Tiếng Việt | English

09/03/2017 - 13:53

Độc đáo tiếng đờn miệng của thầy đờn Bảy On

Không được đào tạo bài bản, không học qua bất kỳ trường lớp nào, chẳng biết sử dụng nhạc cụ, thế nhưng, chính lòng đam mê đờn ca tài tử cùng sự dày công khổ luyện mà một anh nông dân “rặt” lại có biệt tài “đờn” bằng miệng cho người khác ca cổ nhạc.

Người “nghệ sĩ” đặc biệt ấy chính là anh Trịnh Văn On (sinh năm 1968), ngụ tại ấp 4, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An hay được người dân gọi là “thầy đờn miệng” Bảy On.


Thầy đờn Bảy On biểu diễn trong chương trình "Người bí ẩn" cùng Chuông vàng 2007 - Ngọc Đợi. Nguồn: htv.com.vn

Anh cho biết: "Nhà nghèo nhưng cả gia đình tôi ai cũng có niềm đam mê ca hát ngay từ thuở bé. Nhớ hồi còn nhỏ, đi chăn trâu, coi vịt, làm ruộng mướn,…vất vả là vậy nhưng cứ hễ có thời gian rảnh là mấy anh em lại tụ tập hát hò. “Ghiền” nghe ca cổ mà không có tiền, tôi tập “đờn” thử bằng miệng, mỗi ngày một ít cho đến khi được một bài ca hoàn chỉnh."

Để có được “tiếng đờn” như cây guitar phím lõm, đờn sến, anh phải tập cho cổ họng mình thật vang, rung như dây đàn, tập giữ hơi bằng cách nín thở, đánh lưỡi như tiếng trống, tiếng chà đĩa như nghệ thuật beatbox rồi bật ngón tay giữ nhịp như tiếng song loan,…

Anh “ra mắt” lần đầu tiên trong một bữa tiệc với bạn bè và được ủng hộ nhiệt tình. Vậy là, anh có thêm động lực tiếp tục tập luyện thêm nhiều bài nữa để mỗi khi đi bán vé số ngang qua những nhà có đám tiệc, anh tận dụng “góp vui”. Sở trường của “thầy đờn miệng” Bảy On là đệm vọng cổ nhịp 8-12. Một số bài “tủ” anh thường biểu diễn là Đoản khúc Nam Giang, Vọng Kim Lang, một vài bản vắn như Lý chim xanh, Lý con sáo,...

Bà con xem anh biểu diễn xong đều tấm tắc ngợi khen, người này truyền tai người kia. Vậy là, “thầy đờn” Bảy On với biệt tài đờn miệng ngày càng được nhiều người biết đến.


Thầy đờn Bảy On (thứ 2, trái qua) sinh hoạt văn nghệ cùng người dân trong xóm 

Chị Phan Thị Thủy, ấp 4, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa (hàng xóm của anh Bảy On) cho biết: "Anh Bảy On rất đam mê đờn ca tài tử. Hàng ngày, anh phải mưu sinh vất vả, bán vé số sinh sống, nuôi mẹ già và con trai bị bệnh. Cuộc sống gia đình rất khó khăn. Thế nhưng, anh luôn giữ tình yêu với bộ môn nghệ thuật này."

Từng đi bộ đội ở chiến trường Campuchia nhưng vài tháng thì bị bệnh nên anh ra quân sớm. Trước đây, gia đình anh cũng có 0,3ha đất nhưng từ khi mẹ bệnh, phải bán để chữa trị nên gia đình trở nên “trắng tay”. Khó khăn càng chồng chất khi mới đây, con trai lớn 15 tuổi của anh chỉ vừa học hết lớp 8 thì phát bệnh tâm thần, đứa út vẫn còn học mẫu giáo, phải đem gửi nhà họ hàng. Gia đình anh sống cùng mẹ trong ngôi nhà tình thương được xây dựng hơn 8 năm nay.


Hàng ngày, anh vẫn phải mưu sinh vất, bán vé số sinh sống và nuôi mẹ già

Hằng ngày, chị Nguyễn Thị Hòa, vợ anh đi làm công nhân, anh bị đau cột sống, không làm việc nặng được nên phải đi bán vé số dạo kiếm chút đỉnh tiền chợ, chi tiêu qua ngày. Trên chiếc xe “cà tàng”, anh rong ruổi khắp nơi từ TP. Tân An, Bến Lức, Thủ Thừa, có khi đi tận Tiền Giang nếu chẳng may quá “ế”. Trên đường đi, hễ thấy nhà nào có đám tiệc, anh đều ghé vào vừa mời mua vé số, vừa biểu diễn những tiết mục độc đáo của mình để mọi người ủng hộ. Tuy nhiên, cứ đờn xong là “người hâm mộ” lại mời rượu thưởng; thế nên, muốn bán hết vé số, anh cũng phải gật đầu đồng ý chứ chẳng dám chối từ; mỗi lần uống xong rồi tiếp tục “đờn”, cổ họng rất đau và lâu ngày sẽ khó mà giữ giọng.

Đến giờ, do không được đào tạo bài bản nên dù có tài năng đặc biệt nhưng anh vẫn ước mơ được học hành “đàng hoàng”, bài bản để phát huy năng khiếu của bản thân. Hy vọng rồi đây, “tiếng đờn” đặc biệt này sẽ ngày càng được nhiều người biết đến và ủng hộ để “thầy đờn miệng” Bảy On tiếp tục cuộc mưu sinh, có khả năng lo cho gia đình vượt qua nghèo khó./.

Phạm Ngân - Thanh Hiểu

Chia sẻ bài viết