Tiếng Việt | English

11/09/2018 - 15:30

Doanh nghiệp phấn khởi với Nghị định "cởi trói" xuất khẩu gạo

Hiện nay, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) gạo phấn khởi khi Chính phủ vừa ban hành Nghị định (NĐ) 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh XK gạo, trong đó, quy định cụ thể điều kiện kinh doanh XK gạo. NĐ góp phần giúp các DN đẩy mạnh sản lượng và tìm kiếm thêm thị trường XK vốn trước đây rất khó tính.

Với Nghị định 107/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp không còn hạn chế sản lượng gạo xuất khẩu

Với Nghị định 107/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp không còn hạn chế sản lượng gạo xuất khẩu

Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Long An - Đặng Thị Liên chia sẻ: "NĐ 107 tạo thuận lợi cho DN XK gạo. Mỗi DN được phép XK 10.000 tấn trở lên, không còn hạn chế sản lượng. Với NĐ này, Công ty TNHH Thực phẩm Long An mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng từ những thị trường khó tính. Công ty phấn đấu mỗi năm tăng 10% lượng gạo XK".

Tuy nhiên, bà Liên cho rằng, NĐ 107 vẫn còn mặt hạn chế. Cụ thể, DN mở rộng XK, nhưng chưa có sự thống nhất về giá. Mỗi DN đều quy định một giá, dẫn đến chênh lệch giá giữa các DN với nhau. Bà Liên kiến nghị Bộ Công Thương nên có quy định chế tài. Theo đó, những DN bán giá thấp hơn, quy định không được tham gia XK một thời gian; đồng thời, định giá sàn để DN căn cứ vào đó niêm yết giá.

Còn theo Giám đốc Công ty Cổ phần Tân Đồng Tiến - Nguyễn Thành Mười, NĐ 107 (hiệu lực từ ngày 01-10-2018), có những ưu điểm: Đơn giản hóa thủ tục hành chính; tất cả DN nếu không đầu tư về kho chứa, có thể thuê hoặc liên doanh cũng được cấp phép,... rất phù hợp với việc đẩy mạnh XK gạo trong tình hình hiện nay.

Về XK gạo, NĐ 107 được đơn giản hóa thủ tục hành chính đúng như tình hình hiện nay đối với đăng ký hợp đồng, kê khai trên mạng, luân chuyển đầu mối trong đấu thầu gạo; đồng thời, quy định chỉ còn 5% hàng lưu trữ trong kho.

“Hiện công ty đang XK gạo sang các nước: Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore. XK sang thị trường châu Âu và châu Phi còn hạn chế. NĐ có hiệu lực, công ty sẽ tìm kiếm nhiều thị trường khó tính để nâng giá trị hạt gạo Việt Nam. Theo kế hoạch năm nay, công ty XK trên 150.000 tấn gạo, phấn đấu XK tăng khoảng 25-30%/năm, tương đương trên 200.000 tấn” - ông Nguyễn Thành Mười cho biết thêm.

Theo Sở Công Thương, toàn tỉnh có 21 DN được XK gạo trực tiếp và 5 chi nhánh đầu tư kho, cơ sở xay xát tại Long An với năng lực kho khoảng 852.000 tấn, silo (bồn chứa) 74.000 tấn, sấy 20.000 tấn/mẻ, bóc vỏ lúa 900 tấn lúa/giờ, xát và đánh bóng 900 tấn gạo/giờ, tách màu 630 tấn gạo/giờ. Long An chiếm khoảng 17% sản lượng XK của cả nước.

Hiện các DN Long An XK sang khoảng 40 nước, vùng, lãnh thổ; trong đó, XK sang Trung Quốc là chủ yếu (chiếm khoảng 50% về sản lượng). Riêng đầu năm 2018 đến nay, XK khoảng 80.000 tấn với kim ngạch XK khoảng 83,5 triệu USD.

Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức cho biết: “Long An là một trong những vùng sản xuất lương thực lớn nhất của cả nước, diện tích sản xuất lúa của tỉnh hơn 527.000ha, sản lượng lúa bình quân của tỉnh trên 2,8 triệu tấn/năm; trong đó, lúa đặc sản và cao sản chiếm trên 80%”.

Qua khảo sát bước đầu, hầu hết DN XK gạo trên địa bàn đều phấn khởi với NĐ 107 sắp có hiệu lực trong thời gian tới. Để tạo thêm điều kiện cho các DN XK, Long An quy hoạch xây dựng các vùng và tiểu vùng sản xuất lúa chất lượng cao 40.000ha. Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh sẽ có 20.000ha lúa ứng dụng công nghệ cao ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười. Riêng các huyện phía Nam gieo trồng các giống lúa đặc sản và giống lúa địa phương./.

Mỹ Tho

Chia sẻ bài viết