Tiếng Việt | English

14/08/2017 - 16:27

Điều gì xảy ra khi bạn "chia tay" thuốc lá?

Các nhà khoa học Anh liệt kê hàng loạt những thay đổi xảy ra trong cơ thể bạn kể từ điếu thuốc lá cuối cùng.

Một cuộc khảo sát tại Anh cho thấy hút thuốc lá là nguyên nhân chiếm 1/4 các ca tử vong do ung thư tại quốc gia này. Có khoảng 10 triệu người Anh hút thuốc. Đáng ngạc nhiên hơn, có đến 3-4 triệu người, tức 30-40% người hút thuốc luôn chật vật tìm cách bỏ thói quen thiếu lành mạnh này.

Cơ hội bỏ thuốc lá thành công cao nhất ở người quyết tâm bỏ đột ngột - ảnh: MIRROR

Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (National Health Service – NHS) đã liệt kê những thay đổi bất ngờ xảy ra kể từ khi bạn "chia tay" điếu thuốc lá cuối cùng:

-20 phút sau, nhịp tim trở lại bình thường.

-8 giờ sau, mức oxy trong máu trở lại bình thường, trong khi nồng độ nicotine và carbon monoxide giảm xuống một nửa.

-48 giờ sau, cơ thể bạn đã hoàn toàn loại bỏ được nicotine. Khứu giác và vị giác được cải thiện. Ngoài ra, nguy cơ đau tim của bạn đã bắt đầu giảm.

-2-12 tuần sau, hệ tuần hoàn được cải thiện đáng kể.

-3-9 tháng sau, chức năng phổi cải thiện. Bạn sẽ thấy những cơn ho thưa dần.

-1 năm sau, nguy cơ mắc bệnh tim giảm một nửa so với người đang hút thuốc.

-10 năm sau, nguy cơ ung thư phổi giảm một nửa so với người đang hút thuốc.

-15 năm sau, nguy cơ đau tim do hút thuốc của bạn hoàn toàn biến mất. Bạn chỉ còn mức nguy cơ bằng với những người chưa bao giờ cầm đến điếu thuốc lá!

Bên cạnh đó, các nghiên cứu của quốc gia này cũng chỉ ra rằng: những người quyết định ngừng thuốc đột ngột có cơ hội thành công hơn người bỏ dần dần đến 25%. Tốt nhất bạn nên tự quyết tâm, vì các liệu pháp thay thế nicotine mà nhiều người tìm đến như các miếng dán, kẹo cao su, viên ngậm, ống hít… có khả năng khiến bạn… bỏ được thuốc nhưng nghiện luôn sản phẩm thay thế. Dù nó ít hại hơn thuốc lá nhưng rõ ràng là không nên. Thuốc lá điện tử cũng vậy, rất nhiều người cố dùng nó để bỏ thuốc là và chuyển sang phụ thuộc vào thuốc lá điện tử. Biện pháp hỗ trợ được các nhà khoa học Anh "chấm" là thôi miên. Tuy hiệu quả rất cao và không sợ hiệu ứng không mong muốn, nhưng giá cả của việc trị liệu thôi miên khá đắt đỏ.

A. Thư/nld.com.vn (Theo Mirror) 

 

Chia sẻ bài viết