Tiếng Việt | English

02/03/2017 - 03:00

Đình chỉ vụ án dọn cây ngã đổ bị kết tội phá rừng

Chiều 01/3, nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết, ông Nguyễn Ngọc Phước - viện phó Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ký các quyết định đình chỉ vụ án hình sự, đình chỉ vụ án vụ "phá rừng" trước đó.

Từ trái qua là các ông Nguyễn Văn Chỉ, Nguyễn Quang Dũng, Huỳnh Văn Năm - Ảnh: NGUYỄN NAM

Quyết định đình chỉ với các bị can Nguyễn Quang Dũng (55 tuổi), Nguyễn Văn Chỉ (54 tuổi), Huỳnh Văn Năm (49 tuổi, cùng ngụ tại TP. Phan Thiết, Bình Thuận).

Quyết định nêu rõ đình chỉ vụ án vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng xảy ra tại Ban quản lý rừng phòng hộ Phan Thiết (xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết) theo quyết định khởi tố hình sự số 56 ngày 14/7/2014 của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận.

Trả tự do cho các bị can đã bị khởi tố trong vụ này này gồm các ông Dũng, Chỉ, Năm đồng thời đình chỉ mọi hoạt động tố tụng đối với vụ án kể từ ngày ký Quyết định (27/02).

Hồ sơ vụ việc cho thấy, vào tháng 4/2012 bão số 1 đổ bộ vào xã Tiến Thành làm gãy đổ một số cây keo lá tràm do Ban quản lý rừng phòng hộ Phan Thiết quản lý.

Theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận, mặc dù không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác tận thu nhưng ông Nguyễn Quang Dũng (trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Phan Thiết) đã tổ chức việc khai thác lâm sản trái phép, trực tiếp ký hợp đồng thuê nhân công, chỉ đạo cấp dưới lập phương án khai thác và kiểm tra giám sát việc khai thác lâm sản trái phép.

Ông Nguyễn Văn Chỉ (trưởng phòng kỹ thuật và bảo rừng của ban quản lý rừng phòng hộ Phan Thiết) đã lập phương án thu gom và trực tiếp kiểm tra, giám sát việc khai thác và ký nghiệm thu số lượng lâm sản trái phép.

Ông Huỳnh Văn Năm (kiểm lâm địa bàn xã Tiến Thành) biết việc khai thác lâm sản không có giấy phép nhưng vẫn tham gia kiểm tra giám sát việc khai thác lâm sản trái phép, ký hồ sơ nghiệm thu số lượng lâm sản khai thác trái phép.

Số lượng lâm sản khai thác trái phép là 66,162m3 gỗ tròn keo lá tràm, vượt trên 2 lần mức tối đa bị xử phạt hành chính (20 m3) là thuộc trường hợp “phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng”. Do đó, hành vi của các ông Dũng, Chỉ, Năm đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng.

Cũng theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận, trong quá trình giải quyết vụ án, ngày 28/6/2016 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thông tư 21 quy định về khai thác chính và tận dụng, tận thu lâm sản, đồng thời ngày 01/11/2016 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 49 về quy chế quản lý rừng sản xuất.

Theo hai văn bản này thì việc khai thác, tận dụng, tận thu gỗ rừng trồng tập trung trong rừng sản xuất do chủ rừng tự quyết định, không cần có giấy phép khai thác.

Như vậy, do có sự chuyển biến tình hình (thay đổi chính sách pháp luật) nên hành vi khai thác 66,162m3 gỗ tròn keo lá tràm không có giấy phép của các ông Dũng, Chỉ, Năm không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Căn cứ các văn bản mà hai cấp tòa sử dụng để xét xử vụ án cho thấy các ông Dũng, Chỉ, Năm tiến hành dọn cây ngã đổ sau khi đã có văn bản đồng ý về chủ trương của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận.

Quyết định Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bình Định

Ông Dũng gửi đơn đến Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phản ánh vụ việc mình bị xử lý hình sự và nhận được văn bản trả lời của bộ này vào ngày 28/01/2016 khẳng định việc dọn cây ngã đổ như trên chưa cấu thành hành vi khai thác rừng trái phép.

Trong khi đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận có văn bản ngày 26/01/2016 trả lời yêu cầu cung cấp thông tin vụ án của TAND (Tòa án nhân dân) TP. Phan Thiết nêu rõ diện tích rừng được dọn cây ngã đổ đã được đưa ra ngoài 3 loại rừng để chuyển mục đích xây dựng khu dân cư tại xã Tiến Thành và phát triển du lịch.

Các ông Dũng, Chỉ bị bắt tạm giam 4 tháng để điều tra, còn ông Năm bị bắt 01 tháng 5 ngày thì cho tại ngoại để chờ ngày ra tòa (cha ông Năm chết khi ông Năm đi tù). TAND TP. Phan Thiết xử sơ thẩm kết án ông Dũng, Chỉ 12 tháng tù, ông Năm 9 tháng tù.

Cả 3 người sau đó vẫn được tại ngoại để chờ xử phúc thẩm. TAND tỉnh Bình Thuận xét xử phúc thẩm tuyên trả hồ sơ điều tra lại và đến nay vụ án bị đình chỉ.

Các ông Dũng, Chỉ, Năm đều đã gửi nhiều đơn thư kêu oan đến khắp các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận và Trung ương, cho rằng họ chỉ làm nhiệm vụ công là thu dọn cây ngã đổ chứ không tư lợi gì trong vụ việc này, việc xử lý hình sự như nêu trên là quá nặng./.

Theo Tuổi trẻ online

Chia sẻ bài viết