Tiếng Việt | English

21/03/2019 - 20:50

Điều 6 máy bay B-52 tới châu Âu, Mỹ gửi thông điệp gì tới Nga?

Theo giới quan sát, việc nga điều B-52 đến châu Âu là thông điệp mạnh mẽ gửi tới Nga khi nước này kỷ niệm 5 năm sáp nhập Bán đảo Crimea.

Không quân Mỹ gần đây đã triển khai 6 máy bay ném bom B-52 có năng lực hạt nhân tới châu Âu để tham gia các cuộc tập trận “phối hợp tác chiến và bay huấn luyện” với các đồng minh khu vực và đối tác trong NATO. Động thái này được xem là thông điệp mạnh mẽ gửi tới Nga, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 5 năm ngày sáp nhập Bán đảo Crimea.

Máy bay B-52 cất cánh từ căn cứ quân sự Andersen, ở đảo Guam, ngày 18/3/2019. Ảnh: Không quân Mỹ.

Máy bay B-52 cất cánh từ căn cứ quân sự Andersen, ở đảo Guam, ngày 18/3/2019. Ảnh: Không quân Mỹ.
Theo nguồn tin quân đội Mỹ, một đội đặc nhiệm B-52, binh sĩ và các thiết bị phụ trợ từ Cánh ném bom số 2 (một đơn vị của Không lực Mỹ) có trụ sở đặt tại căn cứ không quân Barksdale ở Louisiana đã đến RAF Fairford (một căn cứ không quân Hoàng gia Anh ở Gloucestershire) hồi cuối tuần trước và tham gia các nhiệm vụ huấn luyện khác nhau trên khắp châu Âu.

Không quân Mỹ cho biết, 4 chiếc B-52 đã thực hiện các chuyến bay đến một số nơi ở châu Âu, bao gồm Biển Na Uy, Biển Baltic/Estonia và Biển Địa Trung Hải/Hy Lạp.

Máy bay ném bom B-52 từ căn cứ không quân Andersen, đảo Guam và RAF Fairford cũng đã tiến hành hoạt động bay huấn luyện đồng thời ở Ấn Độ-Thái Bình Dương và châu Âu khi hướng tới phía đông Bán đảo Kamchatka gần Nga.

Thông báo của Không quân Mỹ nhấn mạnh: “Xét một cách tổng thể, các chuyến bay từ Ấn Độ - Thái Bình Dương và châu Âu thể hiện cam kết của Mỹ với các đồng minh và đối tác qua việc điều động lực lượng quân sự toàn cầu”.

Máy bay ném bom B-52 lần đầu tiên được đưa vào sử dụng vào những năm 1950 trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Biến thể B-52 mới nhất được đưa vào biên chế quân đội Mỹ vào năm 1962 và đã trở thành biểu tượng của Chiến tranh Lạnh.

Sau đó, máy bay B-52 đã được sửa đổi và nâng cấp với các tên lửa dẫn đường chính xác, cảm biến điện tử công nghệ cao. Theo thông tin chính thức từ Không quân Mỹ, mỗi chiếc B-52 có thể mang theo hơn 31 tấn bom, mìn, tên lửa.

Việc điều động 6 chiếc máy bay ném bom chiến lực tầm xa B-52 nói trên được đánh giá là đợt triển khai không quân lớn nhất của Mỹ tại châu Âu kể từ sau cuộc chiến tranh Iraq năm 2003.

Căng thẳng với Nga

Căng thẳng giữa Mỹ và Nga không ngừng “tăng dần đều” trong những tháng gần đây khi Nga bắt giữ tàu và các thủy thủ Ukraine sau cuộc đối đầu ở eo biển Kerch vào tháng 11/2018. Vụ việc được cho là nguyên nhân khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định hủy cuộc gặp đã được lên kế hoạch với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Argentina hồi năm ngoái.

Mỹ và Nga đều có các hoạt động tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực. Trong khi Mỹ gia tăng lực lượng triển khai ở châu Âu và NATO không ngừng mở rộng về phía đông, Nga cũng tăng cường các cuộc tập trận quy mô lớn gần các nước thành viên NATO. Mặc dù đã có những động thái thể hiện không chịu "lép vế" trước Nga nhưng dường như tất cả vẫn chưa làm giới chức quân sự Mỹ hài lòng.

“Tôi chưa cảm thấy thoải mái với tư thế răn đe mà chúng ta có ở châu Âu”, Tướng Curtis Scaparrotti, Tư lệnh Tối cao NATO tại châu Âu nói. Ông Scaparrotti đồng thời cảnh báo những rủi ro từ việc thiếu hụt lực lượng trên bộ, hải quân, tình báo, giám sát và trinh sát.

Theo Tướng Scaparrotti, trước những nỗ lực hiện đại hóa và gia tăng năng lực không ngừng từ phía Nga, Bộ Tư lệnh châu Âu (EUCOM) đã đưa ra khuyến nghị tăng cường, xoay vòng lực lượng để đảm bảo tư thế răn đe.

Mặc dù Tổng thống Donald Trump từ lâu đã chỉ trích Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vì chi phí tốn kém nhưng Mỹ vẫn tăng cường hiện diện quân sự tại châu Âu khi cả hai phía đều có chủ trương đối trọng với Nga trong khu vực./.

Theo VOV

 

Chia sẻ bài viết