cả đều ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình khi tích cực tham gia đóng góp tiền, công sức xây dựng địa phương. Để có được kết quả này, ông Giếng cùng chính quyền, ban ấp và các đoàn thể “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động người dân.

Theo ông Giếng, để người dân tin tưởng khi triển khai một công trình hay phần việc, ấp luôn thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Ông dẫn chứng: Có những công trình giao thông, khi thực hiện, mỗi hộ dân phải đóng góp khoảng 6 triệu đồng nhưng tất cả đều đồng thuận cao. Trong quá trình xây dựng công trình, quy chế dân chủ được phát huy khi người dân được tham gia đóng góp xây dựng kế hoạch, là người thực hiện và kiểm tra khi hoàn thành.

“Nếu như trước đây, ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước được xem là ấp vùng sâu, ít người lui tới vì đường sá nhỏ, hẹp, sình lầy, cầu cây xuống cấp, đi lại rất khó khăn thì nay, đường được mở rộng, trải đá 0x4 sạch sẽ. Những tuyến đường nhỏ dẫn vào các xóm cũng được tráng bêtông, cầu cây được thay thế bằng cầu sắt và bêtông kiên cố. Người dân không còn lo ngại về việc đi lại, vận chuyển hàng hóa” - ông Nguyễn Văn Cự (SN 1955) vui mừng bộc bạch.

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng ấp Đá Biên, ông Giếng thông tin thêm: Đến nay, ấp Đá Biên vận động xây dựng 8 cầu sắt, trị giá trên 526 triệu đồng; trải đá lộ rạch Đá Biên chiều dài 4,2km, người dân đóng góp 1,2 tỉ đồng; xây dựng đường đal Đá Biên - Rạch Miễu chiều dài trên 800m, kinh phí thực hiện trên 98 triệu đồng; trải đá các tuyến đường trục xóm với tổng số tiền trên 300 triệu đồng;... Tất cả công trình này đều do người dân đóng góp tiền 100% và hàng trăm ngày công lao động.

Sự thay đổi của ấp Đá Biên hôm nay có sự đóng góp rất lớn của ông Giếng. Những đóng góp của nhiều cá nhân như ông góp phần giúp Thạnh Phước “về đích” xã nông thôn mới vào đầu năm 2018, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.

Nghe dân nói

Trở lại xã Long Hòa, huyện Cần Đước hôm nay, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay từ bộ mặt nông thôn đến đời sống người dân. Các tuyến đường trục xã đều được nhựa hóa, các tuyến đường trục ấp được mở rộng, trải đá 0x4 khang trang, thông thoáng. Hai bên đường là cột cờ đúng quy cách, hàng cây xanh được chăm sóc cẩn thận và hệ thống chiếu sáng gần như phủ khắp các tuyến đường. Nhờ đó, người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn dù là ban ngày hay ban đêm.

Nói về những đổi thay này, địa phương đánh giá cao sự tham gia tích cực của người dân, nhất là những người làm công tác DV, trong đó có ông Nguyễn Văn Hai (SN 1959) - Trưởng ấp 2. Những năm qua, ông Hai cùng ban ấp và các đoàn thể vận động người dân mở rộng, trải đá 2/3 tuyến đường trục ấp, tổng chiều dài trên 1.300m theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Song song đó, ông vận động thu gom, xử lý rác thải đúng quy định, góp tiền lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, hưởng ứng mô hình Ánh sáng khu dân cư phòng gian, xây dựng cổng ấp văn hóa với kinh phí trên 60 triệu đồng,...

Ông Hai chia sẻ: “Trước khi triển khai bất cứ một công trình hay phần việc nào, tôi và ban ấp đều tổ chức họp dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng. Trong công tác vận động, muốn dân tin, phải phân tích, giải thích rõ, đồng thời công khai, minh bạch tất cả các khâu. Nhờ phân tích thấu tình, đạt lý, hầu hết hộ dân đều đồng tình ủng hộ chủ trương của địa phương. Một khi dân tin tưởng thì việc gì cũng sẽ suôn sẻ, khó khăn nào cũng có thể vượt qua, như câu nói “DV khéo thì việc gì cũng thành công””.

Người dân ấp 2, xã Long Hòa đóng góp xây dựng ấp văn hóa với kinh phí trên 60 triệu đồng

Người dân ấp 2, xã Long Hòa đóng góp xây dựng ấp văn hóa với kinh phí trên 60 triệu đồng

Với những việc làm thiết thực của mình, ông Hai được lãnh đạo địa phương và người dân tín nhiệm. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Long Hòa - Nguyễn Văn Hòa cho biết: “Những ngày đầu phát động phong trào xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới, ông Hai tích cực hưởng ứng và tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia. Là đảng viên, trưởng ấp, ông luôn năng nổ, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào của địa phương. Vì vậy, những công việc ở ấp được ông vận động, người dân rất đồng tình và thực hiện nhanh chóng, đạt kết quả cao”.

Những đóng góp của những cá nhân “DV khéo” góp phần khơi dậy sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong phát triển KT-XH, giữ gìn an ninh, trật tự, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở./.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 323 mô hình thi đua “Dân vận khéo”. Trong đó, có những mô hình hay, cách làm sáng tạo được duy trì, nhân rộng và phát huy hiệu quả: Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; Camera an ninh, trật tự; Tiếng kẻng vùng biên; Sử dụng phân sinh học trồng lúa và hoa màu; Ấp, khu phố không có người sinh con thứ 3; Vùng giáo an toàn về an ninh, trật tự và các mô hình xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết