Tiếng Việt | English

25/09/2017 - 02:50

Diện mạo mới xã anh hùng

Những con đường quê đạt chuẩn nông thôn mới, những cánh đồng lúa, đậu phộng, bắp,... bội thu; những công trình phúc lợi, nhiều ngôi nhà cao tầng được xây dựng kiên cố, khang trang;... tạo nên diện mạo mới của xã anh hùng Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Dấu ấn anh hùng

Năm 1976, xã Đức Lập (nay là Đức Lập Thượng và Đức Lập Hạ) được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đức Lập Thượng từ lâu là vùng quê có truyền thống anh dũng chống giặc ngoại xâm. Những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, với tinh thần yêu nước, nhân dân Đức Lập Thượng luôn một lòng son sắt, thủy chung theo cách mạng, tham gia chiến đấu, vượt qua gian lao, thử thách, lập nên những chiến công oanh liệt.

Những con đường quê đạt chuẩn nông thôn mới, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống

Cựu chiến binh Võ Văn Cứ, ngụ ấp Đức Ngãi 2, du kích từng tham gia trận đánh đồn Đức Lập, vẫn nhớ như in những năm tháng chiến tranh ác liệt mà hào hùng ấy.

Đồn Đức Lập là nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch với nhiều trận đánh quan trọng, tiêu biểu là trận Đức Lập 1, 2, 3 vào năm 1965. Chỉ trong vòng 2 tháng (từ ngày 28/9 đến 20/11/1965), lực lượng vũ trang Long An phối hợp Tiểu đoàn 267 Quân khu 8, 3 lần đánh đồn Đức Lập.

Đây là các trận đánh mở đầu cho chiến thuật “đánh bồi, đánh nhồi” của quân và dân Long An, tiêu diệt và tiêu hao nặng 3 Tiểu đoàn biệt động quân của Mỹ - ngụy, 5 đại đội, 6 trung đội.

Theo đó, ta tiêu diệt khoảng 1.800 tên địch, bắn cháy 1 máy bay, 3 xe M113, 9 xe GMC, thu 178 súng và hàng chục tấn đạn.

Đây là một trong những chiến công vang dội nhất của quân - dân Long An nói riêng và Quân khu 8 nói chung, góp phần đánh bại âm mưu bình định có trọng điểm của Mỹ - ngụy, làm phá sản kế hoạch ngăn chặn hành lang và phòng thủ từ xa của địch.

Đồn Đức Lập còn là nơi lực lượng vũ trang của xã kết hợp Trung đội 15 thuộc Tiểu đoàn 506 lập chiến công vang dội, mở đầu cho phong trào đồng khởi ở Long An. Tháng 11/2015, Bia chiến thắng Đức Lập 1, 2, 3 được các cơ quan chức năng đầu tư xây dựng khang trang, xứng tầm với sự kiện lịch sử trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Vững bước xây dựng quê hương

Những năm tháng chiến tranh dần lùi xa, nhưng niềm tự hào của người dân Đức Lập Thượng về một thời hào hùng vẫn còn nguyên vẹn. Giờ đây, trên chặng đường đổi mới quê hương, niềm tự hào ấy được biến thành hành động thiết thực, toàn Đảng bộ, chính quyền xã đoàn kết, lãnh đạo nhân dân phát triển KT-XH, xây dựng quê hương vững bước tiến lên.

Ông Nguyễn Văn Nhạnh, ngụ ấp Đức Ngãi 2, chia sẻ: “Sau giải phóng, người dân chung sức hàn gắn vết thương chiến tranh, tập trung lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng đổi mới”.

Đảng bộ xã có 12 chi bộ trực thuộc, với 180 đảng viên. Cấp ủy Đảng, chính quyền luôn xác định, công tác vận động quần chúng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc là quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Là xã thuần nông, những năm qua, Đức Lập Thượng tập trung tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp từng vùng đất và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cây trồng, vật nuôi.

Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Khắc Tú thông tin: “Toàn xã có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 1.200ha. Ngoài cây lúa, xã vận động người dân chuyển đổi các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao: Ðậu phộng, bắp lai, rau màu,... Người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi và bảo đảm vệ sinh môi trường. Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, với hệ thống giao thông cơ bản hoàn chỉnh: Đường tỉnh 823 đi qua thị trấn Hậu Nghĩa, nối liền huyện Củ Chi, TP.HCM và đường Xuyên Á; các tuyến đường: Tân Hội, Nguyễn Thị Hạnh, Đức Ngãi 1, Đức Ngãi 2, Xóm Tháp, Bàu Cay cùng hệ thống giao thông liên xóm, ấp tương đối hoàn chỉnh, góp phần phát triển KT-XH, tạo điều kiện cho người dân giao thương, buôn bán, học sinh đi lại dễ dàng”.

Không chỉ vậy, sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển, trường, lớp được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang. Cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy và học được trang bị theo hướng chuẩn hóa. Trường Tiểu học Đức Lập Thượng B và Trường Mẫu giáo Đức Lập Thượng được tỉnh công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Việc huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 hàng năm đạt 100%; hàng năm, học sinh tốt nghiệp tiểu học đạt 100%, tốt nghiệp THCS đạt 99%. Công tác phổ cập giáo dục luôn duy trì giữ vững đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS và THPT.

Trạm Y tế xã được đầu tư xây dựng mới, khang trang, có bác sĩ phục vụ, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân ở địa phương. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên 82%. Việc chăm lo đời sống tinh thần cho nhân dân, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa được chú trọng. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương luôn được giữ vững.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng đất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân

Về Đức Lập Thượng hôm nay, trong câu chuyện kể của những người từng tham gia kháng chiến, những người dân sinh ra, lớn lên trên mảnh đất anh hùng, thể hiện rất rõ niềm tự hào về truyền thống đấu tranh pha lẫn niềm vui khi quê hương ngày càng đổi mới.

Phát huy truyền thống hào hùng ấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tiếp tục giữ vững danh hiệu xã văn hóa, nông thôn mới, tập trung nâng chất các tiêu chí đạt nhưng chưa bền vững để tương lai không xa, Đức Lập Thượng trở thành đô thị nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng được nâng cao./.

Toàn xã có 50 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 277 liệt sĩ; 58 thương binh, bệnh binh; 68 gia đình có công với cách mạng. Công tác chăm lo cho gia đình chính sách được xã đặc biệt quan tâm, kịp thời giải quyết những ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/năm. Tỷ lệ người dân sử dụng điện đạt 100%. Các tuyến kênh trên địa bàn với tổng chiều dài trên 13km được nạo vét thông thoáng, đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu thoát nước của người dân.

Ngọc Mận

 

Chia sẻ bài viết