Tiếng Việt | English

08/10/2015 - 14:22

Đình làng - Nét văn hóa sống trong lòng dân

Không chỉ là nơi thờ Thành hoàng mang đậm giá trị tín ngưỡng, tâm linh, đình từ thuở sơ khai đã được xem là “trung tâm văn hóa” của làng. Chức năng văn hóa của đình cũng được thể hiện rõ nét qua các lễ hội mang đậm tính cộng đồng làng xã...

1. Từ lâu, hình ảnh “Cây đa, giếng nước, mái đình năm xưa” đã trở thành biểu tượng của làng quê Việt Nam mà đến hôm nay, một số nơi vẫn còn mang đậm hồn quê ấy. Ở đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, phía sau sân đình là một cây đa cao lớn, tỏa bóng mát quanh năm. Đình Vạn Phước được xem là “trung tâm văn hóa” của làng Vạn Phước năm xưa và của người dân ấp Vạn Phước bây giờ. Mái đình có kiến trúc tứ trụ - nét văn hóa đặc thù trong nền văn hóa truyền thống của đình, miếu Nam bộ.


Đình Vạn Phước - nơi được xem là “trung tâm văn hóa” của người dân từ xưa đến nay

Đây là nơi thờ cúng những bậc tiền nhân như Bùi Quang Diệu – một thủ lĩnh nghĩa quân trong phong trào võ trang kháng Pháp ở Cần Giuộc, Cần Đước và là người có công dời đình Vạn Phước về vị trí hôm nay. Đây cũng là nơi đặt linh vị đức nghệ nhân tiền phong về nhạc lễ, nhạc tài tử ở Nam bộ - nhạc sư Nguyễn Quang Đại. Hằng năm, cứ vào 19 tháng giêng âm lịch, Liên hoan Đờn ca tài tử lại diễn ra ở ngôi đình Vạn Phước. Tất cả giới tài tử của các câu lạc bộ ở các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ lại về đây dâng lên bàn thờ nhạc sư một nén hương tỏ lòng thành kính, tri ân.

Cùng với lễ giỗ nhạc sư Nguyễn Quang Đại là lễ Kỳ yên đình Vạn Phước. Những ngày này, người dân lại cùng nhau góp chút lễ vật dâng lên Thành hoàng và các bậc anh hùng đang thờ cúng ở đình để cầu một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Nét văn hóa tâm linh, tín ngưỡng cộng đồng và sự gắn kết xóm làng thể hiện khá rõ nét qua lễ Kỳ yên.

Vốn là “trung tâm văn hóa” từ thời lập làng đến tận nay, hằng tháng, sân đình Vạn Phước là nơi sinh hoạt của các đoàn thể ấp. Ông Bùi Văn Hồng, người đang “cai quản” ngôi đình Vạn Phước chia sẻ: “Rất nhiều hoạt động đã diễn ra nơi đây ngoài họp dân. Đó là lớp “Học làm người có ích” của Huyện đoàn Cần Đước tổ chức cho học sinh vào dịp hè, là hoạt động đờn ca tài tử của những người yêu thích ở ấp,... Nơi đây còn có tủ sách pháp luật nên buổi trưa, hay khi vào nghỉ mát, nhiều người dân tìm đọc. Chính vì đình Vạn Phước gắn liền với đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng tâm linh của người dân nên hằng năm, mọi người đều đóng góp để sửa chữa, tu bổ ngôi đình. Năm nay, người dân đã đóng góp xây cổng đình...”.

2. Nằm cạnh dòng sông Tầm Vu ở khóm 1, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, đình Tân Xuân với kiến trúc lợp ngói âm dương, trên nóc trang trí lưỡng long tranh châu vừa được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Nhắc đến đình Tân Xuân, nhiều người sẽ nghĩ đến lễ hội Làm chay cũng vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong năm 2015.


Lễ hội Làm chay ở đình Tân Xuân – một hình thức gắn kết cộng đồng

Đình Tân Xuân xây dựng từ thế kỷ XIX, là nơi sinh hoạt của làng Tân Xuân xưa (nay là thị trấn Tầm Vu). Ngôi đình là nơi thờ tự các thủ lĩnh nghĩa quân trong phong trào võ trang kháng Pháp thế kỷ XIX của Thủ Khoa Huân gồm ông Đỗ Tường Tự và Đỗ Tường Phong, các vị tiền bối của phong trào yêu nước cách mạng là ông Châu Văn Giác, Võ Duy Truyện, cố giáo sư Trần Văn Giàu và 155 anh hùng liệt sĩ ở địa phương.

Hằng năm, tại đình Tân Xuân diễn ra lễ Kỳ yên, hạ điền, thượng điền, cầu bông, đặc biệt là lễ hội Làm chay vào ngày 15 và 16 tháng Giêng âm lịch để tỏ lòng tri ân của thế hệ hôm nay với tiền nhân thuở trước. Các lễ hội dân gian này cũng nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu an cho người đang sống và cầu siêu cho người đã mất...

Lễ hội Làm chay ở đình Tân Xuân khơi nguồn từ lòng yêu nước, sự yêu thương và kính trọng các bậc nghĩa khí trung kiên đã hy sinh. Người dân Tầm Vu hay nhắc nhau rằng: “Dù ai buôn bán bộn bề. Làm chay mười sáu nhớ về Tầm Vu”. Vì thế, khi đến hẹn lại lên, người dân Tầm Vu không ai bảo ai nhưng cũng tự tâm hướng về lễ hội.

Ông Bùi Văn Xảnh, 68 tuổi, ngụ khu phố 1, thị trấn Tầm Vu - người hơn 20 năm gắn với lễ hội Làm chay chia sẻ: “Tấm lòng của người Tầm Vu hướng về lễ hội truyền thống được chứng minh qua bảng danh sách ủng hộ cho lệ Làm chay được treo ngay khu phố 1 hằng năm. Dù không nhiều, mỗi người vài trăm nghìn đồng nhưng rất đông người đóng góp, bởi đây là lễ hội tri ân những bậc tiền nhân vị nước vong thân và cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu nên mọi người ủng hộ rất nhiệt tình”.

Ngoài người dân, các mạnh thường quân, những người con Châu Thành đang làm ăn xa cũng hướng về lễ hội. Tất cả nguồn kinh phí xã hội hóa này ngoài chi tiêu cho lễ hội hằng năm còn được sử dụng để trùng tu, sửa chữa lại ngôi đình.

Chính các lễ hội diễn ra ở đình cũng là một yếu tố liên kết cộng đồng, tạo sức cộng cảm trong văn hóa xóm làng, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân. Gần đây, qua các trang mạng, triễn lãm “Đình làng Việt – những điều còn mất” được nhiều người quan tâm. Trong đó, có ý kiến của TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, nên để người dân tham gia trực tiếp vào công tác bảo tồn, tôn tạo di tích, thậm chí đóng góp tiền của thì di sản mới thực sự sống trong lòng dân. Ở Long An, nét văn hóa đình làng vẫn còn sống trong lòng dân có lẽ vì thời gian qua, thông qua các lễ hội, sức dân đã được phát huy!

Theo Bảo tàng Long An, toàn tỉnh có hơn 200 đình, miếu. Trong số đó, có 2 ngôi đình được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, gồm đình Vĩnh Phong, đình Tân Xuân; 11 đình xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Ở mỗi ngôi đình đều có lễ Kỳ yên và một số lễ hội diễn ra hằng năm. Đình được xem là nơi sinh hoạt văn hóa của người dân từ xưa đến nay mà cô đọng và rõ nét nhất là thông qua các lễ hội.

Thùy Hương

 

 

Chia sẻ bài viết