Tiếng Việt | English

20/09/2018 - 10:10

Định vị thương hiệu để ngành điều giảm khó

Những năm qua, ngành điều là một trong số rất ít nông sản có khối lượng xuất khẩu (XK) khởi sắc, mang lại giá trị kim ngạch lớn cho tỉnh Long An. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay, phần lớn doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh điều lâm vào tình cảnh khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Gặp khó vì cung vượt cầu

Theo thống kê của Cục Hải quan tỉnh, 8 tháng năm 2018, lượng nhân điều XK trên địa bàn tỉnh đạt 68,7 triệu USD và nhập khẩu (NK) đạt 82,3 triệu USD (nguyên liệu). So cùng kỳ năm 2017, lượng nhân điều XK chỉ bằng 53,4% và NK chỉ bằng 64%. Đánh giá của một số chủ DN sản xuất, kinh doanh điều cho thấy, ngành điều đang lâm vào tình cảnh khó khăn. Tại tỉnh, trước đây có trên 30 nhà máy chế biến điều hoạt động thì nay chỉ còn 12 nhà máy đang hoạt động.

Tổng Giám đốc Công ty (Cty) Cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco) - Phan Ngọc Sơn cho biết: “Ngành điều hiện rất khó khăn. Hiện nay, giá nguyên liệu lẫn giá XK đều giảm, sức tiêu thụ cũng giảm khiến những DN tồn tại đều giảm quy mô sản xuất. Năm 2018, Lafooco chủ động giảm NK nguyên liệu 50% so với năm 2017. Ước cả năm nay, sản lượng XK điều nhân chỉ đạt phân nửa so với kế hoạch đặt ra vào đầu năm”.

Công nhân chế biến hạt điều

Theo ông Sơn, một trong những nguyên nhân khiến ngành điều gặp khó là thời gian gần đây, có rất nhiều DN tham gia chế biến điều khiến tổng sản lượng tăng trưởng mạnh. Trong khi đó, khách hàng từ các nước có nhu cầu NK tăng không nhiều. Tình trạng trên dẫn đến DN cạnh tranh lộn xộn, khó kiểm soát chất lượng.

Cty Cổ phần Lông Vũ Xuất nhập khẩu tổng hợp Long An (Lông Vũ) có 3 sản phẩm chính phục vụ thị trường là lông vũ, may mặc và hạt điều. Theo đại diện Cty, 2 sản phẩm lông vũ và may mặc hiện sản xuất, kinh doanh tốt nhưng hạt điều gặp không ít khó khăn. Nếu như các năm trước, bình quân mỗi năm, Lông Vũ nhập khoảng 5.000 tấn nguyên liệu điều để chế biến XK thì năm 2018 chỉ nhập 1.000 tấn để duy trì sản xuất. Một trong những nguyên nhân khiến Cty NK nguyên liệu giảm là giá XK nhân điều giảm 20% so với trước đây, lợi nhuận giảm hoặc thua lỗ. Những năm trước, doanh thu của Cty từ nhân điều chiếm 40% trên tổng doanh thu. Thế nhưng, năm 2018, ước tính doanh thu từ nhân điều chỉ chiếm khoảng 25% trên tổng doanh thu.

Một thực trạng khác đang diễn ra là do quá thiếu vốn, nên trong ngành điều xảy ra tình trạng các nhà máy đua nhau hạ giá bán nhân điều xuống nhằm bán được hàng để có vốn quay vòng sản xuất. Đây là nguyên nhân khiến giá nhân điều XK của Việt Nam bị giảm mạnh trong mấy tháng qua.

Cần định vị thương hiệu

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, Long An và Bình Phước là 2 địa phương có DN tham gia chế biến nhân điều nhiều nhất. Nếu như Long An chỉ còn 12 DN hoạt động thì Bình Phước có đến 80% DN đóng cửa, ngưng hoạt động. Hầu hết các DN đóng cửa là DN nhỏ, sức cạnh tranh kém, hoạt động tự phát nên gặp rủi ro khi thị trường biến động.

Ông Phan Ngọc Sơn cho biết thêm, trước tình trạng giá điều nhân XK giảm, Cty thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm giá thành thông qua đưa trang thiết bị, máy móc vào sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm. Đồng thời, thực hiện nghiên cứu chế biến sâu, hàng organic để gia tăng giá trị sản phẩm. Bởi, nhân điều là một trong những loại hạt cao cấp, luôn có chỗ đứng nhất định trên thị trường nước ngoài.

Cty TNHH Duy Đức có mặt trong ngành chế biến nhân điều đã lâu. Trước khó khăn của ngành điều, Cty này cũng không tránh khỏi. Tuy vậy, 8 tháng qua, sản lượng XK nhân điều của Cty giảm không đáng kể. Giám đốc Cty TNHH Duy Đức - Châu Thị Vân cho biết: “Cty không tham gia chế biến sâu mà chỉ chuyên XK nhân điều sau chế biến. Thị trường XK của Cty là khách hàng Mỹ chiếm 50-60%, Trung Quốc chiếm hơn 20%, còn lại là thị trường khác. Thời gian qua, Cty chú trọng chế biến theo hướng an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn HACCP, BRC. Tuy vậy, 8 tháng qua, DN thua lỗ khá nhiều do nhập nguồn nguyên liệu ở thời điểm giá còn khá cao”.

Đại diện Cty TNHH Chế biến nông sản, thực phẩm xuất khẩu Tân An (Tanimex) cho rằng, theo dự báo của Hiệp hội Điều Việt Nam, sau một thời gian khó khăn, chắc chắn ngành sản xuất, kinh doanh điều sẽ phục hồi. Bởi hiện tại, lượng nhân sản xuất tại Việt Nam chiếm 40% thị phần của thế giới. Việt Nam vẫn là nước có lượng chế biến nhân điều nhiều nhất. Còn bà Châu Thị Vân cho rằng, hiện nay, những DN nhỏ, sức cạnh tranh kém đã ngừng hoạt động. Qua đó, những DN tồn tại chắc chắn sẽ qua giai đoạn khó bởi thị trường XK giảm bớt cạnh tranh không lành mạnh.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Điều Việt Nam đang nỗ lực vận động DN thực hiện truy xuất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn, sản xuất sạch hơn, chế biến sâu hơn, phát triển mạnh hơn thị trường nội địa; xây dựng các nhà máy lớn, chú trọng đầu tư cho thương hiệu. Từ đó, nâng cao giá trị hạt điều, định vị thương hiệu điều Việt Nam trên thế giới, đưa giá trị thương mại của toàn ngành lên khoảng 4 tỉ USD trong năm 2019./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích