Tiếng Việt | English

25/08/2019 - 21:17

Doanh nghiệp lo rào cản kỹ thuật với nông sản khi vào EU

Điều doanh nghiệp lo lắng nhất khi tham gia EVFTA là các hàng rào kỹ thuật khi xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp vào thị trường của các nước EU.

Việt Nam đang đứng vị trí 27 nước trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu lớn. Thị trường xuất khẩu hàng hoá Việt Nam đã phủ 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Về nông nghiệp, Việt Nam đứng vị trí thứ 15 về quy mô sản phẩm xuất khẩu. Việc ký hiệp định EVFTA sẽ tạo nhiều lợi thế xuất khẩu cho Việt Nam.

Doanh nghiệp mong cơ quan quản lý có hướng dẫn cụ thể về các hàng rào kỹ thuật khi xuất khẩu sản phẩm vào EU, nhất là với nông sản
Dự kiến, sau khi Hiệp định này có hiệu lực sẽ giúp 99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7 đến 10 năm. Đây là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các hiệp định thương mại tự do đã ký.

Ðáng lưu ý, nhiều mặt hàng được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực như: Cà phê (hiện 0 - 11,5%); hạt tiêu (0 - 4%); mật ong tự nhiên (17,3%); khoảng 50% số dòng thuế cho thủy sản Việt Nam sẽ được xóa bỏ. EU dành tổng lượng hạn ngạch cho Việt Nam 80.000 tấn/năm đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát, thuế trong hạn ngạch 0%.

Để có thể tạo nền tảng phát triển xuất khẩu hàng hoá Việt Nam cần củng cố nội lực của ngành sản xuất chế biến, nhất là ngành nông nghiệp. Với độ mở lớn thị trường trong nước, cần thiết phải có sự tham gia của các cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất.

Ngoài ra cũng cần tính đến việc giữ thị phần trong nước, vì hàng ngoại sẽ tràn vào trong nước với giá rất cạnh tranh.

Đối với doanh nghiệp, vấn đề lo lắng nhất khi tham gia EVFTA đó là các hàng rào kỹ thuật khi đưa hàng hóa vào thị trường của các nước EU, nhất là các sản phẩm nông nghiệp. Các doanh nghiệp rất cần các cơ quan chuyên ngành hỗ trợ vấn đề này.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn INTIMEX kiến nghị cơ quan kiểm dịch thực vật phải đưa ra danh sách những hóa chất nào được sử dụng trong nông nghiệp hiện nay.

“Chúng ta phải có biện nào ngăn chặn việc nhập lậu các loại hóa chất không đảm bảo an toàn thực phẩm như thuốc cỏ, một số hóa chất khác… Sắp tới Châu Âu sẽ tiếp tục cấm một số hóa chất thì chúng ta phải có biện pháp ngăn chặn chứ nếu không các sản phẩm nông nghiệp của chúng ta xuất khẩu bị trả về sẽ rất khó khăn doanh nghiệp”, ông Nam cho biết./.

Lệ Hằng/VOV.VN

Chia sẻ bài viết