Tiếng Việt | English

25/03/2017 - 21:12

Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh ý thức sâu sắc về vai trò của cán bộ (CB). Đặt sự hiểu biết của người dân, trong đó có CB, đảng viên ở tầm chiến lược của dân tộc khi Người nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, “CB làm sai chính sách” là do “không kịp huấn luyện CB cho khắp”.

Trường Chính trị phối hợp HĐND tỉnh, Sở Nội vụ mở lớp bồi dưỡng kiến thức cho đại biểu HĐND cấp huyệnẢnh: Ðại Lâm

 Vì vậy, công tác đào tạo, huấn luyện CB là công việc hệ trọng của Đảng, của cách mạng, của dân tộc. Tư tưởng của Người về huấn luyện CB được thể hiện trong rất nhiều tác phẩm, bài viết, bài nói chuyện: Đường kách mệnh, Sửa đổi lối làm việc, Thư gửi thanh niên An Nam,...

Có thể nói, những giáo huấn của Hồ Chí Minh liên quan đến sự nghiệp đào tạo, huấn luyện CB đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Ðó là đội ngũ CB, công chức năng động, sáng tạo, tự giác cao, có tính quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, biết đặt lợi ích của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân.

Thực tế đã và đang đặt ra cho công tác đào tạo, bồi dưỡng CB, công chức, viên chức cả nước nói chung, tại Trường Chính trị Long An nói riêng trước yêu cầu phải có tư duy mới và cách làm mới; đồng thời, phải có những khâu đột phá mang tính quyết định.

Có thể khái quát một số nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, huấn luyện CB mà Trường Chính trị nghiên cứu và làm theo nhằm không ngừng đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng CB, công chức chất lượng và hiệu quả hơn.

Trước hết, Trường Chính trị luôn xác định rõ mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng CB - muốn có chủ nghĩa xã hội, trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Người chủ tương lai của nước nhà, theo Bác, đó là con người XHCN. Con người XHCN là phải biết đặt lợi ích chung của cả nước lên trên lợi ích cá nhân mình. Bởi thế, mục tiêu công tác đào tạo, huấn luyện CB không có gì khác là đào tạo ra đội ngũ CB vừa hồng, vừa chuyên, có năng lực, phẩm chất, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Mục tiêu của “huấn luyện CB” trong tư tưởng của Người là “thạo việc”, nghĩa là nắm vững lý luận và phải làm được việc. Trên thực tế, mọi chủ trương, đường lối của Đảng và Chính phủ đều do CB nghiên cứu, đề xuất, đồng thời cũng do CB tổ chức, hướng dẫn nhân dân thực hiện. Đường lối của Đảng đúng hay sai, tổ chức thực hiện thành hay không đều phụ thuộc vào CB.

“Làm việc gì học việc đấy”, tức là CB làm ở lĩnh vực gì, phụ trách ở ngành nghề gì đều phải học cho thành thạo công việc ở lĩnh vực đó. Vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng CB, công chức, viên chức tại Trường Chính trị luôn lấy tiêu chuẩn CB làm căn cứ để xây dựng mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng, phối hợp các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể tỉnh xác định đúng đối tượng đưa vào kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm.

Thứ hai, không ngừng đổi mới chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp cho từng loại CB, công chức, viên chức.

Bác từng căn dặn Đảng ta trong bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình... Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp... những chiến sĩ trẻ tuổi trong lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề để đào tạo thành CB và công nhân có kỹ thuật giỏi”.

Chương trình huấn luyện, theo Người, phải thiết thực đối với công việc. Người viết: “... những tài liệu huấn luyện phải nhằm vào sự cần dùng, cần thiết của quần chúng”. Người phê phán cách làm chủ quan, lấy những điều mình cho là quan trọng, là cần thiết bắt CB phải học. Thấm nhuần tư tưởng ấy, hàng năm chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ở Trường Chính trị luôn quán triệt quan điểm: Thiết thực, phù hợp với yêu cầu đối với từng loại CB; chú trọng cả phẩm chất đạo đức và kiến thức, cả lý luận và thực tiễn; bồi dưỡng kiến thức cơ bản và kỹ năng thực hành.

Chú trọng bồi dưỡng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, vừa hình thành nhiều hình thức bồi dưỡng theo chức danh, vị trí việc làm mới theo hướng gắn lý thuyết với kỹ năng xử lý thực tiễn đối với từng chức danh; tăng lượng kiến thức về tư duy và tầm nhìn chiến lược, nhận thức và giải pháp ứng xử, đề phòng, giải quyết các vấn đề nảy sinh.

Bên cạnh đó, đặc biệt coi trọng việc nâng cao hiệu quả công tác quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đội ngũ CB, công chức, bởi đây là cách thức hiệu quả để nâng cao trình độ tư duy, củng cố kiến thức lý luận và nền tảng tư tưởng.

Thứ ba, quan tâm tuyển chọn đội ngũ giảng dạy, báo cáo viên chất lượng cao.

Tại Hội nghị Giáo dục toàn quốc năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập vấn đề sửa đổi cách dạy: Dạy ai cái gì và ai đi học cái gì? Thực tiễn giáo dục và đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân cũng như trong công vụ hành chính đang trở thành vấn đề báo động. Đó là cách biệt giữa cái học trong nhà trường và cái cần ngoài xã hội.

Cán bộ đoàn tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp Bác Hồ thông qua hội thi trực tuyến. Ảnh Phong Nhã

Người rất coi trọng hoạt động của giáo viên. Bởi trên thực tế, việc “thảo luận” và “chỉ đạo” đối với CB, những người đang làm việc, có kinh nghiệm thực tiễn là việc làm rất khó. Bởi vậy, Người yêu cầu: Phải lựa chọn rất cẩn thận những người nhân viên phụ trách việc huấn luyện đó. Động lực của mọi cuộc cách mạng là quần chúng nhân dân, mà hạt nhân chủ yếu của nó là lực lượng CB.

Vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng CB, công chức, viên chức ở Trường Chính trị luôn đặt ra những yêu cầu khắt khe, cẩn trọng và có tính lâu dài về chất lượng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên. Xây dựng đội ngũ giảng viên có kiến thức sâu, rộng, có nhiều kinh nghiệm thực tế; cung cấp cho người học những thông tin, kiến thức thiết thực; chú trọng mời báo cáo viên thỉnh giảng là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có kinh nghiệm thực tiễn để truyền đạt kiến thức, hướng dẫn kỹ năng theo từng vị trí việc làm.

Tóm lại, hiện nay, Đảng ta đang ra sức vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác CB nói chung, về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CB nói riêng cho phù hợp với thời kỳ mới để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang diễn ra sôi nổi, ngày càng đi vào chiều sâu và hành động thiết thực trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Trong bối cảnh những thách thức và yêu cầu đặt ra như vậy, việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về huấn luyện CB để vận dụng vào thực tiễn đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng CB, công chức, viên chức tại Trường Chính trị Long An không chỉ góp phần xây dựng đội ngũ CB, công chức đáp ứng yêu cầu của một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp mà còn đáp ứng yêu cầu trong công tác CB của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, có tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh nhà./. 

Huỳnh Thị Thu Năm

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích