Tiếng Việt | English

06/07/2020 - 21:30

Đòi chủ quyền với khu bảo tồn Bhutan: Trung Quốc tiếp tục tấn công Ấn Độ

Động thái của Trung Quốc được cho là nhằm ép buộc Bhutan chấp nhận một thỏa thuận biên giới có lợi cho Bắc Kinh, đồng thời gây thêm sức ép với Ấn Độ.

Việc Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền với khu bảo tồn thiên nhiên Sakteng ở phía Đông của Bhutan không chỉ đơn thuần là hành động đơn phương về biên giới lãnh thổ. Động thái này được cho là nhằm ép buộc quốc gia nhỏ bé trên dãy Himalaya này chấp nhận một thỏa thuận biên giới có lợi cho Trung Quốc, đồng thời gây thêm sức ép với Ấn Độ - nước cũng đang có tranh chấp với Trung Quốc.


Khu bảo tồn thiên nhiên Sakteng, nơi chưa từng có tranh chấp giữa Bhutan và Trung Quốc. Ảnh: KT

Khi mà cuộc đối đầu với Ấn Độ tại vùng biên giới tranh chấp vẫn chưa được giải quyết, Trung Quốc lại tiếp tục gây thêm sự chú ý với việc tuyên bố chủ quyền với khu vực vốn thuộc lãnh thổ một quốc gia láng giềng khác là Bhutan.

Tại hội nghị trực tuyến của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) diễn ra trong 2 ngày 2-3/6 để ra quyết định tài trợ cho các dự án môi trường trên toàn thế giới, Trung Quốc đã nêu ra yêu sách chủ quyền với khu bảo tồn thiên nhiên Sakteng ở huyện Trashigang, Bhutan.

Khi Hội đồng GEF thảo luận về nguồn ngân sách cho khu bảo tồn Sakteng nằm giáp biên giới Ấn Độ và Trung Quốc, thành viên phía Trung Quốc phản đối với lý do khu bảo tồn nằm trong khu vực tranh chấp giữa Bhutan và Trung Quốc. Phía Bhutan và GEF ngay lập tức bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc.

Trong quyết định cuối cùng, Hội đồng GEF cũng đã phê duyệt dự án này. Tuy nhiên, động thái của Trung Quốc khiến dư luận chú ý. Khu bảo tồn thiên nhiên Sakteng nằm ở phía Đông của Bhutan, có diện tích 650 km vuông là nơi chưa từng ghi nhận các tranh chấp chủ quyền giữa Bhutan và Trung Quốc.

Khu vực chưa từng có tranh chấp

Theo các tường thuật từ cuộc họp này, đại diện của Trung Quốc phát biểu: “Với quan điểm rằng Khu bản tồn thiên nhiên hoang dã Sakteng trong dự án ID10561 nằm trên các khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan, và đang thuộc kế hoạch đàm phán biên giới giữa hai nước, Trung Quốc phản đối và không tham gia quyết định của Hội đồng [GEF] về dự án này”.

Ngay sau đó, thành viên của Hội đồng GEF đại diện cho nhóm nước gồm Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan, Maldives và Sri Lanka đã đưa ra quan điểm của Bhutan về vấn đề này.

“Bhutan hoàn toàn bác bỏ yêu sách của Trung Quốc tại Hội đồng GEF. Khu bảo tồn thiên nhiên Sakteng là phần lãnh thổ có chủ quyền và không thể tách rời của Bhutan. Trong các cuộc thảo luận về biên giới giữa Bhutan và Trung Quốc, đây chưa từng được coi là khu vực có tranh chấp”, tuyên bố nêu rõ.

Bhutan sau đó đã chuyển quan điểm này tới Trung Quốc thông qua Đại sứ quán Trung Quốc tại New Delhi (Ấn Độ), do hai nước chưa mở đại sứ quán ở thủ đô của nhau. Trung Quốc và Bhutan đã tổ chức được 24 vòng đàm phán về vấn đề biên giới từ năm 1984 đến năm 2016. Bhutan cho biết nếu Bắc Kinh nêu ra vấn đề này trong các vòng đàm phán sắp tới, Thimphu sẽ phản đối yêu sách này.


Bản đồ các khu vực có tranh chấp lãnh thổ giữa Bhutan và Trung Quốc. Ảnh: Twitter

Cựu đại sứ Ấn Độ tại Bhutan, V P Haran cho biết, đây là bước tiến mới gây ngạc nhiên. Sakteng hay bất cứ vùng nào ở Đông Bhutan đề chưa từng có tranh chấp.

“Sakteng còn nằm cách xa biên giới Trung Quốc. Chỉ có khu vực tại biên giới ở phía Bắc – tại Pasamlung và Jakarlung, và phía Tây – tại Doklam cùng một số khu vực tiếp giáp ở phía Đông là có tranh chấp”, ông Haran nói.

Răn đe ‘bên thứ Ba’

Vấn đề biên giới giữa Bhutan và Trung Quốc đã vượt qua khuôn khổ cuộc họp của GEF theo sau các phát biểu của bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Hôm 4/7, trong một tuyên bố gửi văn phòng của báo Hindustan Times của Ấn Độ ở Bắc Kinh, bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Biên giới giữa Trung Quốc và Bhutan sẽ không bao giờ bị xác định giới hạn. Vẫn đang có những tranh chấp ở các vùng phía Đông, ở trung tâm và phía Tây trong thời gian dài và không có thêm các khu vực tranh chấp mới. Trung Quốc luôn luôn hướng tới các gói giải pháp thông qua đàm phán cho vấn đề biên giới.”

Thông báo được ra bằng tiếng Quan thoại còn nhấn mạnh rằng ‘bên thứ Ba không nên can dự’ vào vấn đề này – dường như để nhắc tới Ấn Độ.

Trong khi đó, bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết đang theo dõi chặt chẽ yêu sách mới này, bởi New Delhi mới chỉ ghi nhận Trung Quốc và Bhutan có tranh chấp tại hai điểm ở phía Bắc và Tây. Hai nước cũng chưa có cuộc gặp gỡ mới nào kể từ năm 2017, khi Ấn Độ và Trung Quốc có vụ đối đầu tại cao nguyên Doklam.

Ấn Độ đang rất cảnh giác trước các tranh chấp chủ quyền mới sau khi Nepal, một nước láng giềng khác vừa tiến hành sửa đổi Hiến pháp để tuyên bố chủ quyền với 3 khu vực mà Ấn Độ đang kiểm soát. Giới quan sát tại Ấn Độ có chung nhận định, việc đưa ra tuyên bố chủ quyền với khu bảo tồn tại Bhutan là động thái mở ‘mặt trận’ mới nhằm vào New Delhi.

Yêu sách chủ quyền mới nhất của Trung Quốc được cho là một phần trong chiến thuật lớn hơn của Bắc Kinh nhằm gây áp lực với các nước láng giềng nhỏ hơn, đe dọa các nước này trước các ý định xích lại gần quan hệ với Ấn Độ.

Cần nhắc lại là năm 2017, khi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tiến vào cao nguyên Doklam – phần lãnh thổ của Bhutan, Ấn Độ đã phải đưa quân đội tới đây để ngăn chặn Bắc Kinh xây dựng một con đường tới dãy núi Jhampheri. Cuộc đối đầu kéo dài tới 72 ngày trước khi các bên khôi phục nguyên trạng. Câu chuyện được lặp lại trong năm nay khi có nhiều báo cáo cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu khởi công một đường khác dọc theo tuyến Torsa/Amochu, dường như nhằm cân bằng lại hành lang Siliguri của Ấn Độ.

Trả lời tờ The Indian Express, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc Ashok Kantha, người hiện là giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc cho rằng đây là một phần trong mô hình của Trung Quốc nhằm theo đuổi các yêu sách chủ quyền gây tranh cãi của mình, cả mới và cũ, nhằm vào các nước láng giềng, cả trên bộ lẫn trên biển”./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết