Tiếng Việt | English

01/06/2017 - 20:22

Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Long An đóng góp ý kiến Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)

Ngày 01/6, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Long An đóng góp Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL).

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đóng góp Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)

Theo đại biểu, dự thảo Luật lần này có tiếp thu chỉnh lý, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng và Nhà nước về các chính sách xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, quan điểm về quyền con người, quyền công dân trong giai đoạn mới,...

Tuy nhiên, để góp phần bảo đảm tính phù hợp, khả thi cao đối với nội dung dự thảo Luật, đại biểu đóng góp 2 vấn đề như sau:

Vấn đề 1: Về người được trợ giúp pháp lý (Điều 7): Đề nghị cần thống nhất và điều chỉnh một số quy định sau:
- Tại khoản 5 của dự thảo Luật quy định: Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người đương nhiên được TGPL và tại điểm khoản 7 của dự thảo Luật quy định: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người bị hại trong vụ án hình sự là người được TGPL nhưng phải kèm theo điều kiện là có hoàn cảnh khó khăn về tài chính.

Quy định như dự thảo chưa hợp lý vì người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nhưng không thuộc hộ nghèo, không có hoàn cảnh khó khăn, không kèm theo bất kỳ điều kiện nào đều đương nhiên thuộc đối tượng TGPL.

Trong khi đó, các em trong độ tuổi như trên là người bị hại trong vụ án hình sự phải có hoàn ảnh khó khăn, mới là người được TGPL. Vì vậy, đề nghị thống nhất và sửa lại như sau: “Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người bị buộc tội hoặc bị hại trong vụ án hình sự đều là người được TGPL.”

- Đối với người khuyết tật, tại điểm b, khoản 7, quy định là người được TGPL khi họ “phải có hoàn cảnh khó khăn về tài chính”. Quy định này chưa đồng bộ, thống nhất với Luật Người khuyết tật năm 2010; tại Điều 4, Luật này quy định người khuyết tật được quyền được TGPL.

- Đối với người nhiễm chất độc da cam/dioxin (điểm g, khoản 7), đề nghị đối tượng này đương nhiên được TGPL, không kèm theo điều kiện có khó khăn về tài chính như dự thảo.

Vấn đề thứ 2: Đại biểu thống nhất cao TGPL với 03 hình thức tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng, phù hợp với mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng TGPL và tiêu chuẩn, vai trò của người thực hiện TGPL.

Tuy nhiên, đối với hình thức TGPL là đại diện ngoài tố tụng thì cần thiết phải xem xét, giới hạn đối tượng được TGPL với hình thức này vì: Khi TGPL theo hình thức này, trợ giúp viên pháp lý, luật sư – cộng tác viên phải thay mặt người được TGPL thực hiện tất cả các công việc và trực tiếp giải quyết vụ việc, phải mất nhiều thời gian, chi phí cho vụ việc./.

Kim Hoa
(Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Long An)

Chia sẻ bài viết