Tiếng Việt | English

18/10/2019 - 18:38

Đoàn công tác PEPFAR, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa kỳ tại Việt Nam làm việc tại Bến Lức

Chiều 18/10, đoàn PEPFAR và Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa kỳ (CDC) tại Việt Nam làm việc và trao đổi về các hoạt động dự án hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (VAAC-US.CDC) tại Trung tâm Y tế huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Đoàn công tác trao đổi với lãnh đạo huyện và Trung tâm Y tế huyện Bến Lức về công tác phòng, chống HIV/AIDS

Bến Lức là cửa ngõ giao thương giữa TP.HCM và các tỉnh miền Tây, tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp của tỉnh nên có nhiều người dân ngoại tỉnh làm ăn, sinh sống, kéo theo tệ nạn xã hội nên tình hình HIV có thể diễn biến phức tạp. Tại Bến Lức, số người nhiễm HIV còn sống và quản lý được là 310 – cao thứ 2 trong tỉnh; số người có nguy cơ cao là nam quan hệ đồng giới (14 người), nghiện ma túy (303 người) và nữ hoạt động mại dâm (112 người).

Thời gian qua, Bến Lức thực hiện tốt công tác tư vấn và xét nghiệm PNS (bạn tình/bạn chích người nhiễm HIV) tại OPC (phòng khám và điều trị ngoại trú cho người nhiễm HIV); điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP, đến tháng 10/2019, đạt 33 ca (kế hoạch 30 ca).

Đoàn tham quan, tìm hiểu hoạt động của phòng khám ngoại trú (OPC) tại Trung tâm Y tế huyện Bến Lức

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống HIV/AIDS của địa phương còn gặp khó khăn về nhân sự; phần mềm chưa ổn định và nhân viên sử dụng phần mềm chưa tốt; nhân tố “hạt giống” (nhân viên hỗ trợ cộng đồng) hoạt động không đồng đều; bệnh nhân bỏ điều trị ở huyện khác, khó tiếp cận tư vấn, vận động điều trị lại. Thời gian tới, huyện Bến Lức đề xuất được hoàn chỉnh phần mềm quản lý Dự án và hướng dẫn sử dụng; tăng cường giám sát, hỗ trợ từ tuyến trên và học tập kinh nghiệm từ các đơn vị bạn.

Tại cuộc làm việc, đoàn công tác biểu dương những nỗ lực của huyện và làm rõ một số vấn đề về việc xét nghiệm đúng mạng lưới, nhóm đối tượng; xét nghiệm lưu động, xét nghiệm HIV tại cộng đồng và hỗ trợ xét nghiệm trong trại giam,… Đồng thời đề xuất tăng cường huấn luyện kỹ năng truyền thông cho nhóm “hạt giống” trong việc tiếp cận tìm ca nhiễm HIV; tập trung vào khách hàng đang điều trị ARV (PNS); tăng cường giám sát, hỗ trợ tuyến xã;… để hoàn thành chỉ tiêu, góp phần vào thành tích chung của tỉnh trong công tác phòng, chống HIV/AIDS./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết