Tiếng Việt | English

26/04/2017 - 09:11

Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn nhiều “nút thắt”

Những chính sách khuyến khích đầu tư, tích tụ ruộng đất còn vướng; thuế, nguồn vốn, ứng dụng khoa học - công nghệ còn hạn chế;... là những “nút thắt” khiến các doanh nghiệp (DN) không mấy mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Còn quá ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Mặc dù nông nghiệp là ngành có lợi thế trong hội nhập, với nhiều sản phẩm nông sản xuất khẩu mang lại kim ngạch xuất khẩu cao: Gạo, thanh long, một số loại nông sản, thủy sản,... thế nhưng, số DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện nay còn rất ít.

Hiện nay, toàn tỉnh có 138 dự án đầu tư vào nông nghiệp với tổng số vốn đầu tư trên 1.500 tỉ đồng (chiếm 25% tổng số dự án đầu tư và 2,3% về tổng vốn đầu tư của tỉnh) và 5 dự án có vốn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp.

Nguyên nhân chính khiến DN chưa mặn mà trong đầu tư là vướng mắc về cơ chế, chính sách trong nông nghiệp, nông thôn; trong đó, điểm vướng lớn nhất là vấn đề đất đai, tín dụng hỗ trợ DN khi tham gia vào lĩnh vực này.

Số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít
Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Ba Huân - Phạm Thị Huân: “Mặc dù tỉnh có chủ trương đầu tư nhưng DN vẫn “vướng” vì phải có quy hoạch, kế hoạch sử dụng ruộng đất. Do vậy, cần có cơ chế ưu đãi DN khi thực hiện các dự án như thuê đất và chính sách cụ thể đối với DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao để DN yên tâm sản xuất. Riêng trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, công ty đầu tư trang trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất, thực hiện chương trình xúc tiến tiêu thụ nông sản thực phẩm; trong đó có việc kết nối giữa DN và người chăn nuôi, nhằm xây dựng chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và tìm đầu ra cho các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Hiện tại, trang trại chăn nuôi gia cầm ứng dụng công nghệ cao của công ty có tổng diện tích 25ha (tại huyện Thạnh Hóa) với công suất hơn 3 triệu con gà thịt/năm, chủ yếu là giống gà Ross. Dự kiến, thời gian tới, công ty đầu tư thêm hơn 30ha tại xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức chuyên sản xuất giống và trứng gia cầm”.

Bên cạnh đó, DN vẫn gặp nhiều rủi ro khác: Tỷ lệ sinh lời của nông nghiệp thấp, hay rủi ro vì thiên tai, lũ lụt, hiệu suất, hiệu quả ít và khả năng tiêu thụ sản phẩm bị hạn chế, liên kết “4 nhà” còn lỏng lẻo; chính vì vậy, nhà đầu tư không muốn đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Võ Quan Huy, bên cạnh khó khăn về chính sách, hiện nay, DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cũng gặp rất nhiều rủi ro. Để thu hút DN thì các cơ chế, chính sách đối với nông nghiệp phải thông thoáng và DN phải được tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa khi tham gia đầu tư.

"Nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp chưa mặn mà trong đầu tư là vướng mắc về cơ chế, chính sách trong nông nghiệp, nông thôn; trong đó, điểm vướng lớn nhất là vấn đề đất đai, tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp khi tham gia vào lĩnh vực này".

Cần tháo gỡ khó khăn

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nông nghiệp phải tái cơ cấu, đổi mới phương thức, hướng đến nền nông nghiệp cạnh tranh quốc tế.

Nông nghiệp vừa phải bảo đảm an ninh lương thực, vừa là ngành hàng nâng cao thu nhập của đa số nông dân.

Để làm được điều này, không thể thiếu vai trò của DN. Việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN phát triển chính là hỗ trợ nông dân. Do vậy, phải tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà các DN đang gặp phải để DN có điều kiện thuận lợi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Điều đáng quan tâm là vấn đề hỗ trợ pháp lý cho DN: Thủ tục hành chính cần đơn giản, nhanh gọn; quy hoạch vùng nguyên liệu về cơ bản phải đầy đủ, tạo sự yên tâm cho DN khi đầu tư; Nghị quyết 08-NQ/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành là định hướng đúng, nhiều DN muốn tìm cơ hội đầu tư tại tỉnh và hướng đến gói tín dụng 100.000 tỉ của Chính phủ trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Hỗ trợ không quá 50% kinh phí đầu tư trang thiết bị, dụng cụ hiện đại nhằm nâng cao năng suất sản xuất, nghiên cứu cải tiến, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ các chi phí liên quan đến lập dự án: Chi phí khảo sát thiết kế, chi phí đo đạc vẽ bản đồ quy hoạch vùng công nghệ cao,... với hỗ trợ 50% chi phí cho dự án; hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà xưởng, xưởng sơ chế, đóng gói các sản phẩm từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí, tối đa không quá 2 tỉ đồng/dự án. Bên cạnh đó, phối hợp các ngành chức năng tiếp thu các ý kiến, khẩn trương rà soát, báo cáo cấp thẩm quyền những vướng mắc mà DN đang gặp phải để kịp thời tháo gỡ,...

Nhanh chóng gỡ những "nút thắt", thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: “Hiện nay, để tháo gỡ khó khăn, quan trọng nhất là Nhà nước phải có chính sách “kích hỗ trợ”, kể cả hỗ trợ về mặt pháp luật, tư vấn pháp luật, thị trường tiêu thụ, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học - công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn; phải có quy hoạch, kế hoạch một cách có hệ thống, có lộ trình, dự báo, dự đoán quy hoạch tương đối hiệu quả và thống nhất,... Trước hết, cần có quỹ đất “sạch”, tuy nhiên, điều này rất khó vì theo quy định Luật Đất Đai 2013, DN phải thỏa thuận trực tiếp với dân; cơ chế pháp lý rõ ràng, thủ tục đơn giản, nhanh gọn; có chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay;.../.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết