Tiếng Việt | English

21/08/2015 - 09:33

Điều chỉnh tỉ giá VND/USD: Doanh nghiệp lao đao, công nhân lo lắng

Quyết định tăng biên độ tỉ giá VND/USD của NHNN khiến VND có thể giảm giá tối đa đến 5%, làm cho các DN xuất nhập khẩu gặp không ít khó khăn bởi giá nhập vào tăng vọt. NLĐ cũng lo lắng vì sợ ảnh hưởng tới công ăn việc làm.

Lợi về tỉ giá không kéo dài lâu

“Việc điều chỉnh tỉ giá lần này sẽ có tác động tới các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu (NK) khi chi phí nhập khẩu tăng và khối lượng NK do đó có thể giảm xuống” - ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam - cho biết. Về xuất khẩu (XK), Việt Nam sẽ có lợi thế tương đối về giá nhưng các bạn hàng cũng sẽ nhanh chóng yêu cầu người bán điều chỉnh giá để có thể cùng hưởng lợi từ việc Việt Nam điều chỉnh tỉ giá. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn cạnh tranh với Trung Quốc, từ mặt hàng cho tới thị trường XK, nên lợi thế từ việc điều chỉnh tỉ giá sẽ không kéo dài lâu.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Thành Đông - Giám đốc Cty Đông Quân (HCM) - cho biết, không chỉ Cty của ông, mà các Cty cùng hoạt động trong lĩnh vực phân phối các thiết bị điện tử hiện nay khá đau đầu với việc tỉ giá bị điều chỉnh tăng lên quá nhanh. Bởi với vai trò là nhà phân phối, ngay từ đầu năm Cty ký các hợp đồng đặt mua hàng từ nhà cung cấp và chỉ dự phòng rủi ro tỉ giá với biên độ tăng khoảng 2% theo như cam kết của NHNN. Tuy nhiên, việc tỉ giá được điều chỉnh tăng lên 3% mới đây ảnh hưởng tới toàn bộ kế hoạch doanh thu của Cty khiến chi phí nhập hàng tăng vọt, trong khi giá bán đầu ra lại không thể tăng vì đã thoả thuận hợp đồng với khách hàng.

Thu nhập của người lao động chưa bị ảnh hưởng

Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Tiêu VN, Phó Chủ tịch Hiệp hội Càphê - Cacao VN, TGĐ Cty CP Tập đoàn Intimex - cho rằng, việc Trung Quốc tiếp tục hạ giá nhân dân tệ (NDT) so với USD phần nào giúp hàng hóa của họ có giá rẻ hơn hàng XK của VN. Khi đó, những nhà NK của họ sẽ tìm mọi cách để hạ giá hàng của VN như đánh hạ chất lượng sản phẩm, dùng hàng rào kỹ thuật và cả hủy hợp đồng. Bên cạnh đó, các nước cạnh tranh XK với VN như Indonesia, Thái Lan và Malaysia cũng đã hạ giá đồng nội tệ của họ 7 - 10% so với đồng USD nên hàng hóa của họ cũng rẻ hơn hàng VN. Chính vì vậy, so sánh hàng hóa XK cùng chủng loại giữa VN và những nước này vào thị trường Trung Quốc, hàng VN sẽ gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, khi Trung Quốc hạ giá NDT, ngay lập tức NHNN cũng hạ giá VND nên hiện tại sản xuất, XK của các DN chưa bị tác động nhiều. Chính vì vậy, đời sống của nông dân và người lao động trong lĩnh vực nông thổ sản chưa bị ảnh hưởng.

Ông Trần Thọ Huy - Tổng Giám đốc Cty CP thang máy Thiên Nam, đơn vị có hơn 600 lao động - cho rằng, khi đồng NDT hạ giá, DN có cơ hội NK những thiết bị máy móc từ nước này với giá rẻ hơn. Tuy nhiên, hàng hóa XK của Trung Quốc vào VN sẽ rẻ hơn hàng sản xuất trong nước. Các sản phẩm của Thiên Nam lại chủ yếu sản xuất và tiêu thụ tại thị trường nội địa nên cũng sẽ phải cạnh tranh với hàng giá rẻ NK từ Trung Quốc. Hơn nữa, NHNN cho hạ giá VND so với USD nên trước mắt việc sản xuất, kinh doanh của DN vẫn bình thường. Ông Huy cũng cho hay, DN đã xây dựng thang bảng lương của người lao động ngay từ đầu năm nên đến thời điểm này vẫn giữ nguyên không có thay đổi. Có chăng, khi người lao động lĩnh lương bằng tiền VND ra mua USD mới thấy bị thiệt.

Ông Nguyễn Văn Cần - Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển, Cty TNHH MTV TCty 28 chuyên sản xuất, xuất khẩu sản phẩm dệt - may - cũng cho rằng, đồng NDT mặc dù bị phá giá nhiều lần nhưng Nhà nước cũng nhanh chóng điều chỉnh giá VND nên việc XK của DN đến thời điểm này không có gì thay đổi. Hơn nữa các hợp đồng của đơn vị được ký với các đối tác từ đầu năm nên việc sản xuất, XK gần như không thay đổi. Chính vì vậy, lương thưởng của người lao động cũng không bị ảnh hưởng.

Với DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến thuỷ hải sản đông lạnh, ông Nguyễn Xuân Châu - Tổng Giám đốc Cty CP Việt Long Sài Gòn - cho biết, các đơn hàng thanh toán chủ yếu bằng USD, chính vì vậy việc NHNN điều chỉnh tăng tỉ giá ngoại tệ giúp cho DNXK tốt hơn, lượng ngoại tệ thu về không đổi nhưng sau khi đổi ra VND sẽ nhiều hơn, việc mua nguyên liệu trong nước thuận lợi hơn. Tuy nhiên, một số nguyên liệu phải NK từ nước ngoài sẽ gặp bất lợi nếu DN không có sẵn nguồn ngoại tệ mà đi mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại sẽ cao hơn lâu nay, mà giá mua nguyên liệu NK đã ký hợp đồng chốt giá từ lâu rồi. Theo đó, các Cty làm hàng NK sẽ bị tác động khá lớn, bởi lượng tiền VND phải chi ra lớn hơn, nguy cơ lỗ khó tránh khỏi.

Lời khuyên cho doanh nghiệp Việt

Ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam - cho biết: “Khi thị trường biến động, các DN không nên chạy theo và mua bằng mọi giá vì sẽ tạo thêm biến động nữa. Thông thường sau đợt biến động, thị trường sẽ điều chỉnh ổn định trở lại quanh một mức cân bằng mới. Một ví dụ là đồng NDT sau tuần giảm giá hiện tại đã được giao dịch ổn định hơn và tâm lý thị trường cũng bình ổn trở lại. Lời khuyên của tôi là các DN giữ vững tâm lý và nên chủ động có các biện pháp quản trị rủi ro tỉ giá thay vì chỉ trông chờ vào việc bảo hộ tỉ giá của NHNN”.

Cũng theo ông Hải, thực tế đợt biến động này cho thấy những thay đổi đột xuất trên thị trường thế giới sẽ tác động tới thị trường Việt Nam. Trong tương lai, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ giảm lãi suất, Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất và do đó đẩy đồng NDT tiếp tục giảm giá, điều này tiếp tục ảnh hưởng và đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục có những bước điều chỉnh linh hoạt. Do đó, ngay khi thị trường ổn định trở lại các DN nên áp dụng chính sách quản trị rủi ro để tránh những biến động không lường trước được của thị trường trong tương lai./.

Theo Lao Động

Chia sẻ bài viết