Tiếng Việt | English

21/09/2019 - 14:59

Đời sống công nhân xa quê

Hiện nay, theo ghi nhận, mức thu nhập bình quân của công nhân, lao động (CNLĐ) đáp ứng tốt nhu cầu cuộc sống, nhưng vẫn còn một số trường hợp chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu mức sống tối thiểu. Để cuộc sống bớt chật vật, đa số CN đều cố gắng tăng ca hoặc tìm việc làm thêm ngoài giờ lao động.

Tăng ca, làm thêm và hạn chế vui chơi, mua sắm

Đó gần như là “thói quen” sống của đa số CNLĐ ở các khu, cụm công nghiệp (K,CCN), nhất là CNLĐ nhập cư từ các tỉnh, thành khác đến thuê trọ để làm việc trên địa bàn tỉnh. Chị Nguyễn Phương Hoài Tâm - CN Công ty (Cty) TNHH Cường Vinh, KCN Hải Sơn, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cho biết: “Quê tận tỉnh Thanh Hóa, tôi vào đây thuê nhà trọ ở và làm CN được gần 5 năm. Vợ chồng tôi có 2 con nhỏ, một đứa 6 tuổi và một đứa hơn 3 tuổi. Thu nhập bình quân của 2 vợ chồng hơn 10 triệu đồng/tháng. Để đủ tiền trang trải cuộc sống và gửi về quê phụ giúp cha mẹ nuôi các con ăn học, ngoài sống tiết kiệm, vợ chồng tôi còn cố gắng tăng ca”.

Đa số công nhân, lao động lựa chọn tăng ca để kiếm thêm thu nhập

Đa số công nhân, lao động lựa chọn tăng ca để kiếm thêm thu nhập

Cùng tâm trạng với chị Tâm, chị Lê Thị Loan - CN Cty TNHH Giày ChingLuh, KCN Thuận Đạo, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, chia sẻ: “Ngoài giờ làm việc, CN xa quê ít vui chơi, giải trí. Để có thêm thu nhập, góp phần giảm bớt gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền trong cuộc sống, chúng tôi đều tranh thủ tăng ca”.

Đến một số khu nhà trọ CN, hình ảnh những bữa cơm đạm bạc trở nên khá quen thuộc. Đa số CNLĐ đều chọn lối sống tiết kiệm như thế! Bà Nguyễn Thị Hai, 69 tuổi, quê tỉnh Đồng Tháp, thuê trọ tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, bộc bạch: “Nhà không có ruộng đất sản xuất, con gái tôi lên đây làm CN trong KCN Thuận Đạo, gửi con về quê cho tôi nuôi. Năm trước, đứa cháu ngoại cũng lập gia đình rồi sinh con. Vậy là, tôi lên đây giữ cháu cố cho con gái và vợ chồng đứa cháu ngoại đi làm CN. Cả nhà 6 người sống trong căn phòng khoảng 12m2. Tôi thấy con, cháu làm việc vất vả, chi tiêu tiết kiệm nhưng cũng chỉ đủ sống chứ không dư dả”.

Kiếm thêm thu nhập

Chị Nguyễn Thị Thùy An, 35 tuổi, quê tỉnh Hà Tĩnh, làm CN Cty Sheen Bridge, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An trải lòng: “Vợ chồng tôi vào đây làm CN gần 7 năm rồi. Khi Cty có nhiều hợp đồng, vợ chồng đi làm cả ngày chủ nhật. Khi chưa có em bé, tôi thường tăng ca vì muốn kiếm thêm một ít tiền gửi về quê cho ba mẹ. Nhưng từ khi có con nhỏ, tôi ở nhà giữ bé còn chồng đi làm, cố gắng tăng ca thường xuyên để đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày và lo cho con. Đợi con bé cứng cáp hơn, tôi sẽ buôn bán để có tiền phụ chồng lo cho con”.

Đa số công nhân, lao động lựa chọn tăng ca để kiếm thêm thu nhập

Còn chị Bùi Thanh Thúy - CN Cty TNHH Túi xách Simone, KCN Long Hậu, nói: “Thu nhập hiện tại hơn 7 triệu đồng/tháng, tôi phải tiết kiệm mới có thể gửi về quê 2 triệu đồng phụ ông bà ngoại nuôi con. Người bạn cùng quê làm CN trong KCN ở Bình Chánh, TP.HCM lấy hàng, gửi cho tôi bán kiếm thêm tiền. Giá cả ngày càng leo thang, nếu CNLĐ chỉ trông chờ vào đồng lương mà không làm thêm công việc gì đó thì cuộc sống vất vả”.

Chị Bùi Thị Loan - CN Cty TopCake, KCN Long Hậu, chia sẻ: “Với mức lương hiện tại, để cuộc sống bớt chật vật, khi Cty có nhiều hợp đồng, phần lớn CN đều cố gắng tăng ca. Một ngày làm có tăng ca của CN kết thúc lúc 20-21 giờ”. 

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh - Lê Thị Thu Cúc, thực tế hiện nay, mức thu nhập của CNLĐ đáp ứng đầy đủ nhu cầu cuộc sống, nhưng vẫn còn một số trường hợp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu mức sống tối thiểu. Nếu không tăng lương, giảm áp lực công việc thì đời sống số CNLÐ này khá chật vật./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết