Tiếng Việt | English

23/11/2019 - 11:55

Đổi mới trên mảnh đất anh hùng

Xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An được xem là một trong những địa bàn ác liệt nhất trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ ở Tân An - Chợ Lớn. Mấy mươi năm trôi qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, ra sức xây dựng quê hương.

Vùng dất trung kiên

Tháng 6/1940, nước Pháp bị phát-xít Đức chiếm đóng. Tháng 9-1940, phát-xít Nhật nhân cơ hội đó xâm lược Đông Dương. Thực dân Pháp ở Đông Dương quỳ gối đầu hàng quân Nhật, ráo riết khủng bố, lùng bắt các đảng viên cộng sản. Trong số các quận của 2 tỉnh Tân An - Chợ Lớn thì Đức Hòa là nơi bị đàn áp, đánh phá dài ngày và dữ dội nhất. Địch huy động cả máy bay trinh sát, xe bọc thép có gắn đại liên vào các trận càn, hàng trăm nóc nhà bị đốt cháy, cuộc sống người dân khổ không kể sao cho xiết.

Di tích lịch sử Giồng Cám - nơi ghi dấu tội ác của thực dân Pháp và tay sai trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ

Trước tình hình đó, ngày 23/11/1940, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy và Đảng bộ, quân khởi nghĩa và quần chúng cách mạng ở Tân An - Chợ Lớn vùng dậy mãnh liệt, góp phần cùng cả Nam kỳ làm rung chuyển từng mảng lớn chính quyền địch ở cơ sở. Ở khắp các quận, huyện diễn ra nhiều vụ trừng trị ác ôn như diệt tên hương quản Nên khét tiếng gian ác tại Giồng Cám (Đức Hòa), đâm tên hương quản Kiên trọng thương ở Bến Lức, thủ tiêu hương quản Tuấn, hương hào Ngà trên sông Cần Giuộc,...

Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa đã không thành công và nhanh chóng bị dập tắt do thời cơ chưa chín muồi. Sau khi khởi nghĩa thất bại, thực dân Pháp và tay sai tiến hành khủng bố, đàn áp ngày càng dã man hơn. Chỉ trong hơn một tháng, chúng lập 11 điểm xử bắn, tàn sát ít nhất 186 người. Địa chí Long An xuất bản năm 1989 có ghi: “Bọn lính đi càn được tự do bắn chết nhiều người không cần xét hỏi... Chúng gom người già và trẻ em lại một chỗ rồi rưới xăng, thiêu sống”.

Ở làng Đức Hòa, sáng ngày 24/11/1940, với sự chỉ điểm của bọn tay sai, địch tổ chức càn quét với quy mô lớn, đốt hơn 40 ngôi nhà, bắt 30 người, bắn chết 17 người vùi xác xuống con mương nhà ông Lê Văn Khách tại Giồng Cám. “Dù bị đàn áp dã man, quân và dân ta không hề nao núng mà biến đau thương thành sức mạnh, quyết tâm bám đất, giữ làng, kiên trì chiến đấu đến ngày toàn thắng” - ông Ngô Văn Đức, SN 1929, ngụ ấp Bình Hữu 2, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tự hào nói.

Hệ thống giao thông được đầu tư làm cho bộ mặt xã Đức Hòa Thượng ngày thêm khởi sắc

Chung tay xây dựng

Trở lại Đức Hòa Thượng sau gần 4 năm được công nhận danh hiệu xã văn hóa - nông thôn mới, chúng tôi thật sự vui mừng khi vùng căn cứ cách mạng ngày nào đã khoác lên mình “chiếc áo mới”. Bộ mặt địa phương tiếp tục có nhiều đổi thay. Đáng nói nhất có lẽ là tuyến đường Đức Hòa Thượng dẫn về trung tâm xã đang được nâng cấp, trải nhựa rộng rãi, khang trang. Những tuyến đường giao thông nông thôn trải đá xanh sạch sẽ không còn xa lạ gì với người dân nơi đây.

Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Thượng - Lê Thị Ngọc Kim thông tin: Không chỉ những tuyến đường giao thông mà hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa ấp cũng tiếp tục được đầu tư theo tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Điều đáng mừng là các công trình kết cấu hạ tầng đều có sự chung tay, góp sức của nhân dân. Đến nay, toàn xã chỉ còn 36 hộ nghèo và 96 hộ cận nghèo. Đời sống người dân không ngừng nâng lên, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt khoảng 40 triệu đồng/năm.

Hệ thống trường học trên địa bàn xã tiếp tục được đầu tư theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao

Là địa bàn chịu nhiều mất mát, đau thương trong chiến tranh, rất nhiều người con ưu tú của quê hương Đức Hòa Thượng đã anh dũng chiến đấu và hy sinh. Theo thống kê, trên địa bàn xã hiện có 3 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, 51 thương binh, 23 bệnh binh và 219 gia đình có công với cách mạng. Hàng năm, xã tổ chức nhiều đoàn đến thăm, tặng quà, vận động xây dựng nhà tình nghĩa, giúp các gia đình có cuộc sống ổn định, nguôi ngoai phần nào nỗi đau chiến tranh.

Bà Lê Thị Hạnh, SN 1944, thương binh 4/4, ngụ ấp Bình Hữu 1, xã Đức Hòa Thượng, chân tình nói: “Ngày ấy, khi tham gia chiến đấu, chúng tôi chỉ nghĩ rằng phải đánh đuổi hết lũ giặc xâm lăng giày xéo quê hương mình. Trong đó, biết bao lớp người đã ngã xuống để giành lại tự do cho chúng ta hôm nay. Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hàng năm, Đảng ủy, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên tinh thần, làm cho chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng.

79 năm trôi qua từ cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ (23/11/1940 - 23/11/2019), người dân Đức Hòa Thượng vẫn tiếp tục ra sức hàn gắn “vết thương chiến tranh”, xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống của cha ông./.

Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích