Tiếng Việt | English

10/08/2017 - 14:04

Sản xuất và kinh doanh thực phẩm sạch:

Doanh nghiệp và nông dân phải đồng lòng

Thực tế hiện nay, nông dân (ND) cũng như nhiều doanh nghiệp (DN) rất muốn sản xuất, chế biến thực phẩm sạch, an toàn nhưng lại gặp nhiều khó khăn về đầu ra. Do đó, phải có sự đồng lòng, “bắt tay” giữa DN và ND để thực phẩm sạch đến tay người tiêu dùng.


Để ký kết tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp, nông dân phải bảo đảm quy trình sản xuất, chăn nuôi an toàn

Nông sản sạch thiếu đầu ra

Trong sản xuất nông nghiệp, để tạo ra khối lượng nông sản hàng hóa lớn, việc gắn kết giữa người sản xuất và người tiêu thụ đòi hỏi phải có sự liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến thu mua, chế biến, xuất khẩu hoặc cung cấp cho người tiêu dùng.

Theo Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Phước Hòa - Kiều Anh Dũng: "Cái khó của ND sản xuất nông sản sạch hiện nay là phải "tự bơi" để tìm đầu ra, thậm chí chấp nhận bán đồng giá với rau màu trồng bình thường để tiêu thụ cho được sản phẩm. Để tìm nơi tiêu thụ ổn định cho các xã viên, tôi lặn lội đến các siêu thị lớn, nhỏ trong tỉnh, đi đến các chợ đầu mối, chợ bán lẻ nhưng không một đơn vị nào cam kết bao tiêu đầu ra ổn định, lâu dài cho rau sạch. Có chăng chỉ ký kết được số lượng nhỏ trong phần lớn sản lượng sản xuất được của xã viên".

Ông Nguyễn Văn Tân, ngụ ấp 2, xã Long Khê, huyện Cần Đước, tỉnh Long An cho biết: "Thời gian qua, nhiều đoàn cán bộ tỉnh đến khảo sát cánh đồng rau và hứa hỗ trợ vốn, tìm đầu ra cho ND nên các hộ ở đây an tâm sản xuất hơn. Chúng tôi mong thời gian tới, khi đầu ra sản phẩm ổn định, sẽ có nhiều ND tập trung đầu tư sản xuất nông sản sạch, chứ đầu ra cứ bấp bênh như hiện nay, ND vừa sản xuất, vừa hồi hộp".

Chị Nguyễn Thị Kiều Oanh, ngụ phường 2, TP.Tân An tâm sự: "Tôi luôn quan tâm đến chất lượng thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày của gia đình. Tuy nhiên, khi ra chợ, tôi không biết phải chọn lựa như thế nào giữa “rừng” thịt, cá, rau, củ, quả,... Trong khi đó, điểm bán "thực phẩm an toàn" thì quá ít. Hiện nay, tại đây, chỉ có 1 điểm bán rau an toàn của HTX Phước Hòa, còn lại các thực phẩm khác thì hầu như người nội trợ chỉ chọn mua theo cảm nhận, dù rất lo lắng cho sức khỏe nhưng người dân cũng chẳng biết phải làm sao!".

Trong khi nhu cầu thực phẩm sạch của người tiêu dùng rất lớn thì ND vẫn loay hoay tìm lối ra. Họ tập trung đầu tư sản xuất nông sản sạch, nhưng với khâu tiêu thụ khá khó khăn như hiện nay làm không ít người e ngại. Một xã viên HTX Rau an toàn Phước Hiệp chia sẻ: "Chúng tôi vẫn phun thuốc phòng trừ sâu, bệnh, nhưng luôn tuân thủ thời gian cách ly trước thu hoạch rau. Bởi, nếu không, khi nhập về kho, cán bộ kỹ thuật của đơn vị ký kết tiêu thụ kiểm tra phát hiện còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, họ sẽ hủy toàn bộ lô hàng là mình mất uy tín, lần sau không được ký tiếp".

Rõ ràng, từ trước đến nay, mối liên kết giữa DN và ND trong việc sản xuất, bao tiêu nông sản, thực phẩm an toàn được triển khai, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực; nhưng tiếc rằng, mối liên kết này chưa tạo sự đột phá và sức lan tỏa rộng khắp. Giám đốc Co.opMart Tân An - Nguyễn Thị Hoàng Anh cho biết: "Siêu thị ký kết với một vài HTX sản xuất rau an toàn với số lượng ổn định. Tuy nhiên, để là đối tác thân tín, chúng tôi yêu cầu đơn vị sản xuất phải luôn bảo đảm quy trình sản xuất an toàn, tất cả vì sức khỏe người tiêu dùng".

Hiện nay, mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ, lẻ còn phổ biến, năng suất, chất lượng thấp, thiếu sức cạnh tranh, bởi vậy, việc đẩy mạnh liên kết giữa DN và ND là xu thế tất yếu. Mối liên kết này không chỉ mang lại lợi ích cho ND và DN mà còn cung cấp cho thị trường nông sản, thực phẩm sạch,...


Điểm bán rau an toàn

Cần sự "bắt tay" giữa doanh nghiệp và nhà nông

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh: "Long An là tỉnh giáp ranh TP.HCM, đây là địa phương có nhu cầu nhập các mặt hàng thực phẩm với số lượng rất lớn. Nếu kiểm soát được chất lượng các mặt hàng thực phẩm từ Long An, nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu ăn uống thường ngày của người dân tại TP.HCM sẽ được cải thiện đáng kể. Với những điều kiện thuận lợi đó, 2 địa phương có sự thỏa thuận phối hợp trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ.

Trong tháng 6 qua, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM ký kết thỏa thuận hợp tác cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An về việc "Phối hợp sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh các chuỗi cung ứng nông sản". Đây là một trong những tín hiệu vui cho ND trong khâu tiêu thụ nông sản.

2 địa phương "bắt tay" nhau trong việc hợp tác bảo vệ sức khỏe người dân. Trong đó, 2 bên sẽ xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản an toàn, kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt, khai thác) đến cơ sở sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh nông sản và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ. 2 bên sẽ xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản an toàn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất nông sản an toàn của tỉnh Long An tiêu thụ tại TP.HCM, phối hợp kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm và nông - lâm - thủy sản”.

Trước nay, phần lớn lượng nông sản do ND sản xuất theo phương thức truyền thống vì vốn ít, không có điều kiện tích tụ vốn hoặc vay vốn lớn để đầu tư trang thiết bị hiện đại. Tình trạng ND chạy theo lợi ích cục bộ, sự liên kết giữa DN và các hộ ND "lỏng lẻo" dẫn đến việc một số người tự ý phá vỡ hợp đồng cam kết về sản xuất và cung ứng nông phẩm "sạch", làm cho không ít hộ ND quay lại phương thức sản xuất nhỏ, lẻ. Nhưng quy mô sản xuất nhỏ, lẻ thì đầu ra nông sản không bảo đảm là điều khó tránh khỏi.

Trong khi đó, nông sản sản xuất theo tiêu chuẩn GAP ở một số địa phương, do chưa có nhiều DN đứng ra làm đầu mối để đưa đến tận tay người tiêu dùng nên khi được bán ra chợ hoặc thu gom bởi thương lái thì lại “hòa lẫn” với nông sản, thực phẩm được nuôi, trồng theo phương thức thông thường. Vì vậy, không chỉ phải bán với giá "bổ đồng" mà còn khiến người tiêu dùng hoang mang không dám tin vào nông sản sạch. Thực trạng trên đặt ra vấn đề về "tầm quan trọng của chuỗi liên kết 4 nhà" trong chuỗi sản xuất - cung ứng nông sản sạch, trong đó, đặc biệt lưu ý vai trò DN tham gia vào chuỗi sản xuất, phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng và vai trò ND trong khâu sản xuất nông sản đạt chuẩn.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh nhấn mạnh: "Thời gian tới, tỉnh sẽ thúc đẩy, tạo điều kiện hỗ trợ ND sản xuất, giám sát bảo đảm an toàn cho thực phẩm sạch có nguồn gốc từ Long An, tạo nên "thương hiệu" và niềm tin cho người tiêu dùng về thực phẩm an toàn, chất lượng. Bên cạnh đó, mong rằng, TP.HCM sẽ tạo điều kiện để các mặt hàng nông sản của người dân Long An có thể tiếp cận được hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ với phương châm hợp tác bền vững"./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết