Tiếng Việt | English

08/05/2020 - 09:20

Đổi thay khu vực Bàu Tràm

Trong kháng chiến, xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Nơi đây từng diễn ra trận đánh của quân và dân ta tại khu vực Bàu Tràm, ấp Rừng Sến vào ngày 09/5/1968, góp phần quan trọng vào cuộc Tổng tiến công Mậu Thân.

Di tích Bàu Tràm, nơi giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ ngày nay

Theo những người dân sinh sống lâu năm tại địa phương, sở dĩ khu vực này có tên Bàu Tràm vì đây là một bàu nước cổ có từ lâu đời. Xung quanh bàu nước mọc nhiều cây tràm. Bàu Tràm là nơi ghi dấu một chiến công oanh liệt của quân, dân Long An. Đêm ngày 08 rạng 09/5/1968, Tiểu đoàn 16, Trung đoàn 2 thuộc Sư đoàn 9, chủ lực miền phối hợp bộ đội địa phương huyện Đức Hòa và du kích xã Mỹ Hạnh (nay là xã Mỹ Hạnh Bắc và Mỹ Hạnh Nam) nổ súng tấn công cụm xe tăng Mỹ. Sau 2 giờ chiến đấu, quân ta diệt trên 300 tên Mỹ, phá hủy 96 xe tăng, xe bọc thép, 12 khẩu pháo và nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Đây là trận đánh có ý nghĩa sâu sắc đối với vùng ven Sài Gòn, mở thông đường vận chuyển chiến lược vào phía Tây Sài Gòn cho đợt tấn công vào đầu não địch lần 2 - Mậu Thân 1968. Với những ý nghĩa lịch sử đó, Di tích lịch sử khu vực Bàu Tràm được UBND tỉnh xếp hạng là di tích cấp tỉnh vào năm 2000.

Ngày nay, quang cảnh xung quanh thay đổi nhiều so với những năm tháng chiến tranh. Dấu vết vật chất có thể nhìn thấy là những hầm trú ẩn của xe tăng, những vũng lầy, những mương hào nhưng do thời gian và tác động của con người, hiện di tích được bao bọc xung quanh là những ngôi nhà xen kẽ.

Đoàn viên, thanh niên tham gia bạn trẻ quét dọn tại di tích Bàu Tràm

Ông Lê Minh Nhật, ngụ ấp Rừng Sến, chia sẻ: “Nhà tôi gần di tích Bàu Tràm nên tôi nhận thêm nhiệm vụ trông coi, quét dọn di tích. Tôi có con đang học phổ thông nên thấy đây là việc làm hay, ý nghĩa nhằm giáo dục các con hiểu về truyền thống lịch sử dân tộc”.

Theo Bí thư Đoàn xã Mỹ Hạnh Bắc - Trần Hữu Nghị, phát huy truyền thống anh hùng, tuổi trẻ xã nhà thường xuyên tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho đoàn viên, thanh niên. Ngoài ra, Đoàn xã nhận bảo quản một số nhà bia, khu di tích trên địa bàn, phân công đoàn viên đến dọn vệ sinh, bảo đảm mỹ quan cho khu di tích; tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh,... nhân các dịp lễ, tết. Những hoạt động trên là bài học thiết thực nhất cho đoàn viên về việc ghi nhớ công ơn của các vị anh hùng.

Ngày nay, về vùng đất Mỹ Hạnh Bắc, nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay của miền đất khó. Mảnh đất từng che chở, bao bọc cho quân ta trong các cuộc chiến đang dần thay đổi từng ngày. Nhiều ngôi nhà mới mọc lên, hệ thống đường giao thông được đầu tư nhựa hóa, bêtông hóa, trường học, trạm y tế cũng được quan tâm xây dựng. Đặc biệt, với vị trí tiếp giáp TP.HCM, Mỹ Hạnh Bắc có nhiều công ty, xí nghiệp hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trong và ngoài xã.

Đường quê Mỹ Hạnh Bắc được đầu tư xây dựng

Theo UBND xã Mỹ Hạnh Bắc, trước đây, đời sống người dân trong xã còn nhiều khó khăn nhưng những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân cùng nỗ lực xây dựng quê hương khởi sắc từng ngày. Hiện tại, xã có 1 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp. Kết cấu hạ tầng cơ bản hoàn thiện, các trục đường chính được nhựa hóa, phục vụ yêu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần từng năm (hiện còn 17 hộ, chủ yếu là các đối tượng bảo trợ xã hội). Công tác chăm lo các đối tượng chính sách và những gia đình có công với cách mạng được quan tâm kịp thời.

Mỹ Hạnh Bắc từng 2 lần được công nhận là xã anh hùng, hiện đạt chuẩn xã văn hóa và đang trong lộ trình xây dựng xã nông thôn mới./.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết