Tiếng Việt | English

12/04/2017 - 08:11

Đổ rác ở đâu?

Kinh tế - xã hội phát triển, chất lượng cuộc sống của con người được nâng cao sẽ dẫn đến hệ quả là có nhiều rác thải ra môi trường. Hiện giờ, rác “có mặt” ở nhiều nơi, từ thành thị đến nông thôn,... Nơi nào có con người sinh hoạt, ở đó có rác.

Điều đó cho thấy, trước hết là ý thức về vệ sinh môi trường của một bộ phận không nhỏ người dân còn kém, vô tư thải rác không đúng nơi quy định, vứt vỏ bánh, kẹo, bịch nylon, mẩu thuốc lá,... ngay trên đường, xuống cống,... có người còn đổ trộm rác thải công nghiệp ra ven đường, trong rừng tràm, xuống sông,... Trong sản xuất nông nghiệp, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật thì vứt lại trên đồng hoặc ném thẳng xuống kênh,...

Hậu quả từ việc vứt rác bừa bãi thì quá rõ: Gây ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất trồng; mất vệ sinh, lây lan bệnh tật; nghẹt cống rãnh, gây ách tắc dòng chảy,... Đặc biệt, tình trạng rác thải tràn lan còn phản ánh trình độ văn hóa thấp, thói quen tùy tiện, làm mất mỹ quan đô thị và nông thôn. Việc xử lý rác thải đang “làm khó” chính quyền từ đô thị văn minh đến các xã văn hóa, nông thôn mới. Ngay cả những địa phương được công nhận danh hiệu văn hóa, nông thôn mới, nơi có tỷ lệ hộ đạt gia đình văn hóa rất cao vẫn “loay hoay”, thậm chí “bó tay” trước tình trạng rác thải bừa bãi. Trước đây, TP.Tân An có chương trình thí điểm phân loại rác tại nguồn nhưng không được duy trì nên đi vào quên lãng.

Muốn giải quyết cơ bản, lâu dài vấn đề rác thải, giải pháp nâng cao ý thức con người có tính quyết định nhưng chưa đủ mà phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp: Bảo đảm điều kiện cho người dân đổ rác, thu gom, xử lý rác. Ai cũng thấy, đi trên đường phố, muốn tìm nơi bỏ rác không phải dễ bởi thùng rác không được phân bố đều trên các tuyến đường, mà có bố trí thùng rác thì nhiều hộ không đồng thuận vì mùi hôi thối.

Ở nông thôn, không có xe lấy rác, một số người dân tự hủy bằng cách đào hố chôn rác nhưng bao bì nhựa không thể phân hủy được, vậy đổ rác ở đâu? Đường phố thì có công nhân vệ sinh quét dọn, thu gom rác, còn đường quê thì không ai làm việc này. Muốn thu gom, tập trung vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật thì mỗi xã chỉ có vài điểm, rất bất tiện. Các địa phương còn gặp khó về bãi tập trung rác và xử lý rác.

Do vậy, muốn có lời giải của bài toán về ô nhiễm rác thải, cần có những giải pháp đồng bộ: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân; có hệ thống thu gom rác thải, bao bì nhựa, thuốc bảo vệ thực vật: Ở những nơi thuận tiện phải bố trí thùng rác, xe thu gom rác, có nhiều điểm tập trung rác nông nghiệp để nông dân thuận tiện trong việc thu gom vỏ bao bì; các cấp, các ngành liên quan quan tâm quy hoạch, xây dựng phương án, đầu tư nguồn lực trong xử lý rác; cần có biện pháp chế tài mạnh với những đối tượng vứt rác thải, xác động vật ra môi trường để lập lại trật tự, kỷ cương, góp phần xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết