Tiếng Việt | English

02/04/2020 - 10:08

Diện mạo nông thôn xã vùng sâu, biên giới khởi sắc

Sau nhiều năm triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đến nay, diện mạo nhiều xã vùng sâu, biên giới khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An khởi sắc, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.

Đến nay, tất cả trường học trên địa bàn xã biên giới Bình Tân, thị xã Kiến Tường đều được xây dựng đạt chuẩn quốc gia 100% hộ dân ở xã biên giới
Đến nay, tất cả trường học trên địa bàn xã biên giới Bình Tân, thị xã Kiến Tường đều được xây dựng đạt chuẩn quốc gia 100% hộ dân ở xã biên giới 

1.  Vĩnh Thuận là 1 trong 3 xã của huyện Vĩnh Hưng được cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư, xây dựng hoàn thiện 19/19 tiêu chí XDNTM để kịp về đích vào năm nay. Nét nổi bật của xã sau nhiều năm nỗ lực triển khai, XDNTM gắn với xã văn hóa là thu nhập bình quân đầu người được nâng lên đáng kể, đạt 45,5 triệu đồng (năm 2019). Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận - Nguyễn Ngọc Nghĩ phấn khởi: “Đạt kết quả này, ngoài sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền địa phương còn có sự nỗ lực của người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng. Đặc biệt, người dân mạnh dạn ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm”.

Toàn xã hiện có 9 tổ hợp tác; 1 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Vĩnh Thuận (75 thành viên tham gia với 513ha) chuyên sản xuất gạo, rau sạch theo hướng VietGAP; nhiều mô hình đa canh cây trồng được hình thành,… góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên cùng một đơn vị diện tích; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng nông thôn phát triển bền vững, nâng cao chất lượng nông sản và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Ông Nguyễn Văn Bình, ngụ ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Thuận, chia sẻ: “Là thành viên của HTX Sản xuất nông nghiệp Vĩnh Thuận, sau khi thu hoạch lúa, rau sạch, gia đình tôi cung ứng hết cho HTX. Tham gia HTX, chúng tôi được hướng dẫn về kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ giống, phân bón và bao tiêu đầu ra sản phẩm với giá cao hơn bên ngoài 20%. Sản xuất nông sản sạch giúp chúng tôi thu lợi nhuận cao hơn trước đây trên 10 triệu đồng/ha/năm”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận - Nguyễn Ngọc Nghĩ, xã hiện đạt 15/19 tiêu chí XDNTM. Để về đích đúng hẹn, hiện nay, cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó tranh thủ tối đa nguồn lực hỗ trợ của các cấp, các ngành nhằm đầu tư, hoàn thiện tiêu chí giao thông, trường học, nhà ở dân cư và y tế. Đồng thời, xã tiếp tục kêu gọi người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Qua đó, góp phần tăng năng suất, sản lượng, nâng cao đời sống của người dân, giảm hộ nghèo còn 2,2% vào năm nay. 

Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự chung tay, góp sức của người dân, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn liên xã khu vực biên giới được nâng cấp, trải nhựa khang trang

Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự chung tay, góp sức của người dân, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn liên xã khu vực biên giới được nâng cấp, trải nhựa khang trang

2. Nét khởi sắc dễ dàng nhận thấy ở xã biên giới Bình Tân, thị xã Kiến Tường sau thời gian thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM là hệ thống kết cấu hạ tầng và các công trình thiết yếu phục vụ cuộc sống người dân ngày càng được quan tâm đầu tư, xây dựng rộng khắp, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng biên.

Bí thư Đảng ủy xã Bình Tân - Lâm Tấn Đạt chia sẻ: “Là xã biên giới có điểm xuất phát thấp nhưng với sự nỗ lực hết mình của Đảng ủy, chính quyền, người dân địa phương, đến nay, Bình Tân cơ bản đạt 19/19 tiêu chí XDTNM và đang hoàn tất hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn. Điểm sáng của địa phương là với sự đồng thuận của người dân, hàng chục công trình cầu, đường giao thông nông thôn được bêtông hóa, xây dựng kiên cố. Đến nay, các ấp có nhà văn hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân; các trường học trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia và 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, có điện sinh hoạt và sản xuất. 

Bình Tân, thị xã Kiến Tường có nước hợp vệ sinh sử dụng, điện sinh hoạt và sản xuất

Bình Tân, thị xã Kiến Tường có nước hợp vệ sinh sử dụng, điện sinh hoạt và sản xuất

“Bây giờ đường sá không còn bụi, ổ gà, sình lầy như trước, ôtô có thể đến trung tâm xã. Từ khi các tuyến đường liên ấp, xóm được quan tâm đầu tư láng nhựa, bêtông, trải đá, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân được thuận lợi hơn” - ông Trương Văn Thường, ngụ ấp Gò Tranh, bày tỏ. Cũng theo ông Thường, chất lượng đời sống của người dân biên giới được cải thiện hơn nhiều, không còn sử dụng nước kênh, mương nữa mà thay vào đó là hệ thống cung cấp nước hợp vệ sinh.

Dự kiến, Bình Tân là 1 trong 8 xã của tỉnh về đích XDNTM vào năm nay: Bình Tân (thị xã Kiến Tường), Bình Hòa Trung (Mộc Hóa), Kiến Bình (Tân Thạnh), Tân Đông (Thạnh Hóa), Bình An (Thủ Thừa), Tân Phước Tây (Tân Trụ), Tân Trạch (Cần Đước) và Phước Lại (Cần Giuộc). Đầu năm 2017, xã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí XDNTM. Tuy nhiên, qua rà soát theo Quyết định 1243/QĐ-UBND, ngày 07-4-2017 của UBND tỉnh về việc ban hành Bộ tiêu chí xã NTM tỉnh Long An đến năm 2020, xã “tụt” 6 tiêu chí: Giao thông, hộ nghèo, nhà ở dân cư, tổ chức sản xuất, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm. 

Bí thư Đảng ủy xã Bình Tân - Lâm Tấn Đạt cho biết: “Năm 2018, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương, xã cơ bản đạt 18/19 tiêu chí XDNTM, còn 1 tiêu chí chưa hoàn thành là tỷ lệ người dân tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế chỉ đạt 81,04/85%. Năm 2019, xã tiếp tục duy trì, nâng chất các tiêu chí đạt, đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 85%, hoàn thành chỉ tiêu bảo hiểm y tế, về đích NTM. Việc Bình Tân được xem xét, công nhận đạt chuẩn XDNTM sẽ góp phần quan trọng hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015-2020) phấn đấu 100% xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM”.

Về các xã vùng sâu, biên giới khu vực Đồng Tháp Mười hôm hay, dễ dàng cảm nhận những đổi thay từ bộ mặt nông thôn đến đời sống người dân. Kết quả này là sự đồng thuận của “ý Đảng - lòng dân” thông qua các cuộc hội nghị, tập huấn, họp dân, lắp đặt panô, áp phích,… tuyên truyền về Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM. Đồng thời, phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở cơ sở ngày càng lan tỏa và nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của người dân, nhất là sự chung tay hiến đất, góp tiền xây dựng cầu, đường giao thông, đê bao, kênh, mương nội đồng,... xây dựng xã văn hóa, NTM./.

Phong Nhã

Chia sẻ bài viết