Tiếng Việt | English

16/07/2020 - 18:35

Đời sống người dân vùng biên ngày càng nâng lên

Nhờ thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững ở các xã biên giới mà kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn thay đổi, đời sống người dân vùng biên ngày càng được nâng lên.

Kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn xã Bình Tân thay đổi là nhờ có nhiều chương trình, dự án dành cho xã biên giới

Kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn xã Bình Tân thay đổi là nhờ có nhiều chương trình, dự án dành cho xã biên giới

Về xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường trong những ngày Long An nói riêng, cả nước nói chung đang lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chúng ta mới thấy được sự đổi thay từ bộ mặt nông thôn đến đời sống người dân. Và ở đó không còn những con đường “nắng bụi, mưa lầy” hay người dân biên giới phải “bỏ xứ” đi nơi khác làm ăn. Thay vào đó những con đường bêtông sạch đẹp, nhà cửa khang trang, nhiều công ty, xí nghiệp mọc lên, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn,...

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tân - Đặng Hoàng Kha cho biết: “Bình quân, hàng năm xã được phân bổ hơn 800 triệu đồng đầu tư xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn và công trình kênh, mương thủy lợi theo Chương trình 135. Bên cạnh đó, 2 năm (2019 và 2020), xã còn được hỗ trợ 240 triệu đồng thực hiện mô hình đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo. Nhờ Chương trình 135, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, hộ nghèo từ trên 5% năm 2016 giảm xuống còn dưới 2% hiện nay, thu nhập bình quân đầu người trên 45 triệu đồng/năm, nhất là xây dựng thành công xã nông thôn mới vào năm 2019”.

Những năm trước đây, gia đình anh Đỗ Văn Thắng, ngụ xã Bình Tân, là một trong những hộ gia đình nghèo nhất xã. Bởi, vợ chồng anh đều không có nghề nghiệp ổn định, 2 người con còn nhỏ. Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Thắng, xã đưa gia đình anh vào danh sách hộ nghèo. Theo đó, gia đình anh được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho hộ nghèo. Ngoài ra, gia đình anh còn được chính quyền địa phương hỗ trợ 2 con bò giống, giới thiệu cho vợ anh vào làm việc ở một công ty gần nhà. Nhờ vậy, kinh tế gia đình anh ngày càng ổn định, chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng lên.

Anh Thắng trải lòng: “Quê tôi ở tận miền Trung. Tôi theo cha vào Nam lập nghiệp nên gia đình không có đất và phương tiện sản xuất. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, gia đình tôi mới có cuộc sống tốt như hôm nay. Không riêng gia đình tôi mà đời sống người dân xã Bình Tân bây giờ tốt lắm, vì điện, đường, trường, trạm được đầu tư khang trang, sạch đẹp, phục vụ tốt đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân”.

Ngược về xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ, chúng tôi đến thăm gia đình bà Lâm Thị Hiên. Tại đây, chúng tôi được nghe bà kể về câu chuyện ổn định cuộc sống của gia đình nhờ chương trình hỗ trợ các xã khó khăn. Bà Hiên kể, năm 2012, gia đình bà được hỗ trợ vay vốn 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội dành cho người dân vùng khó khăn để đầu tư chăn nuôi bò. Từ một con bò ban đầu, bà nhân giống ra hàng chục con bò khác, trong đó bò nái để lại làm giống, bò đực bán. Sau thời gian chăm chỉ làm ăn, gia đình bà trở thành hộ khá, giàu ở địa phương, nuôi hai người con ăn học thành tài.

Bà Hiên tâm sự: “Không có chương trình của Đảng và Nhà nước hỗ trợ người dân vùng biên, gia đình tôi nói riêng, người dân xã Mỹ Quý Đông nói chung chắc chắn không có được cuộc sống, việc làm ổn định như vậy. Quả thật, nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước không chỉ đi vào cuộc sống mà còn hợp lòng dân”.

Có thể thấy, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015-2020 góp phần rất lớn thay đổi từ diện mạo các xã vùng biên đến đời sống người dân./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết