Tiếng Việt | English

16/05/2017 - 19:25

Điều chỉnh giá dịch vụ y tế đối với người không có bảo hiểm y tế

Từ ngày 01/6/2017, Thông tư 02/2017/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 15/3/2017 chính thức có hiệu lực. Việc tăng giá dịch vụ y tế (DVYT) đối với người không có bảo hiểm y tế (BHYT) góp phần tác động đến nhận thức của người dân, giúp họ hiểu về lợi ích của BHYT và tự nguyện tham gia.


Việc điều chỉnh dịch vụ y tế nhằm tạo sự công bằng giữa người có thẻ và người không có thẻ bảo hiểm y tế

Áp dụng giá mới cho trên 1.900 dịch vụ y tế

Theo Thông tư 02/2017/TT-BYT, ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế, từ ngày 01/6/2017, các cơ sở y tế (CSYT) công lập chính thức áp dụng giá viện phí mới cho trên 1.900 DVYT đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT và một số dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT.

Với thông tư này, giá DVYT áp dụng với người không có BHYT sau khi được điều chỉnh sẽ tương đương giá mà Quỹ BHYT đang chi trả cho nhóm đối tượng có thẻ BHYT đang thực hiện tại các cơ sở KCB BHYT hiện nay trên toàn tỉnh.

Theo đó, ngoài việc điều chỉnh chi phí trực tiếp như thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế để thực hiện các dịch vụ KCB; chi phí về điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ,... thì mức tối đa khung giá còn bao gồm chi phí tiền lương và các khoản phụ cấp cho công chức, viên chức, người lao động tại các CSYT.

Do đó, nhiều DVYT sẽ tăng 2-3 lần giá cũ và sẽ do bệnh nhân (BN) trả 100%. Điểm khác biệt giữa người có và chưa có thẻ BHYT sau khi áp dụng mức giá mới là người có thẻ BHYT được Quỹ BHYT chi trả từ 80-100% (tùy từng đối tượng thụ hưởng), còn người khám dịch vụ sẽ phải trả 100% chi phí KCB. Với quy định mới này, khoản tiền mà người không có BHYT phải trả thêm so với mức giá hiện hành sẽ không nhỏ, nhất là những dịch vụ kỹ thuật cao.

Việc điều chỉnh giá này nhằm tạo sự công bằng giữa người có thẻ và người không có thẻ BHYT, đồng thời, tạo thuận lợi cho các CSYT có thêm kinh phí nâng cao chất lượng dịch vụ.

Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Long An - Võ Công Luận, tăng mức giá DVYT, đưa lương, phụ cấp vào viện phí nhằm giảm ngân sách nhà nước cấp cho CSYT. Dù đây là thách thức khi bệnh viện phải tạo nguồn thu để có kinh phí hoạt động nhưng cũng là động lực để tăng trách nhiệm thu hút, giữ được lòng tin của BN qua việc nâng cao chất lượng KCB, cải thiện thái độ giao tiếp để phục vụ ngày càng tốt hơn.

Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Cần Giuộc - bác sĩ Giả Văn Hưng cho biết: “Khi dịch vụ tăng thì BN được hưởng các loại thuốc chất lượng cũng như tiếp cận các dịch vụ cận lâm sàng (xét nghiệm sinh-hóa, siêu âm, nội soi, nhũ ảnh, X-quang,...), góp phần chẩn đoán chính xác hơn. Từ đó, bệnh viện thu hút được BN, tạo động lực nâng cao chất lượng KCB. Hiện tại, 80% BN đến KCB tại bệnh viện tham gia BHYT. Đây cũng là đơn vị duy nhất KCB BHYT cho công nhân vào chủ nhật hàng tuần, góp phần giảm quá tải và giải quyết các trường hợp không thể khám trong ngày làm việc. Với quy mô 250 giường, sau khi hoàn thành việc xây dựng, bệnh viện mới sẽ có trên 400 giường. Bệnh viện hiện có 40 bác sĩ nhưng vẫn không đủ phục vụ BN. Hiện tại, 30 cán bộ đang được đào tạo bác sĩ, dự kiến cuối năm 2019, BV có đủ nhân sự đáp ứng nhiệm vụ KCB tại địa phương”.


Bảo hiểm y tế là “phao cứu sinh” cho người bệnh

Thông tư 02/2017/TT-BYT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2017 nhưng không phải tất cả bệnh viện trên toàn quốc thực hiện mức giá tối đa này mà Bộ Y tế quy định mức giá và thời điểm thực hiện cụ thể. Riêng tại Long An, thông tư chính thức được áp dụng từ tháng 10/2017 theo Công văn số 2334/BYT-KH-TC, ngày 05/5/2017 của Bộ Y tế.

Lợi ích khi tham gia bảo hiểm y tế

Việc tăng giá DVYT theo Thông tư 02/2017/TT-BYT là rất đáng kể khi BN phải điều trị nội trú, dài ngày. Tuy nhiên, tác động mạnh nhất đến người chưa có thẻ BHYT là nhóm giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm.

Dù mức điều chỉnh chủ yếu khoảng 20-30%, một số ít tăng gấp đôi nhưng cũng có nhiều dịch vụ tăng từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng một lần chỉ định. Do đó, lựa chọn tham gia BHYT chính là giải pháp hữu hiệu nhất, bảo đảm quyền lợi tài chính nếu chẳng may mắc bệnh.

Theo Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Long An - Bùi Quang Triết, trên thực tế, người có BHYT không bị ảnh hưởng nhiều khi điều chỉnh giá DVYT vì chi phí KCB được Quỹ BHYT chi trả phần lớn, còn người không có BHYT bị tác động nhiều vì phải tự chi trả. Tính đến tháng 4/2017, toàn tỉnh có 82,29% dân số tham gia BHYT. Hiện tại, nhiều BN hoàn cảnh khó khăn, không có BHYT, không có tiền tích lũy nên chỉ cần một người bị bệnh thì cả gia đình dễ rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau, thậm chí kiệt quệ về tài chính; nhiều trường hợp phải bán tài sản để chữa bệnh. Do đó, BHYT chính là “phao cứu sinh” cho BN, nhất là những người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính,...

Bà Lê Ngọc Hoa (sinh năm 1961, ngụ khu phố Nhơn Hòa 1, phường 5, TP.Tân An) cho biết: “Tôi bị bệnh tiểu đường trên 7 năm. Cả gia đình thu nhập tạm đủ sống nhưng chúng tôi đều cố gắng tham gia BHYT. Bởi, không có BHYT thì sẽ rất tốn kém khi điều trị, trong khi điều kiện kinh tế không khá giả, đặc biệt nếu chẳng may bệnh nặng, chi phí cao. Tôi nghĩ, khi tăng giá DVYT thì người dân càng phải ý thức mua BHYT. Đây chính là quyền lợi của mỗi người”.

Việc tham gia BHYT mang lại rất nhiều lợi ích, nhiều BN phải điều trị lâu dài ở các cơ sở KCB tại địa phương hay tuyến trên với chi phí lớn cũng được BHYT chi trả. Việc điều chỉnh giá cho nhóm đối tượng không tham gia BHYT nhằm tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ và không có thẻ BHYT. Đồng thời, khi thấy được lợi ích rõ rệt của BHYT, người dân tích cực, chủ động tham gia. Đây là tiền đề để Long An cùng cả nước đạt mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2020.

Theo Thông tư 02/2017/TT-BYT, trên 1.900 DVYT có mức tối đa trong khung giá dịch vụ thuộc các lĩnh vực: Khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; ngày giường điều trị; kỹ thuật, xét nghiệm.

Mức tối đa khung giá quy định tại thông tư này gồm các chi phí sau:

- Chi phí trực tiếp: Chi phí về thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế để thực hiện các dịch vụ KCB. Riêng đối với một số loại thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế chưa được tính vào giá dịch vụ KCB theo quy định và máu, chế phẩm máu: Thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng cho BN và giá mua theo quy định của pháp luật; chi phí về điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ.

- Chi phí tiền lương, gồm: Tiền lương ngạch bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập; trừ các khoản chi phí tiền lương trong mức tối đa khung giá dịch vụ; phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật theo quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các CSYT công lập và chế độ phụ cấp chống dịch.

- Chi phí tiền lương trong mức tối đa khung giá dịch vụ KCB, gồm: Khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; ngày giường điều trị; kỹ thuật, xét nghiệm. Không bao gồm các khoản chi theo chế độ do ngân sách nhà nước bảo đảm./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết