Tiếng Việt | English

09/11/2017 - 03:40

Diện mạo mới ở vùng biên Thạnh Trị

Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự đồng lòng, chung sức của người dân, diện mạo nông thôn xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An không ngừng được đổi mới, góp phần phát triển KT-XH, bảo vệ vững chắc an ninh biên giới.

Với xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới (XDNTM) thấp nhưng Thạnh Trị vẫn đang nỗ lực hết mình. Đến nay, xã cơ bản đạt 14/19 tiêu chí (TC) NTM, tiếp tục phấn đấu thực hiện 5 TC còn lại: Trường học, y tế, nhà ở dân cư, môi trường và hình thức sản xuất.


Hệ thống đê bao khép kín kết hợp đường giao thông nông thôn tạo thuận lợi cho người dân trong đi lại và sản xuất

Kết cấu hạ tầng được đầu tư

Khi bắt tay vào thực hiện chương trình XDNTM, khó khăn của xã là hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn. Trước đây, hầu hết các tuyến đường trên địa bàn đều là đường đất hoặc đá đỏ nắng bụi, mưa lầy, việc đi lại của người dân vô cùng vất vả.

“Xác định giao thông là TC khó, cần nguồn vốn đầu tư lớn và phải giải phóng mặt bằng, nếu không có sự đồng thuận, góp sức của nhân dân thì không thể thực hiện được. Vì vậy, xã tập trung tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được ý nghĩa, mục đích của chương trình XDNTM và chung tay thực hiện với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm” - Phó Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Thanh Phú cho biết.

Cũng nhờ dân vận khéo và công khai, minh bạch trong quá trình triển khai xây dựng các công trình, rất nhiều tuyến đường trục ấp, liên ấp, xóm được trải đá sạch sẽ với sự đồng thuận cao của nhân dân. Nổi bật có thể kể đến các công trình: Láng nhựa đường bờ Tây ấp 1; nạo vét, kết hợp đắp đê đường rạch Trấp Trôi, gia cố, trải đá đường nội đồng bờ Bắc kênh Ông Chín; trải đá đường bờ Đông kênh 3 xã; trải đá đường Giăng Dơ;...

Ông Nguyễn Công Thành, ngụ ấp 1, vui mừng chia sẻ: “Những năm trước, do đường sá nhỏ, hẹp, xe ôtô, xe tải chở vật liệu xây dựng không chạy vào được, người dân muốn xây nhà phải mất rất nhiều chi phí. Bên cạnh đó, hàng hóa, nông sản cũng phải vận chuyển bằng xe máy, rất bất tiện. Năm 2014, khi địa phương có chủ trương mở rộng, láng nhựa đường bờ Tây, người dân đồng tình ngay bởi đây là mong ước từ rất lâu rồi!”.

Từ những tuyến đường đầu tiên, phong trào hiến đất, góp tiền để xây dựng đường giao thông nông thôn tạo thành làn sóng lan tỏa khắp các xóm, ấp, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Chỉ tính riêng năm 2017, có 4 công trình được triển khai xây dựng: Trải đá đường kênh Rọc Lớn, đường kênh Ông Truyện, đường kênh Giăng Ó, đường bờ Đông ấp 2 và sửa chữa đường bờ Đông kênh 3 xã, với tổng kinh phí trên 1,7 tỉ đồng.


Ứng dụng cơ giới, khoa học - kỹ thuật vào sản xuất giúp nông dân giảm chi phí, tăng thu nhập

Từng bước khắc phục khó khăn

Là xã thuần nông, thu nhập của người dân Thạnh Trị chủ yếu dựa vào trồng lúa và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến thất thường, giá cả và đầu ra nông sản bấp bênh nên đời sống của một bộ phận người dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Từ thực tế trên, Đảng ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương tập trung làm tốt công tác giảm nghèo, tạo điều kiện thuận lợi để người dân nâng cao thu nhập, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển KT-XH.

Theo đó, xã quy hoạch xây dựng vùng lúa chất lượng cao, vận động nông dân sản xuất theo hướng an toàn, đồng thời tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đưa cơ giới vào đồng ruộng nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, giá trị nông sản và lợi nhuận. Mặt khác, xã đẩy mạnh phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt là phải kiểm soát chặt chẽ các đàn vịt chạy đồng, trâu, bò nuôi qua lại trên tuyến biên giới.

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, xã còn chú trọng nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thông tin, phục vụ đời sống tinh thần của người dân. Ông Nguyễn Thanh Phú thông tin: “Hiện nay, 3/3 ấp đều có nhà văn hóa để tổ chức sinh hoạt, hội họp; hệ thống đê bao được xây dựng khép kín, góp phần bảo vệ sản xuất; Trường Tiểu học và THCS Thạnh Trị được tách thành Trường Tiểu học Thạnh Trị và Trường THCS Trần Văn Giàu, với cơ sở vật chất tiếp tục được nâng cấp để đạt chuẩn; trạm y tế xã cũng được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân”.

Dù còn bộn bề khó khăn trong thực hiện các TC còn lại nhưng những kết quả ấy là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thạnh Trị tiếp tục cố gắng, phấn đấu về đích xã NTM đúng lộ trình./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết