Tiếng Việt | English

29/01/2017 - 20:12

Doanh nghiệp Long An làm gì để tăng sức cạnh tranh?

Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (vào năm 2012), xác định đến năm 2020, tỷ trọng công nghiệp đạt 45-48% và năm 2030 đạt 55-60% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Hiện nay, Long An có 16 khu công nghiệp, 14 cụm công nghiệp đang hoạt động. Đến cuối năm 2016, Long An có gần 8.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động. Để cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, các DN cần có sự kết nối chặt chẽ, liên kết hợp tác cùng phát triển, mở rộng thị trường, tạo nên sức mạnh, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập kinh tế quốc tế.

Dây chuyền sản xuất tại Cty Nhựa Vĩnh Hòa-KCN Tân Đức

Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Hóa Long An (xã Phước Đông, huyện Cần Đước) - Võ Văn Thanh cho biết: “Chúng ta có thể hợp tác giữa các DN theo mô hình cụm, nhóm DN có ngành nghề chung hoặc ngành nghề bổ trợ cho nhau nhằm tăng khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng và tăng cường năng lực cho DN”.

“Trong thời buổi cạnh tranh, vốn đối với DN càng trở nên quan trọng, đây là cơ sở để DN phát triển, mở rộng quy mô, tạo thế cạnh tranh với các DN khác, nhất là đối với các DN cùng chung ngành nghề. Chính vì vậy, DN rất cần những chính sách ưu đãi về lãi suất từ các ngân hàng khi vay vốn sản xuất, kinh doanh” - Giám đốc Công ty TNHH Hòa Thành LA - Võ Thanh Tú nhận định như thế.

Tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển

Để tạo điều kiện cho DN phát triển, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm bằng nhiều giải pháp thiết thực. Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được thông tin: “Thời gian qua, UBND tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện để DN hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững; khuyến khích hình thành các cụm liên kết ngành; ưu tiên, mời gọi, bố trí các dự án đầu tư có tính liên kết giữa các DN sử dụng sản phẩm của nhau; hỗ trợ DN trong nước liên kết phát triển thành DN sản xuất gia công cho các tập đoàn nước ngoài; tạo sự bình đẳng giữa các khu vực kinh tế trong tiếp cận các nguồn lực đầu tư,... Đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 của tỉnh”.

Cty Hòa Thành Long An

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Long An, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho biết: Long An cần quy hoạch 5 khu kinh tế công nghiệp của tỉnh như vùng phụ cận của TP.HCM để quy hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị. Tỉnh cũng cần có những chính sách đột phá để xây dựng các “cứ điểm liên kết sản xuất công - nông nghiệp” ở những vùng chuyên canh trồng trọt, chăn nuôi; thu hút các ngành công nghiệp nhẹ, sản xuất hàng xuất khẩu vào các khu công nghiệp lân cận, tận dụng lợi thế giá đất rẻ, lao động tại chỗ, mà hiện nay TP.HCM không còn lợi thế; hướng đến các DN nhỏ và vừa thay vì tập trung vào các DN lớn.

Môi trường đầu tư thông thoáng, tiềm lực kinh tế dồi dào, Long An là điểm đến lý tưởng của hàng ngàn doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Phó Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí công - nông nghiệp Bùi Văn Ngọ - Võ Bảo Toàn cho biết thêm: “Với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, Công ty Bùi Văn Ngọ là DN khoa học - công nghệ đầu tiên của tỉnh được công nhận vào năm 2013. Từ đó đến nay, DN luôn xác định đổi mới công nghệ, áp dụng những thành tựu tiên tiến của khoa học và quản trị vào sản xuất, kinh doanh là yếu tố sống còn để đứng vững trên thị trường”.

Các DN trong tỉnh đang hoạt động ngày càng lớn mạnh. Đó là dấu hiệu đáng mừng khi DN có sự đầu tư và quan tâm lớn từ lãnh đạo tỉnh./.

Tấn Phong

Chia sẻ bài viết