Tiếng Việt | English

12/09/2018 - 15:04

Đình thần - Nơi lưu giữ nét văn hóa truyền thống: Bài 2 - Biểu tượng lịch sử - văn hóa

Đình thần từng là nơi sinh hoạt cộng đồng của làng xã. Đình ngày trước không chỉ là nơi thờ cúng vị thần cai quản địa phương mà còn chứa đựng trong ấy nhiều giá trị quý giá đến ngày nay chưa hề phai nhạt.

Đình Tân Chánh

Đình Tân Chánh

Đình không chỉ là nơi thiêng liêng mà còn là nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân thời xưa. Đình có từ rất sớm, gắn với quá trình khai hoang, mở đất lập làng của người Việt ở vùng đất phương Nam và mang những giá trị quý báu, không thể nào thay thế.

Nguồn sử liệu quý báu

Nhắc đến giá trị về tư liệu và lịch sử thì đình Tân Chánh (xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) là một trong những ngôi đình tiêu biểu. Nơi đây còn lưu giữ một số lượng lớn những văn bản cổ có đóng dấu ấn triện màu son của vua Gia Long và Minh Mạng. Đó là những văn tự bản gốc về nội dung liên quan đến lịch sử - văn hóa vùng đất Tân Chánh nói riêng và Cần Đước nói chung trong tiến trình khai phá và tồn tại. Thông qua những cứ liệu về văn hóa, tư liệu và niên đại khẳng định lịch sử khai phá vùng đất Cần Đước của lưu dân người Việt đến đây là rất sớm (giữa thế kỷ XVIII) và có thể xem là sớm nhất ở Long An. Họ vốn là những cư dân từ vùng Ngũ Quảng, theo con đường biển từ cửa Soài Rạp ngược lên sông Vàm Cỏ và đến Tân Chánh ngày nay. Trong đó, Nguyễn Khắc Tuấn - người được người dân thờ cúng ở đình đến nay - là một nhân chứng quan trọng trong việc tìm hiểu về thời điểm ra đời của vùng đất Tân Chánh. Thông qua những tư liệu của đình, được biết Nguyễn Khắc Tuấn là võ tướng tài năng, công trạng của ông được khẳng định trong bản sắc phong của vua Minh Mạng phong tặng vào năm 1823. Cùng với Nguyễn Huỳnh Đức, Nguyễn Khắc Tuấn cũng là một trong những người đóng vai trò khai quốc công thần của vua Gia Long thuộc triều đại nhà Nguyễn.

Ngoài những văn bản cổ, sắc phong, bài vị, hoành phi, câu liễn, đối trang trí ở đình cũng là những tài liệu chữ Hán rất có giá trị, phục vụ việc nghiên cứu văn hóa phong kiến và cổ văn Hán tự. Một số trong đó được dịch thuật. Trong đó, bản sắc phong Nguyễn Khắc Tuấn vào ngày 03-3 năm Minh Mạng thứ 4 (1823) được dịch thuật có nội dung như sau: “Thừa lệnh trời, hưng vận nước, Hoàng đế ban rằng: Ta là một cõi cương trường hiệu lực, đã thâu người chịu việc rất trung, vua tặng tước thưởng đáp công rất hậu, cho phép ngươi hầu thác ngày lành, chỉnh đông người hiệp nhau làm lễ tẩm liệm tơ lụa kỹ càng. Ngươi: Nguyễn Khắc Tuấn đã mất, giữ chức Khâm sai Chưởng cơ Thống quản Trung quân, Chấn định Thập cơ, tước Xuân quan hầu, vốn sức mạnh như cung tên bắn kẻ mạnh tướng, dựng cờ ứng nghĩa nơi đất Đông Phố xưa, xông pha đi đầu tiến công kẻ thù tại Bắc Thành, thành lập luyện binh những giây phút chống kẻ cuồng nam ẩn nấp cướp động tụ tập đông người, dùng binh chỉ huy gươm đao giữ oai của triều đình nơi xông pha trận mạc, bắt kẻ phản nghịch giam ở núi Cừ Sơn. Trẫm ban thưởng công trận, từng nghe có người kêu thương mà theo ngươi đầu quân, nhờ ngươi mà dân được yên ổn, yêu thương nhau, đêm không đóng cửa, ngày không lượm của rơi. Trẫm thấy ngươi trung can nghĩa khí, ban cho ngươi chức Nghiêm oai tướng quân, thượng hộ quân, hàm Thống chế, tước Nguyễn Hầu, thụy là Tráng Nghị”.

Tất cả được xem là những tư liệu quan trọng về một giai đoạn lịch sử của dân tộc trong 2 triều đại vua Gia Long và Minh Mạng. Bà Sáu - người trông coi đình Tân Chánh, cho biết: “Sắc phong được bảo quản trong hộp gỗ và thờ tại đình, được người dân rất kính trọng. Mỗi dịp lễ Kỳ yên mới tiến hành nghi lễ thỉnh sắc. Với vai trò là người trông coi, tôi thắp hương, quét dọn và kiểm tra xung quanh đình hàng ngày để giữ gìn nơi tôn nghiêm này”.

Đình Phú Khương (xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa) cũng là một trong những ngôi đình cổ của Long An. Đình được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX. Năm 1845, đình được 2 sắc phong của vua Thiệu Trị và năm 1850 được 1 sắc phong của vua Tự Đức. Không chỉ có giá trị về niên đại, đình Phú Khương còn gắn liền với quá trình đi khai hoang mở đất, lập làng của cư dân người Việt. Đình còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử ở địa phương trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, là nơi ra đời đội Thanh niên Tiền phong. Đình còn là nơi cán bộ cách mạng ẩn náu, cất giấu tài liệu, vũ khí, tập luyện quân sự, tập hợp đấu tranh của các phong trào đấu tranh ở địa phương.

Kiến trúc độc đáo

Nếu Di tích lịch sử đình Tân Chánh có giá trị lớn về sử liệu thì lăng mộ Nguyễn Khắc Tuấn (xã Tân Chánh, huyện Cần Đước) - cùng nằm trong cụm di tích đình Tân Chánh - lại có giá trị lớn về kiến trúc thời xưa. Tổng thể lăng mộ có quy mô khá lớn và cổ kính. Kỹ thuật xây dựng của lăng mộ Nguyễn Khắc Tuấn thể hiện được nét độc đáo và còn gần như nguyên vẹn dù trải qua gần 200 năm. Thành phần chất liệu xây dựng lăng mộ là đá ong và vữa tam hợp. Nội dung bia mộ ghi rõ xây dựng năm Giáp Thân (1824), tước hiệu ông là Khâm sai Chưởng cơ thống quản Trung quân Chấn Định thập cơ tước Nghiêm oai tướng quân Thượng Hộ quân Thống chế thụy Tráng Nghị, bà Trương Thị Huy - vợ chánh Nguyễn Khắc Tuấn và cháu ông là Nguyễn Khắc Uẩn cùng phụng lập mộ. Theo bà Đỗ Thị Lan - người viết hồ sơ di tích - lối kiến trúc cổ của lăng Nguyễn Khắc Tuấn và mẹ ông là đối tượng vật chất góp phần quan trọng cho các nhà nghiên cứu kiến trúc cổ Việt Nam.

Bà Sáu - người trông coi Đình Tân Chánh cho biết:

Bà Sáu - người trông coi Đình Tân Chánh cho biết: "Sắc phong được bảo quản trong hộp gỗ và tôn thờ tại đình, được người dân rất kính trọng"

Cùng lăng Nguyễn Khắc Tuấn, lăng Nguyễn Huỳnh Đức (phường Khánh Hậu, TP.Tân An) cũng mang giá trị kiến trúc độc đáo. Lăng Nguyễn Huỳnh Đức được xem là một trong những kiến trúc cổ nhất của Long An, tồn tại gần như nguyên vẹn đến ngày hôm nay, chỉ riêng tấm bình phong được trùng tu năm 1927. Nhìn chung, lăng Nguyễn Huỳnh Đức vẫn còn giữ được yếu tố nguyên gốc bằng đá ong và đá vữa tam hợp. Lăng được xây dựng từ năm 1817, điển hình cho loại kiến trúc lăng mộ phục vụ tầng lớp quan lại phong kiến đầu thế kỷ thứ XIX. Kiến trúc lăng Nguyễn Huỳnh Đức với hoa văn theo kiểu đắp nổi trên mộ. Tuy chịu ảnh hưởng nhiều bởi phong cách, kiểu dáng kiến trúc đầu đời Nguyễn nhưng lăng vẫn giữ nét đặc trưng, mang bản sắc địa phương. Có thể thấy, với những yếu tố trên, lăng Nguyễn Huỳnh Đức là một đối tượng vật chất có nhiều ý nghĩa đối với các nhà nghiên cứu kiến trúc cổ Việt Nam. Ngoài ra, đền thờ và cổng lăng tuy được xây dựng sau nhưng vẫn mang phong cách kiến trúc cổ và có sự kết hợp giữa tính hiện đại và truyền thống trong chất liệu và nghệ thuật.

Có thể thấy rằng, đình, lăng mộ không chỉ là những di tích lịch sử mà còn là nguồn sử liệu quý giá và mang những giá trị không thể thay thế./.

(còn tiếp)

Bài cuối: Giữ gìn "hồn cốt" dân tộc

Ngọc Thạch - Phương Phương

Chia sẻ bài viết